A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Nga – Kiến trúc sư tâm huyết với Cầu Long Biên

Kiến trúc sư Nguyễn Nga sinh năm 1951 tại Hà Nội. Bà theo gia đình sang Lào rồi sang Pháp định cư từ nhỏ, sau đó tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Kiến trúc Quy hoạch Đô thị tại Paris, Cử nhân về Quản trị Kinh doanh.



 Kiến trúc sư Nguyễn Nga giới thiệu với khách quốc tế về triển lãm tranh tại Lễ hội Cầu Long Biên 2009

Sinh ra trong một gia đình yêu văn hóa, có thể nói sự yêu thích truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc đã gắn bó với bà – một kiến trúc sư, một doanh nhân nhưng mang trong mình tâm hồn nghệ thuật. Những năm sống ở Pháp, bà đã tập hợp bạn bè thực hiện nhiều hoạt động văn hóa để giới thiệu Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trở về Việt Nam, bà đã có 25 năm tham gia đầu tư thực hiện nhiều dự án kinh tế cũng như văn hóa. Đặc biệt, kiến trúc sư Nguyễn Nga được biết đến là người tâm huyết vời cây cầu lịch sử Long Biên, với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát triển Cầu Long Biên thành “cây cầu bảo tàng lịch sử và giao thông không khói”.
Bà đã tổ chức khá thành công hai Lễ hội Cầu Long Biên vào năm 2009 và 2010. Năm 2015, Lễ hội Cầu Long Biên dự kiến được tổ chức vào rằm tháng 2 Âm lịch. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Quê hương đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Nguyễn Nga.

- Là một kiều bào có nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, xin bà cho biết thêm về những dự án bà đã và sẽ thực hiện tại Việt Nam. Bà gặp những thuận lợi và khó khăn khi gì khi thực hiện các dự án đó?

Tôi luôn nhận thức mình là người Việt Nam cho dù đã sống ở Paris hơn 40 năm. Tôi thường chạnh lòng khi thấy đất nước họ văn minh, giàu có, còn đất nước ta vẫn còn nghèo, còn thiếu thốn đủ mọi thứ. Vì thế, tôi luôn mong muốn mang được những trải nghiệm, những hiểu biết, những công nghệ và các mối quan hệ đã tích lũy được để đóng góp cho Tổ quốc giàu mạnh hơn. Trải qua hơn 25 năm đi về giữa Pháp và Việt Nam, tôi đã thực hiện được một số dự án như: dự án than hoạt tính làm từ gáo dừa cho Bến Tre, dự án cấp nước cho Hà Đông, dự án xử lý nước thải và rác thải, bảo vệ môi trường cho phố cổ Hội An... và gần đây tôi cũng đang đề xuất những dự án làm giàu từ nông nghiệp kết hợp du lịch như: Dự án du lịch sinh thái chữa bệnh và sản xuất trà cao cấp Suối Giàng (Yên Bái), Dự án sản xuất và tạo thương hiệu cao cấp cho muối Bạch Long (Nam Định), Dự án làm sữa từ gạo Việt Nam, Dự án Bảo tồn Cải tạo Cầu Long Biên.
Những khó khăn gặp phải theo tôi là vì vẫn chưa có một cơ chế mạnh dạn và phù hợp đối với kiều bào về đóng góp cho quê hương đất nước. Dù đã có Nghị quyết 36, chúng ta vẫn chưa thực sự quán triệt rằng đối tượng để bắc được cầu nối với “bộ phận không tách rời” là những trí thức, những nhà khoa học, những doanh nhân Việt kiều đang ở khắp năm châu. Như trường hợp của tôi, phải bươn chải vô cùng vất vả để thực hiện được những dự án nói trên. Nếu thực sự có được một tổ chức hiểu rõ hơn và giúp đỡ tôi hơn, thì tôi còn có thể đóng góp nhiều dự án hơn nữa.



 Một hoạt cảnh tái hiện Ngày giải phóng Thủ đô tại Lễ hội Cầu Long Biên 2009


- Theo bà, đâu là thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đóng góp xây dựng quê hương?

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cộng đồng còn rất trẻ nên thế mạnh không nằm ở những khoản tiền hàng tỷ đôla họ có trong túi mà là “chất xám”, là khoa học công nghệ, là sự kết nối với với tất cả những tập đoàn, chính quyền của các quốc gia nơi họ đang sống. Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài có thể là một đại sứ vừa để quảng bá Việt Nam ra thế giới, vừa làm cầu nối để đưa thế giới đến với Việt Nam.

- Không chỉ là 1 doanh nhân thành đạt, bà còn là người yêu và đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bà có thể cho biết những điều mình đã thực hiện để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc khi ở nước ngoài?

Những năm sống bên Pháp, tôi đã tập hợp bạn bè làm nhiều hoạt động văn hóa để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tôi cũng khởi xướng vẽ tranh minh họa cho truyện cổ tích Việt Nam bằng hai thứ tiếng Việt – Pháp (1984 – 1986) để bồi đắp văn hóa Việt cho chính con cái của mình và những người con Việt sống xa quê hương. Bộ sách do tôi làm chủ biên được nhà xuất bản L’Harmattan phát hành và đã có mặt trong các thư viện ở nhiều quốc gia với trên 30 tựa sách cổ tích của Việt Nam. Tôi cũng là người sáng lập cho Hội người Việt Nam tại Pháp một Trung tâm Văn hóa Việt Nam đầu tiên tại Paris, mang tên Ngôi nhà Việt Nam/ “Maison du Vietnam” (1985) và đã được đánh giá 5 sao từ một cuộc khảo sát các trung tâm văn hóa thế giới trên địa bàn Paris.

- Là người rất tâm huyết với Cầu Long Biên, được biết bà đã đề xuất một dự án để bảo tồn và phát triển cây cầu lịch sử này, xin bà giới thiệu đôi chút về dự án này?

Từ năm 2007, khi được biết Cầu Long Biên sẽ bị tháo dỡ, tôi đã vận động bằng nhiều cách để biến Cầu Long Biên thành một Di sản văn hóa - du lịch - lịch sử. Theo dự án này, Cầu Long Biên sẽ trở thành một “cây cầu bảo tàng lịch sử và giao thông không khói” (đi bộ, xe đạp, xe điện hoặc tàu điện nhỏ); bãi giữa Sông Hồng sẽ thành công viên nghệ thuật; hai đầu cầu là bảo tàng cổ vật (tháp nước Hàng Đậu) và bảo tàng nghệ thuật đương đại (tháp Sen); 131 vòm cầu cạn (phố Gầm Cầu – phố Phùng Hưng) sẽ được mở ra thành khu phố nghề nghệ thuật của Việt Nam và thế giới.
Dự án Bảo tồn, Cải tạo và Phát triển Cầu Long Biên mà tôi đề xuất có tham vọng tạo ra hàng ngàn gói dịch vụ, hàng triệu công ăn việc làm, cũng như đưa trung tâm thủ đô Hà Nội nổi tiếng như Paris với biểu tượng Cầu Long Biên.

- Lễ hội Cầu Long Biên 2015 dự kiến sẽ diễn ra tới đây, bà có thể tiết lộ về chủ đề của Lễ hội năm nay?

Lễ hội Cầu Long Biên lần thứ nhất mang chủ đề “Ký ức Cầu Long Biên” được tổ chức năm 2009, vào đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô 10/10, gần như là sự kiện đầu tiên mở đầu cho chuỗi sự kiện chào mừng một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Lễ hội Cầu Long Biên lần thứ hai, năm 2010, vào thời điểm khép lại Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, với chủ đề “Cầu Rồng kể chuyện nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội”. 
Lễ hội Cầu Long Biên lần thứ ba, dự kiến được thực hiện năm 2015 với chủ đề ”Lễ hội Văn hóa các dân tộc vì hòa bình”, với chương trình điểm nhấn “Đi bộ vì hòa bình” và ký vào quyển sách kỷ lục “1 triệu chữ ký vì HÒA BÌNH cho Việt Nam và Thế giới” với sự tham dự của 81 Đại sứ quán từ các quốc gia có bang giao với Việt Nam.
Tôi có tham vọng đóng góp cho Hà Nội một FESTIVAL HÒA BÌNH được tổ chức thường niên, vì Hà Nội là thành phố duy nhất ở toàn Á Châu đã được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, và cây Cầu Long Biên cũng đã được thế giới nhìn nhận như cây cầu biểu tượng của một dân tộc yêu hòa bình.
Xin cảm ơn bà!

Thủy Nguyên

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu