A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người có “duyên” với… rác

Với 2 khu xử lý rác được đầu tư bài bản: Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Phước Hiệp (huyện Củ Chi), TP.HCM đã chủ động được việc thu gom và xử lý rác một cách hợp vệ sinh. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của một kiều bào: ông David Dương, Giám đốc Công ty California Waste Solutions (Mỹ) - chủ đầu tư xây dựng khu xử lý rác Đa Phước.

Khởi nghiệp


 Ông David Dương đang giới thiệu công nghệ xử lý chất thải rắn

Năm 1978 khi vừa mới đặt chân lên nước Mỹ, cha của ông với con mắt của một nhà kinh doanh giấy vụn hàng đầu Sài Gòn trước 1975 đã nhìn thấy tiềm năng “hái ra tiền” từ những… giỏ rác đặt trước nhà của người Mỹ.

“Trong những thùng rác ấy có rất nhiều giấy vụn và túi ni  lông có thể tái chế, sao không gom để tái chế nhỉ?”. Không ai làm thì mình làm - nghĩ vậy và ngay hôm sau, cha ông David Dương kêu con cháu lại và “ra lệnh”: Ngoài thời gian đi học tiếng Anh, tất cả mọi người phải lên xe buýt và tìm chỗ ngồi ngay cửa sổ. Không được đi chung mà mỗi người phải đi một xe… để tìm cho được nơi thu mua phế liệu.

Mệnh lệnh được mọi người chấp hành rất nghiêm túc và chỉ đến ngày thứ hai, họ đã phát hiện ra một cơ sở thu mua phế liệu. Dồn tất cả số tiền có được, gia đình ông David Dương mua một chiếc xe hơi cũ trị giá khoảng 700 USD. Một lần nữa, cha ông David Dương lại họp gia đình: Người nào đi học ban ngày thì ban đêm phải đi thu gom rác, người nào học ban đêm thì ban ngày đi làm việc này.

Nước Mỹ giàu nên việc tìm những phế phẩm có thể tái chế không khó nhưng cũng vì giàu nên các chủ cơ sở thu mua phế liệu cũng rất… “chảnh”. Túi ni lông, giấy vụn phải thật sạch mới mua. Thậm chí trong giấy còn sót lại kim bấm họ cũng chê.

Tần tảo, chịu thương chịu khó lại biết cần kiệm nên khoảng 1 năm sau, gia đình ông mua được một chiếc xe cũ nữa. Có thêm phương tiện, gia đình ông David Dương lại càng dốc sức vào làm việc và cho đến năm 1982 cả nhà đã có 12 chiếc xe thu gom rác. Lúc này, để không phải “xếp hàng” bán phế liệu cho cơ sở thu mua, gia đình ông David Dương đã chủ động thuê kho chứa số phế liệu thu gom về.

Thế nhưng, có kho chứa, có phương tiện thu gom, chủ động được nguồn hàng, tại sao lại phải phụ thuộc vào cơ sở thu mua phế liệu ở Mỹ? Thế là cha ông David Dương vượt biển sang Đài Loan tìm khách hàng. Năm 1983, gia đình ông David Dương đầu tư xây dựng một nhà máy đóng kiện hàng và xuất kiện hàng phế liệu đầu tiên ra nước ngoài.

Mọi việc tiến triển tốt đẹp, đến năm 1987 gia đình ông mở thêm được 2 cơ sở kinh doanh phế liệu ở 2 thành phố khác của Mỹ. Giờ đây những người Việt mới sang Mỹ tìm đến gia đình ông đều được ông cho vay tiền mua xe đi thu gom rác và nhận mua toàn bộ phế liệu họ thu gom được.

Khẳng định mình

Năm 2006, thành phố San Jose thuộc bang California đấu thầu thu gom và xử lý rác. Lúc này, gia đình ông đã thành lập Công ty California Waste Solutions chuyên thu gom, xử lý rác nên quyết định tham gia đấu thầu.  Cái khó là từ 120 năm qua, chưa có người da màu nào được giao việc thu gom, xử lý rác ở đây.

Với phương án tốt, giá thành hợp lý, Công ty California Waste Solutions đã được hội đồng chấm thầu cho điểm cao nhất. Thế nhưng mọi việc lại không đơn giản như vậy. Lãnh đạo thành phố này vẫn quan ngại “Liệu California Waste Solutions sẽ làm tốt trong thực tế?”.

Trong khi đó, những công ty cạnh tranh lại ra sức bêu riếu California Waste Solutions trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Hội đồng thành phố (cơ quan chọn thầu) đã họp nhiều lần nhưng vẫn chưa quyết định được. “Trong thời gian ấy tôi căng thẳng đến tột độ, đêm ngủ thường xuyên giật mình thức dậy, toát cả mồ hôi: Nếu công ty không trúng thầu thì sao?”, nhớ lại thời gian ấy, ông David Dương kể.

Thế rồi cũng có giải pháp… ông David Dương tìm đến cộng đồng người Việt sinh sống ở San Jose, vốn có đến hơn 120.000 người. “Tôi nói với họ: Nếu tôi thắng thầu thì không chỉ có lợi cho tôi mà còn là sự khẳng định với cư dân thành phố này là người Việt Nam có thể làm tốt rất nhiều công việc. Con cháu chúng ta sẽ không bị phân biệt, đối xử nữa”, ông David Dương nhớ lại.

Đến ngày thành phố chọn thầu, người Việt Nam đã đến đầy hội trường thành phố để ủng hộ ông David Dương. Trước sự đoàn kết ấy, hội đồng thành phố đã bỏ phiếu 10/10 chọn California Waste Solutions. Thế nhưng, mọi khó khăn vẫn chưa hết. Các công ty vệ sinh khác liên kết lại không cho Công ty California Waste Solutions đậu xe rác.

Để giữ uy tín, ông David Dương đã chấp nhận mua lại chỗ đậu xe của một công ty vệ sinh với giá gấp 4 lần giá thị trường. Ngày đầu tiên California Waste Solutions đi thu gom rác, hội đồng thành phố cử tới… 22 nhân viên trực điện thoại, sẵn sàng ghi nhận những phàn nàn của người dân.

Lo lắng, hồi hộp nhưng rồi ngày đầu tiên cũng qua đi mà không lời phàn nàn nào. Ngày thứ hai, thứ ba rồi cả tháng cũng không có và sau một tháng thị trưởng thành phố đã phải tặng bằng khen cho California Waste Solutions.

Trở về quê hương

Năm 2003, lãnh đạo TP.HCM đến làm việc ở Mỹ. Ông David Dương đã được nghe về chủ trương thu hút đầu tư của thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường. Lúc này, Công ty California Waste Solutions đã đứng hàng thứ 51 trong tổng số 100 doanh nghiệp hàng đầu về thu gom, xử lý chất thải của Mỹ.

Muốn đóng góp một chút gì đó cho quê hương, ông David Dương quyết định trở về TP.HCM. Ở quê nhà ông được lãnh đạo thành phố ủng hộ, giao cho 128 ha đất ở Bình Chánh để làm Khu xử lý rác Đa Phước. Theo kế hoạch, đến năm 2008 Đa Phước mới đi vào hoạt động nhưng trước sự khó khăn của thành phố trong việc xử lý rác, ông David Dương đã dồn hết sức, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình.

Và vào ngày 1-11-2007, khu xử lý rác Đa Phước đã tiếp nhận 60 tấn rác đầu tiên, sau đó sẽ tăng lên đến 3.100 tấn vào cuối tháng 11-2007. Đây là khu xử lý rác đầu tiên được hình thành từ chủ trương xã hội hóa lĩnh vực vệ sinh môi trường của thành phố.

Tại Đa Phước sẽ có nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy tái chế rác thành phân compost, nhà máy sản xuất hạt nhựa từ nhựa phế thải, hệ thống thu khí gas phát điện…Tất cả đảm bảo cho việc xử lý rác một cách triệt để, hợp vệ sinh, an toàn.

Nhớ lại những gì đã qua, ông David Dương chỉ nói gọn như sau: “Cảm ơn sự đồng lòng ủng hộ của những con người Việt Nam trong suốt quá trình hoạt động của công ty… Có quê hương, có đồng bào giúp sức, chúng tôi đã vượt qua những thử thách cam go nhất để bây giờ đóng góp lại cho quê hương”. (Theo Sài Gòn giải phóng)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu