A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo sư Võ Văn Tới: Chỉ tiếc đã ở nước ngoài quá lâu…

Theo Giáo sư Võ Văn Tới, Việt Nam đang phát triển nhanh, điều kiện làm việc cũng như cơ hội cống hiến rất nhiều. Và đây là thời điểm tốt nhất để ông trở về.


  
Giáo sư Võ Văn Tới hiện là Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh của Đại học Quốc tế,
thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM

Trong khi có thể hoàn toàn yên ổn đến cuối đời với hai công việc: giáo sư tại Đại học Tufts và Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), Giáo sư Võ Văn Tới lại quyết định trở về Việt Nam. Đối với ông, đó là một cơ hội để được cống hiến cho quê hương.

Người “xây” 3 cây cầu

Về nước, điểm dừng chân mà Giáo sư Tới chọn là Đại học Quốc tế TP.HCM với việc thành lập bộ môn kỹ thuật y sinh năm 2009. Đây cũng là chuyên ngành ông đã sáng lập tại Đại học Tufts trong những năm giảng dạy ở Mỹ. Và mặc dù phải đến tháng 8/2010 mới biết được bao nhiêu sinh viên đầu tiên trúng tuyển, nhưng Giáo sư Tới cho hay, hiện bộ môn đã có khoảng 40 sinh viên từ các ngành khác chuyển sang. Ngoài ra, Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, Hội Trang thiết bị Y tế TP.HCM, Đại học Y dược TP.HCM đang phối hợp với bộ môn để tìm hiểu nhu cầu về trang thiết bị y tế thực tế và hợp tác nghiên cứu.

Để xây dựng nền móng cho một bộ môn còn non trẻ tại quê nhà, ông đã chủ động mời giảng viên từ các trường đại học lớn trên thế giới đến thỉnh giảng. Cách đây gần 2 tháng, từ Đại học Baylor (Mỹ), Giáo sư Benjamin Kelley đã đến giảng dạy trong 2 tuần. Không chỉ vậy, sau khi về Mỹ, Giáo sư Kelly vẫn đảm nhiệm lớp thông qua hình thức trực tuyến (video conferencing). Do cách làm được trường Đại học Quốc tế TP.HCM đánh giá tốt nên Giáo sư Tới cho biết, ông sẽ tiếp tục thực hiện với sự giúp sức của các cộng sự khác tại Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngoài vai trò cầu nối cho ngành kỹ thuật y sinh Việt Nam với thế giới, nhắc đến Giáo sư Tới, nhiều người nhớ đến một sáng kiến khác có tên gọi “On the ways home” (Đường về tổ quốc), đang được Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF) thực hiện hằng năm. Theo đó, những du học sinh nhận học bổng của VEF sẽ được gặp gỡ các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam tại Mỹ để trình bày những mong muốn về điều kiện việc làm khi về nước. Những cuộc gặp sẽ do VEF tổ chức hằng năm và số sinh viên đã nhận học bổng của Quỹ (40 suất/năm) đã lên đến con số 300 sinh viên. “Sáng kiến này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám. Điều kiện làm việc trong nước hiện nay rất tốt, quan trọng là chúng ta có chính sách để thu hút du học sinh quay về hay không”, ông chia sẻ.

Cũng trong thời gian dạy tại Đại học Tufts, Giáo sư Tới còn sáng lập Hội Giáo chức người Bắc Mỹ gốc Việt (VNAUP). Cho tới nay, hội này vẫn duy trì hoạt động với khoảng hơn 50 giáo sư, tập trung trao đổi kinh nghiệm về giáo dục và giúp đỡ sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Đây là nguồn nhân lực mà sắp tới ông mời về Việt Nam thỉnh giảng trong 1-2 tuần và sau đó thực hiện giảng dạy trực tuyến.

Về khi nhìn thấy cơ hội cho mình

Giáo sư Tới chia sẻ, việc rời xa gia đình, quay về Việt Nam khi đang ổn định tại Mỹ, là quyết định không những bị gia đình phản đối mà còn khiến bạn bè, đồng nghiệp bất ngờ. Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, từng hỏi ông xứ cờ hoa hấp dẫn như thế sao ông lại về khi điều kiện trong nước còn khó khăn? Và ông đã trả lời: “Tôi không nghĩ vậy! Đất nước đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội dành cho tôi cũng như những người khác rất lớn. Cuộc sống hiện tại ở Việt Nam của tôi rất thoải mái, chỉ tiếc là tôi đã ở nước ngoài quá lâu nên giờ mới được thụ hưởng”.

Rồi ông khẳng định mình quay về khi nhìn thấy cơ hội vàng, muốn nắm bắt cơ hội ấy và cũng là để thực hiện mục tiêu lớn trong đời: cống hiến cho tổ quốc. Ông nói: “Tôi là người Việt Nam, điều đó đã ăn sâu vào máu, vào thịt của tôi rồi. Việc trở về và làm việc trên quê cha đất tổ là hết sức bình thường”.

Ngành kỹ thuật y sinh Việt Nam hầu như chưa phát triển trong khi nhu cầu về ngành này trong nước rất lớn, đặc biệt là tại các bệnh viện, trung tâm y tế, công ty dược... Theo Giáo sư Tới, mặc dù Chính phủ đã có quyết định 130/2002/QĐ - TTg ngày 4/10/2002, quyết định đến năm 2010, Việt Nam phải sản xuất được 60% máy móc, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, cho đến năm 2009, 80% trang thiết bị y tế vẫn là nhập khẩu; đội ngũ làm kỹ thuật y sinh cũng rất thiếu và yếu.
Để tiến tới tương lai tự chủ về trang thiết bị y tế cũng như có đội ngũ nắm vững kỹ thuật y sinh, không còn cách nào khác ngoài giáo dục. “Chỉ có giáo dục, đào tạo mới tạo ra đội ngũ có khả năng cải tiến, chế tạo máy móc cũng như hiểu được những máy móc đó. Đó là cơ hội vàng tôi đang nắm bắt”, ông cho biết.

Và ông nói thêm: “Nếu quay lại Đại học Tufts, tôi sẽ làm lại cái việc mình đã làm hằng mấy chục năm nay rồi. Khi đó, có lẽ Việt Nam chỉ là dĩ vãng trong tôi, bởi sẽ chẳng có cơ hội nào tốt hơn để trở về nữa”. 

   (Theo NCĐT )


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu