A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”

“Tôi rất hãnh diện là công dân VN. Tôi luôn nói với các con tôi, ba là người VN, cái gốc của các con là VN, nên các con là người VN, đi đâu, làm gì cũng không được quên VN, phải nghĩ cho VN…”.

Trước khi diễn ra Lễ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho kiều bào có nhiều thành tích trong việc củng cố, phát triển cộng đồng và xây dựng đất nước diễn ra hôm 21/7, tôi đã cất công tìm hiểu thông tin về tập thể và các cá nhân được tặng Bằng khen trong đợt này, bởi họ chính là những kiều bào đầu tiên được nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Chợt đập vào mắt cái tên Jonathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines… Lạ thật, cái tên này chưa nghe bao giờ! Phải tìm hiểu mới được. Và thế là bắt đầu tìm hiểu bằng cách đơn giản nhất trong cái thời đại thông tin bùng nổ này: bật máy tính lên, vào Google, đánh cái tên “Jonathan Hạnh Nguyễn”, cẩn thận cho thêm cả ngoặc kép để lọc cho chính xác hơn. Gần như không thấy xuất hiện ở website nào cả. Bỏ ngoặc kép, vẫn vậy! Chỉ duy nhất có tên trong một tin ngắn về từ thiện. Thêm 1 lần nhắc đến nữa nhưng không phải là trong tin, mà là trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng Bằng khen cho ông. Tự nhủ, người này chắc nhiều công lao - cái này thì đương nhiên rồi, và hẳn là… kín lắm, chắc khó mà tiếp cận đây!

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Nhưng dự đoán ban đầu đã sai. Tại buổi lễ, tôi đã có dịp được gặp ông. Tự tin, lịch lãm và rất trẻ trung so với cái tuổi U60 của mình, ông vui vẻ nhận lời đề nghị phỏng vấn của cả đám phóng viên và ngay lập tức bị đám chúng tôi kéo riêng ra một chỗ… “tra tấn”! Trong khoảng 20 phút, ông đã trả lời mọi câu hỏi của cánh nhà báo một cách rất thoải mái và cởi mở.

Sinh năm 1951 ở Nha Trang, 23 tuổi, Jonathan Hạnh Nguyễn sang định cư tại Philippines, sau đó sang Mỹ du học. Ông từng là thanh tra tài chính của Hãng Boeing - Mỹ, còn hiện tại, ông là Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Imex Pan-Pacific), trụ sở tại TPHCM.

Người mở đường bay chính thức giữa Việt Nam và Philippines 


 Jonathan Hạnh Nguyễn trò chuyện với phóng viên

Sau 10 năm xa quê hương, năm 1984, Jonathan Hạnh Nguyễn về thăm nhà. Thời đó, kinh tế VN đang trong thời kỳ vô cùng khó khăn. Mong muốn được đóng góp phát triển quê hương, lại đúng lúc nước ta chuẩn bị tiến hành công cuộc Đổi mới, được Chính phủ mở lời mời hợp tác, ông như cá gặp nước. Vì bất cứ một quốc gia nào, muốn phát triển nhanh, mạnh, muốn mở cửa thông thương với bên ngoài thì trước hết phải phát triển hàng không, sau đó mở cửa các cảng biển quốc tế. Mà ông khi đó lại là Tổng đại diện của Philippines Airline tại Khu vực Đông Dương với nhiệm vụ chính là điều hành Hãng hàng không Philippines ở khu vực này. Thế là năm 1985, ông tham gia vào quá trình mở đường bay TPHCM-Manila.

Quá trình mở đường bay gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, công việc đã thành công và ngay trong năm 1985, chuyến bay đầu tiên của VN Airlines đã đến Philippines. Đường bay chính thức giữa VN và Philippines được đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách giữa hai nước thuận tiện hơn rất nhiều; đồng thời cũng tạo điều kiện để giao thương hàng hoá giữa VN với các nước một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn vì trước đó ta chỉ mới có đường bay sang Băng Cốc, Thái Lan. Đường bay này được đánh giá là dấu mốc quan trọng của ngành hàng không VN thời đó.

Những dự án đầu tư tiếp nối trên quê hương

Những thành công có được trong việc khai thác đường bay VN và Philippines khiến Jonathan Hạnh Nguyễn nảy ra ý định đầu tư vào một số dự án mà VN có tiềm năng và thế mạnh. Nhưng cũng phải tới thời điểm Hoa Kỳ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với VN, ông mới chính thức có hoạt động kinh tế tại đất nước.

Ông bắt đầu đi vào lĩnh vực đầu tư. Thời kỳ đầu mở cửa, nền kinh tế nước ta vô cùng khó khăn, ngoại tệ thiếu trầm trọng, cơ sở hạ tầng yếu kém, chính sách thu hút đầu tư mới ở giai đoạn đầu, còn nhiều bất cập… và thực tế, chưa có gì để tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Để thuyết phục họ, Jonathan Hạnh Nguyễn lấy uy tín và chính tài sản góp vốn của mình ra để đảm bảo, nhờ vậy ông đã kêu gọi được 18 dự án đầu tư vào VN với trị giá hơn 120 triệu USD.

Các dự án này sau đó đều thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như Nhà máy sản xuất, xuất khẩu dây cáp kéo Nha Trang, Nhà máy sản xuất Song Mây xuất khẩu, Khách sạn Nha Trang Lodge 14 tầng nổi tiếng nhất thời đó ở miền Trung, rồi Nhà máy Ô tô Hòa Bình ở Hà Nội… Các nhà máy, công ty hoạt động thành công, thu được lợi nhuận, đóng góp cho nền kinh tế đất nước và sử dụng tới hơn 20 ngàn lao động ở các địa phương. Và điều quan trọng là đã tạo được niềm tin cho các đối tác nước ngoài vào môi trường đầu tư tại VN.

Tiếp theo đó, khi nhà nước cho phép đầu tư trực tiếp, Jonathan Hạnh Nguyễn mở công ty của riêng mình với số vốn ban đầu hơn 160 triệu USD; doanh số của công ty hiện nay đạt khoảng 250 triệu USD riêng về đầu tư tài chính và các siêu thị mua bán. Ngoài ra, ông còn đầu tư vào các lĩnh vực địa ốc, khách sạn, du lịch…

Luôn tin tưởng ở Tổ quốc

Ông hạnh phúc vì đã đóng góp được một phần nhỏ bé
của mình cho công cuộc xây dựng đất nước

Khi được hỏi tại sao ông lại có niềm tin vào sự thành công trên quê hương, Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết, ông từng có dịp được tiếp kiến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Buổi nói chuyện đó khiến ông rất xúc động và tin tưởng vào sự thay đổi của đất nước, con người VN. Sau này, có thêm dịp tiếp xúc với rất nhiều các nhà lãnh đạo của VN, ông tin tưởng mình có thể thành công, những việc mình làm sẽ đem lại kết quả. Trên hết, đối với ông, tình cảm đối với quê hương đất nước là điều vô cùng thiêng liêng, không thể cân đong đo đếm, không thể lấy tiền bạc ra so đo, mà quan trọng là “mình phải bỏ sức lực ra để cùng nhau đóng góp cho công cuộc đổi mới của đất nước”.

Ông nói chân thành: “Tôi nghĩ tôi đã học được câu nói bất hủ của cố Tổng thống Hoa Kỳ John Kenedy “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc?”. Câu hỏi đó luôn theo tôi khi tôi trở về VN, thúc giục tôi gánh vác những việc mà mình có thể làm được. Câu hỏi đó khiến tôi mạnh dạn đóng góp cho VN, đầu tư về VN. Lúc đầu cũng thua lỗ nhiều lắm, vì 10 năm đầu mở cửa, VN vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chính câu hỏi đó đã khiến tôi mạnh dạn làm, tiếp tục làm, và thành công”.

Nhận xét về những chính sách đối với Việt kiều, ông cho rằng, trong những năm gần đây, VN đã có những chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là đối với kiều bào. “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, vì vậy Đảng, Nhà nước VN đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với Việt kiều như: miễn visa, cho phép mua nhà ở VN... Những chủ trương đúng đắn đó đã giúp cho bà con Việt kiều có nhiều niềm tin và đầu tư nhiều hơn nữa về quê hương, góp phần xây dựng một đất nước VN giàu mạnh.

Thành công trong kinh doanh, Jonathan Hạnh Nguyễn không quên những người đã đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc, những người dân còn nghèo, khó khăn, bất hạnh trên quê hương. Tính đến nay, ông đã đóng góp hơn 18 tỷ đồng cho việc xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ các đối tượng chính sách, những người có công với CM… từ Bắc chí Nam, từ Lào Cai đến Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang, TPHCM…

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: “Tôi rất hãnh diện là công dân VN. Tôi luôn nói với các con tôi, ba là người VN, cái gốc của các con là VN, nên các con là người VN, đi đâu, làm gì cũng không được quên VN, phải nghĩ cho VN…”.

Mai Chi


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu