A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô giáo nghèo ở xóm rau muống

Câu chuyện về cô giáo Dương Băng Trinh gắn liền với những thân phận nghèo tha hương. Thoáng chốc cô gái Sài Gòn này đã có 18 năm dạy học đầy ắp tình người trên đất nước Campuchia.

"20 tuổi, những ngày đầu khi vừa qua Campuchia, tôi xin vào làm việc tại quán cà phê của một Việt kiều ở Hố Lung, cách biên giới Việt Nam không xa. Bưng bê lau chùi, nấu cơm giặt giũ, tôi làm tất cả những gì có thể. Quanh nơi ở, tôi biết nhiều người nghèo không biết chữ, con cái của họ cũng không được học hành" - Dương Băng Trinh kể về hành trình "xuất ngoại" của mình giản dị như thế.

Vừa làm ôsin vừa dạy chữ

Vốn tri thức có được thời học phổ thông ở Việt Nam cộng với tình đồng bào khiến cô gái trẻ nghĩ đến việc dạy chữ cho những con người kém may mắn đó. Nhiều người được Trinh dạy chữ đã không quên "cô ôsin" đến từ Sài Gòn có ý thích kỳ lạ là dạy khách học chữ bên bàn cà phê. Dạy không công nhưng rất nhiệt tình. Dần dà quán cà phê đã trở thành nơi hội tụ của người nghèo đường phố. Nhưng rồi chủ quán dứt khoát: "Đây là quán chứ không phải lớp học".

Trinh tìm đường đi Phnom Penh để tiếp tục hành trình dạy học và mưu sinh. Tại đó, Trinh làm thuê, bán phá lấu, sữa đậu nành... để hòa nhập và tiếp cận người nghèo. Với Trinh, mỗi con người là một bài học cuộc sống sống động. "Tôi nghĩ muốn dạy người nghèo học chữ thì phải học từ người nghèo cách suy nghĩ xem họ cần học những gì”. Trinh cảm nhận và ghi chép cho riêng mình những gì đang xảy ra trên con đường mình đã chọn.

Nhưng rồi bất hạnh lại đến với cô. Một lần đẩy xe bán sữa đậu nành trên đường phố Phnom Penh, Trinh bị một xe gắn máy điên rồ tông phải. Rồi hỏa hoạn xảy ra ở nơi cô tạm trú thiêu rụi gia sản sách vở, những trang viết cóp nhặt từ những câu chuyện thật của người nghèo. Tấm lòng cưu mang của bà con Việt kiều đã giữ chân cô lại nơi đất khách và cũng là nghị lực để cô tiếp tục con đường truyền đạt tri thức. "Khi sức khỏe hồi phục tôi lại đến với người nghèo. Tôi dạy trên vỉa hè, ghế đá, dưới ghe hay nơi nào đó có thể. Dạy học là cuộc sống của tôi, công việc này đã giúp tôi sống ý nghĩa hơn rất nhiều".  



 Cô giáo Trinh và những trẻ cơ nhỡ được cô nhận làm con nuôi tại xóm rau muống

Trinh không nhớ rõ mình đã dạy chữ cho bao nhiêu người, đã tạo ra bao nhiêu tình huống để có thể tiếp cận và tập họp nhóm học, lớp học cho người lao động nghèo. Có lần cô dẫn cả nhóm trẻ lang thang ra công viên thành phố kể cho chúng nghe về Bác Hồ, về anh lính tình nguyện Việt Nam, về dòng sông Mekong đổ về quê mẹ và về những người dân lao động nghèo đang tha hương nơi đất khách... Trinh vận dụng hết những kỹ năng Đoàn, Hội có được khi còn là học sinh, sinh viên để tập hợp các em.

Dõi theo một buổi đứng lớp của cô giáo Trinh cho trẻ đường phố cứ ngỡ như lạc vào thế giới của tuổi thơ trên đất Việt. Trinh dạy hát múa, kể những câu chuyện nhân nghĩa gần gũi với đời thường. Trinh thổi vào tâm hồn tuổi thơ những câu ca dao, vần thơ mà mỗi người Việt ai cũng một lần biết. "Những lúc như thế tôi thật sự hạnh phúc vì được các em chia sẻ, bù đắp những khoảng trống của một người xa quê” - Trinh bộc bạch.

Có nhiều phụ huynh tìm đến gửi con cho cô dạy học. Họ nói học để biết chữ, tính toán làm ăn để viết thư tay, thư điện tử về cho gia đình ở quê nhà. Cũng có những cô gái học để biết tiếng mẹ đẻ khi theo chồng đi định cư ở Mỹ, Úc. Học cấp tốc, học rỉ rả, học đến khi nào biết đọc biết viết, biết tự hát karaoke bằng tiếng Việt...

Ươm mầm những ước mơ

Lớp học nghèo, cô trò cũng nghèo như nhau. Nhà cô ở tận xóm rau muống nơi có chừng 40 hộ dân nghèo cư ngụ sống bằng nghề trồng hái bán rau, thuộc quận Đăng Kao, ngoại ô Phnom Penh. Ban ngày cô đi dạy học đến tối mới về nhà, trong nhà cô có bầy trẻ nhỏ cơ nhỡ được cô đem về nuôi dưỡng dạy học. Cô nuôi dạy các cháu bằng số tiền công còm cõi và từ sự đùm bọc hỗ trợ của bà con Việt kiều. Căn phòng đơn sơ không phương tiện nghe nhìn, chỉ có dãy bàn ghế và chồng sách vở nơi cô hằng đêm soạn bài.

Vậy mà trong năm nay cô đã mở thêm được 3 lớp học ở ấp Lung Kôn Tha Mây, ấp Kakốt và ở xóm rau muống thuộc xã Prey Sor, quận Đăng Kao với 57 học sinh là con em lao động nghèo. Ở xóm rau muống có nhiều gia đình nghèo tốt bụng cho cô mượn mái hiên nhà làm nơi dạy học. Hội Việt kiều hỗ trợ bàn ghế, sách vở. Chưa đủ, cô phải đi mua thêm mười bộ bàn ghế trả chậm từ một thầy giáo dạy tiếng Anh. Vậy là thầy trò không còn phải ngồi khòm người viết bài trên giường tre rệu rã như răng bà lão nữa.

Lớp học nghèo nhưng vui và gắn bó. Ngày mưa gió bị mưa tạt ướt lạnh các em vẫn ngồi nghe cô kể chuyện. "Những giây phút ấy tôi cảm thấy chạnh lòng vì ở xóm nghèo này, không ai có thời gian kể cho các em nghe những thay đổi bên ngoài". - cô tâm sự. Cô Trinh còn dạy các em nữ thêu thùa và tìm những mảnh vải katê cho các em vừa thêu vừa đánh vần tên và những ước mơ bằng lời của mình lên khăn. Bàn tay cầm dao hái rau chai sần đã nữ tính hơn từ những bài học trực quan sinh động.

Không chỉ dạy chữ, cô còn dạy các em làm người, dạy các em biết ước mơ một tương lai tốt đẹp. Mơ ước không hề là điều xa xỉ. Cô Trinh thường khuyên học trò mình biết ước mơ. "Từ ao rau muống này, nếu có nghị lực các em sẽ làm thay đổi được cuộc sống". Trong một lần như thế, cô đã ứa nước mắt khi Vũ Phương, cậu học trò ương ngạnh của lớp, nhanh nhảu trả lời: "Nếu sau này con được khá giả như lời cô mơ ước, con sẽ không quên cô đâu. Nhờ có mơ ước mà con cố gắng thực hiện để trở thành sự thật...".

Mười tám năm âm thầm đi dạy chữ cho người nghèo, cô Trinh hẳn chẳng nghĩ đến chuyện được đền ơn. Cô làm việc như một cách trả ơn cho đời, bởi cô mang ơn những tấm lòng bao dung...

Quang Vinh/ Tuổi Trẻ


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu