A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng trai Việt và quốc kỳ trên Bắc cực

Cách đây đúng 1 năm, đã có người VN mang quốc kỳ cắm lên Bắc cực. Đó là kỹ sư Nguyễn Khải và anh đã cắm quốc kỳ VN lên Bắc cực vào lúc 5 giờ 18 phút chiều 10.4.2008!


Nguyễn Khải với quốc kỳ VN tại vĩ tuyến 90, Bắc cực.

Một người mê đi

Trao đổi trực tuyến, Nguyễn Khải cho biết anh sinh năm 1972, sang Canada theo diện đoàn tụ gia đình khi 20 tuổi. Anh là con áp út trong một gia đình có 12 con. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư máy tính Đại học Toronto (Canada), năm 2000 anh sang Mỹ làm việc tại thung lũng Silicon (California, Mỹ) chuyên viết phần mềm. Do nhu cầu công việc và cũng do mê đi, anh đã đặt chân đến 54 quốc gia trên thế giới, trong đó chuyến đi 9 ngày đến Bắc cực, theo anh là “chuyến đi lớn trong đời, cứ như một giấc mơ”.

Sau mấy tháng chờ đợi, rèn luyện thể lực và tinh thần, đến cuối tháng 3.2008 Nguyễn Khải đáp một chuyến bay từ San Francisco (California) đến Oslo, thủ đô Na Uy, để bắt đầu chuyến phiêu lưu đến Bắc cực.

Trước ngày lên đường, anh lập một blog để có thể được chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước. Anh dò tìm trên mạng nhưng không thấy tên người Việt nào từng lên Bắc cực.

Trượt băng đến vĩ độ cuối cùng

Xin tóm lược một số đoạn trong nhật ký mở của Nguyễn Khải. Entry đầu tiên được viết hôm 22.3.2008: “Không ít bạn tỏ ra lo âu khi nghe tin tôi sẽ lên Bắc cực. Tayana nói ở đó cực lạnh, không mang đến cho cô niềm hứng thú. Cô cảnh báo, tôi sẽ bị tiêu hao khí lực, cần chuẩn bị tinh thần đối phó. Tôi thì nghĩ đang sẵn sàng cho mọi thách thức, thậm chí rủi ro”.

 

“Tôi mê đi chơi và khám phá. Chuyến đi Bắc cực tốn trên 30.000 USD nhưng những gì tôi có được là không tính được. Tôi đang luyện tập cho chuyến đi đến đỉnh Nam cực. Nam cực đòi hỏi khắt khe hơn Bắc cực rất nhiều. Hiện tôi luyện tập 5 ngày/tuần. Hầu hết là các môn nhằm rèn luyện tim mạch như leo thang stairmaster hay mang ba lô chạy bộ. Cuối tuần tôi leo núi gần nhà. Hè này, tôi leo núi Shasta ở California và có thể leo một số ngọn núi khác, cao hơn để làm quen với tình trạng thiếu oxy”, Nguyễn Khải chia sẻ qua e-mail cho tôi.

Một người chị ruột của Khải hiện sống và làm việc tại TP.HCM cho biết, nếu sắp tới Khải được “biên chế” vào đoàn thám hiểm Nam cực theo lời mời mới đây của đoàn Nga thì “hay biết mấy”!

 

Đến ngày 1.4.2008, anh viết entry dài trước khi chính thức bước vào cuộc phiêu lưu bằng chính đôi chân mình: “Tôi nôn nao quá! Đoàn sẽ đến Bắc cực đúng lịch trình. Tôi đang trượt tuyết đến vĩ độ cuối cùng!...”.

Khải cho biết ban đầu anh ngỡ nhóm thám hiểm sẽ có chừng 12 người, thế nhưng ngày cuối nhóm Hải quân Ấn Độ tách đoàn, nhóm Tây Ban Nha có người hướng dẫn riêng, nhóm các ký giả Ý gồm Mark và Emma-Kate được Công ty Vicaar mời tham gia, nhưng họ chỉ “xẹt ngang” đúng 1 ngày sau khi trố mắt ngạc nhiên về “cái sự nhỏ con” của chàng trai xứ Việt và phỏng vấn anh. Rốt cuộc đến ngày cuối, nhóm của Khải chỉ còn ba người mà trong đó anh và Sergei là hai người lần đầu trong đời thám hiểm Bắc cực. Sergei là một phó giám đốc công ty cung cấp dụng cụ y khoa. “Ông không có vẻ gì chuẩn bị cho chuyến đi này. Ông ta vẫn còn trong trạng thái làm việc. Ông mang theo hồ sơ, tài liệu và vẫn gọi về những người làm việc tại công ty. Ông không nói được nhiều tiếng Anh, nhưng đủ để trò chuyện”,  Khải viết. Người thứ ba chính là hướng dẫn của nhóm, ông Christoph Hobenreich, 40 tuổi, người Áo, từng tốt nghiệp tiến sĩ địa lý học, giáo sư môn thể thao, có chứng chỉ hướng dẫn leo núi và trượt tuyết, một “thương hiệu” lớn trong thế giới phiêu lưu mạo hiểm vùng băng giá. Ba người, hơi bị buồn! May sao, khi đến trại căn cứ, xuất hiện người thứ tư, ông Georges Baumann, nhà thám hiểm quốc tịch Pháp. Kiểm tra trước lúc lên đường, ông Christoph Hobenreich đã khen “sự trang bị rất tốt” của Mr Khải.

Trong 9 ngày phiêu lưu, từ 2.4 đến 10.4 (gồm 1 ngày bay đến trại căn cứ làm quen địa hình, 1 ngày huấn luyện thực tập, 7 ngày trượt và đi bộ trên băng), bốn người đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm và cùng di chuyển về phía đỉnh Bắc cực. Riêng Khải, sau khi đến trại Barneo ở phía nam vĩ tuyến 89 để được huấn luyện trong 1 ngày, do không thể trực tiếp viết nhật ký blog như mấy ngày trước đó, nên anh đã dùng điện thoại vệ tinh chuyển tin SMS (từ địa chỉ e-mail di động 881641452516@msg.iridium.com) những dòng chữ gõ tắt mà anh gọi vui là “mật mã”, gửi về người trực mạng.

Online với tôi sau đúng 1 năm đặt chân lên Bắc cực, Khải cười: “Ban đầu nhiều người thắc mắc vụ mật mã lắm. Sau, em phải giải mã. Ha ha...”. Chúng còn được lưu giữ trên nhật ký mạng của Khải cùng loạt hình ảnh và vài video clip.

Chín ngày đẹp nhất

Bắc cực có 6 tháng ban ngày, 6 tháng ban đêm. Tháng 4 là tháng có thời tiết đẹp nhất trong năm nên rất nhiều đoàn theo nhau đến đó. Trước khi thực hiện chuyến thám hiểm, Nguyễn Khải từng đến vùng này quan sát, chuẩn bị. Còn đây là nhật ký 9 ngày đáng nhớ trong đời anh.

Ngày 2.4: Chúng tôi đến trại Barneo an toàn. Tôi cảm thấy khỏe. Âm 35 độ C. Băng đá đang trôi nhanh về hướng Nam. Khởi hành từ nơi nào là điều chúng tôi chưa biết. Phong cảnh đẹp không thể ngờ.

Ngày 3.4: Đêm qua, tôi ngủ ngon. Băng đá vẫn trôi rất nhanh. Chúng tôi ở lại trại, sẽ thám hiểm chung quanh vùng trong lúc chờ đợi. Nhiệt độ vẫn âm 35 độ C và có gió. Tôi đang giữ ấm cho cơ thể. Chúng tôi tập dượt đi bộ trong vùng lân cận. Đi bộ tốt nhưng hơi mệt. Không biết 7 ngày sắp tới sẽ ra sao? Tôi có một bữa ăn nóng khá ngon. Băng đá trôi nhanh hơn, 14 cây số kể từ ngày hôm qua. Chúng tôi sẽ bắt đầu trượt trên băng lúc 11 giờ trưa mai.

Ngày 4.4: Ông Georges Baumann gia nhập nhóm. Quá tốt vì có sự trợ giúp của ông. Trực thăng thả chúng tôi xuống vị trí 89 độ 40 phút. Chúng tôi bắt đầu trượt băng. Trời rất lạnh, thế nhưng sự di chuyển giúp cơ thể được ấm.

Ngày 5.4: Ngày hôm qua chúng tôi đi được 1,5 cây số. Ngày hôm nay chúng tôi đi được 7 cây số. Băng đá không còn trôi như trước. Có lẽ ngày mai sẽ khá hơn. Sẽ ăn tối và đi ngủ liền.

Ngày 6.4: Đính chính. Ngày hôm qua chúng tôi đi bộ được 12 cây số mà không có tình trạng trôi băng. Ngày hôm nay tảng băng trôi chậm 300 mét/giờ. Chúng tôi đi bộ 7 cây số với băng đá đang trôi. Còn cách xa Bắc cực khoảng 32 cây số.

Tôi đang nấu ăn, món thịt ba chỉ với mì ăn liền. Ớn thật nhưng tôi cần chất mỡ. Tôi cũng trộn thêm nước tăng lực nóng, sô-cô-la và sữa, nhưng sữa nếm chua như phó mát (cheese). Thêm một cái yuk (?).

Ngày 7.4: Địa thế di chuyển rất hiểm trở, có nhiều dãy đồi băng đá. Chúng tôi đi được 7 cây số. Cách Bắc cực khoảng 29 cây số. Hầu như không có tình trạng trôi băng. Tôi toát mồ hôi rất nhiều trong lúc đi bộ. Mỗi đêm, bên trong lều trông giống phòng giặt quần áo. Chúng tôi đun nhiều nước (lấy từ tuyết), và uống như lạc đà. Tôi phải đi ngủ liền.

Ngày 8.4: Tính đến hôm nay, mỗi ngày và mỗi đêm đều tốt đẹp. Có sương mù và khó thấy đường. Chúng tôi tiếp tục cắm trại, chờ thời tiết khá hơn. Trong lều thì rất ấm. Băng đá lại trôi nhanh với tốc độ 600 mét/giờ. Chúng tôi nghe có đội chó kéo xe ở chung quanh. Rất vui khi biết có người sống gần đây. Chúng tôi được nghỉ ngơi. Thời tiết bây giờ tốt. Có thể chúng tôi sẽ bắt đầu đi bộ để bù lại thời gian nghỉ.

Ngày 9.4: Một ngày đẹp trời để đi bộ nhưng hôm nay chúng tôi chỉ đi được 5 cây số. Trực thăng sẽ đến đón chúng tôi vào ngày mai và đưa đến Bắc cực, và rồi trở về Longyearbyen. Ngày mai là một ngày trọng đại. Tôi nôn nao quá. (Nguyễn Khải giải thích qua email: Longyearbyen là thị trấn trên đảo Svalbard của Na Uy, nơi chuyến bay của Vicaar chở các đoàn thám hiểm đến trại căn cứ Barneo của họ để rồi từ đó thám hiểm lên Bắc cực).

Ngày 10.4: “GRTING FR NORTHPOLE”/ Xin gửi lời chào từ Bắc Cực!

Tại vĩ tuyến 90, đỉnh địa cầu phía Bắc, trước sự chứng kiến của ba người bạn đồng hành, Nguyễn Khải đã cắm lá cờ của Công ty Vicaar như hầu hết các thân chủ khác của công ty này từng làm. Và rồi, anh tuần tự trưng ra tấm biển nhỏ ghi chữ Sài Gòn - nơi anh đã sinh ra và lớn lên - căng trước ngực mình quốc kỳ VN...

Trên blog của Khải chúng tôi không thấy nhắc đến những chi tiết này nhưng sau cuộc online với chúng tôi, anh đã gửi về những tấm hình rất đẹp. Đêm qua, tôi gửi e-mail hỏi cảm xúc của người căng cờ nhưng do Nguyễn Khải bận làm việc với đối tác Ấn Độ tại thung lũng Silicon, nên anh khất lại.

Theo Đặng Ngọc Khoa(TNO)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu