A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tấm lòng của một tiến sĩ với quê hương

Trong suốt 50 năm xa xứ, trong thời chiến cũng như thời bình, tiến sĩ Hóa học Vũ Đức Trinh (Việt kiều Thụy Sĩ), vẫn không ngừng cống hiến cho đất nước.

Quê gốc Hà Tây, tiến sĩ Trinh đi du học từ đầu thập niên 1960 tại ĐH Bách khoa Liên bang ở thành phố Lausanne (Thụy Sĩ). Ông từng làm trợ lý giám đốc, trưởng phòng nghiên cứu của nhiều Viện khoa học, trong đó có Viện Nghiên cứu Khoa học Bảo hộ Lao động tại Lausanne.  

Tiên phong chuyển giao khoa học

Từng là Chủ tịch Hội đoàn kết người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ, năm 2008, ông là một trong ba kiều bào có thành tích tiêu biểu được trao tặng bằng khen của Bộ Ngoại giao. Nhưng ông nói mình chỉ đại diện nhận tấm bằng khen đó, bởi những người tham gia hoạt động trong Hội “đều hết lòng vì quê hương, ai cũng thế, không gợn chút tính toán riêng tư, chỉ mong sao cho Việt Nam tiến lên phía trước”.

 


 Tiến sĩ Vũ Đức Trinh luôn trăn trở tìm cách hỗ trợ cộng đồng 


Tiến sĩ Trinh nhớ lại: “Trước 1975, khi chiến tranh chống Mỹ còn khốc liệt, anh em sinh viên chúng tôi tham gia những cuộc biểu tình phản chiến, những buổi hội họp để giải thích về chiến tranh. Sau 1975, chúng tôi thành lập Hội đoàn kết người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ”.

Từ năm 1987, tiến sĩ Trinh nhiều lần về Việt Nam tìm hiểu cơ chế và khả năng nghiên cứu khoa học ở trong nước. Với nỗ lực này, đầu thập niên 1990 khi chương trình Chuyển giao tri thức thông qua kiều dân (TOKTEN) thuộc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) được khởi động lại, tiến sĩ Trinh là một trong những người đầu tiên được mời về nước. Đây là chương trình toàn cầu nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tri thức của kiều dân, "đảo ngược dòng chảy chất xám" ở các quốc gia đang phát triển.

Tiến sĩ Trinh cố vấn cho dự án xây dựng phòng thí nghiệm với những thiết bị khảo sát môi trường lao động ô nhiễm, nghiên cứu chính sách và truyền thụ kiến thức cho chuyên viên của Viện Nghiên cứu Khoa học Bảo hộ Lao động. Ông cũng hợp tác với Viện Y học nghề nghiệp và sức khoẻ môi trưởng (Bộ Y tế). Ông gửi về nước những mẫu chuẩn để phân tích hoá chất và kim loại độc… mà Việt Nam không có.

Đa dạng hóa các dự án hỗ trợ

Đi, về với những dự án chuyển giao khoa học và làm “cầu nối” cho hoạt động từ thiện của Hội đoàn kết người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ, ngày 18/2 vừa qua, ông thay mặt Hội khánh thành hai phòng mẫu giáo tại xã Yên Ðổ (Phú Lương, Thái Nguyên). Đây là công trình do Hội và cá nhân ông tài trợ, đáp ứng nhu cầu chăm lo cho trẻ của 5 thôn ở xã Yên Đổ. Đây cũng là một trong 8 dự án vừa và nhỏ mà ông đã cùng các bạn đồng hành trong Hội người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ giúp quê hương trong ba năm vừa qua. 


 Lớp mẫu giáo tại Yên Ðổ do Hội đoàn kết người Việt Nam tại Thụy Sĩ
và cá nhân tiến sĩ Trinh tài trợ xây dựng 

Hội phân công 8 người trực tiếp quản lý, thực hiện từng dự án và báo cáo ban điều hành. Trong đó, dự án hỗ trợ bằng tín dụng nhỏ cho các nữ cựu thanh niên xung phong ở Quảng Ngãi do bà Đỗ Tuyết Khanh phụ trách đã gặt hái nhiều thành công. Ngoài ra còn dự án trang bị máy tính cho trường dạy nghề do bà Võ Thị Xuân Lan phụ trách, dự án đào giếng cho người dân tộc thiểu số ở Khánh Hoà do bà Nguyễn Thị Trâm phụ trách, hay dự án đưa một thực tập viên giỏi sang Thuỵ Sĩ thực tập trong lĩnh vực vật lý năng lượng cao do tiến sĩ Trần Minh Tâm phụ trách...

Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ có khoảng 16.000 người, hội nhập tốt với xã hội nước sở tại. Nhiều người trong số họ có trình độ chuyên môn cao, đã hoặc chuẩn bị nghỉ hưu, nhưng vẫn muốn tham gia một hình thức nào đó để đưa kiến thức và kinh nghiệm của mình vào phục vụ đất nước. Tiến sĩ Trinh cho biết: “Nhiều anh chị đã bỏ thời gian và công sức không chỉ làm việc từ thiện mà còn bằng nhiều hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho Việt Nam, mở lớp dạy tiếng Việt, phổ biến văn hoá Việt. Ðây là nguồn lực tốt cho đất nước nếu thực sự được sử dụng đúng chỗ”.

Phi Hà/ Đất Việt

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu