A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt”

LTS: Để hội nhập, khẳng định và phát triển, không chỉ một quốc gia, dân tộc mà mỗi cá thể đều phải giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa của mình. Vấn đề bảo tồn bản sắc văn hoá và giữ gìn tiếng Việt trong đồng bào VN sống xa Tổ quốc vì vậy càng trở nên cấp thiết. Quê Hương xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của ông Hà Văn Cảnh-Chủ tịch Hội người VN tại Xiêng Khoảng (Lào) tại Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá, giữ gìn tiếng Việt” do Uỷ ban Nhà nước về NVNONN tổ chức trong hai ngày 14-15/9, tại Hà Nội.



Ông Hà Văn Cảnh (bìa trái) phát biểu tại Hội thảo

Thực trạng và tính cấp thiết bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Lào

Cách đây gần 100 năm, ông nội tôi đã từ Hà Nội sang Lào làm việc và định cư tại Lào. Từ nhỏ chúng tôi đã được sống trong lòng cộng đồng người Việt tại thị xã Xiêng Khoảng. Lúc đó, mọi người nói với nhau bằng tiếng Việt; thị xã lúc đó đã gắn liền với các tên của Việt Nam nào là xóm Lục Lộ, Cẩm Hương, trại Con Gái. Chúng tôi học tiếng Việt trong các lớp do các thầy giáo trong cộng đồng mở, chúng tôi học rất say mê  và có hiệu quả.

Phong tục, tập quán Việt Nam, các ngày lễ Tết ở bên nước có gì thì chúng tôi đều có từ Tết Nguyên Đán, Tết giết sâu bọ mùng 5 tháng Năm,  Rằm tháng Bảy, Tết Trung thu. Đến bây giờ chúng tôi còn nhớ không khí của gia đình mỗi khi Tết đến Xuân về. Chúng tôi dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn màn quần áo, giúp bố mẹ lo nồi bánh chưng, bánh cả, trang trí nhà cửa, lo cắm cành đào. Đêm Giao thừa, bố mẹ tất bật với bao công việc, rồi giờ phút thiêng liêng đến, mọi người tập trung quây quanh cái đài để nghe Bác Hồ chúc Tết. Sáng mùng Một, chúng tôi đứng bên cửa, nhìn mọi người đi lại mong được ra khỏi nhà để chúc Tết. Nào bố mẹ có cho đi chúc Tết sớm, sợ vào nhà xóm sớm quá sẽ dông họ cả năm. Khi đã cảm thấy yên tâm, chúng tôi mới được ra khỏi nhà đi chúc Tết, đến đâu cũng được lì xì, niềm vui tràn trề trong lòng con trẻ chúng tôi. Thanh niên lúc đó đã có cây đu để trai thanh nữ tú đung đưa với tà áo dài thật đẹp rực rỡ… Ba ngày Tết qua đi với chúng tôi là niềm tiếc nuối vô hạn mong lại có Tết. Những ngày lễ khác, Tết giết sâu bọ với bánh gio và hoa quả thắp hương cho ông bà tổ tiên, Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, Rằm tháng Tám Tết Trung thu với đêm rước đèn, chúng tôi làm đủ các loại đèn.

Ông, bà, bố mẹ, chúng tôi luôn có ý thức cho con học hành đầy đủ từ nhỏ, luôn dạy con các nề nếp văn hóa Việt Nam: lời chào cao hơn mâm cỗ, biết dạ vâng, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, có hiếu với ông bà cha mẹ… Qua sách báo, đài, tivi... chúng tôi tự hào là người Việt Nam. Do hai nước Lào và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác toàn diện, đoàn kết đặc biệt, bản thân luôn có ý thức góp phần mình vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, coi đó là bổn phận, trách nhiệm, cho nên từ kinh nghiệm của bản thân tôi nhận thấy thực trạng của cộng đồng người Việt ở Lào như sau: tuyệt đại đa số bà con ta luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, luôn có ý thức giữ gìn Tiếng Việt, chăm lo xây dựng trường dạy tiếng Việt cho con em.

Hiện nay toàn quốc Lào đã xây dựng được 12 trường tiểu học và trung học có dạy tiếng Việt. Ví dụ: tại Viêng chăn có trường Nguyễn Du, Luông pha băng có trường Hùng Vương, Savanakhet có trường Lạc Hồng, Thống Nhất, Hoàng Anh; Pacse có trường Hữu Nghị. Các tỉnh khác đều đã phấn đấu xây dựng cho con em, những nơi ít dân cư như tỉnh Xiêng khoảng thì tận dụng nhà cửa của bà con để mở lớp dạy tiếng Việt, các em có thể nói, đọc, viết chữ tiếng Việt, nhưng đa phần chỉ học hết cấp II đến cấp III, các em vào trường Lào và không được học chữ Việt nữa, nên trình độ tiếng Việt của các em không cao.

Đó là một trong những thách thức lớn đối với việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc giới thiệu, giảng dạy về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam cho em cũng rất hạn chế. Tôi cho rằng cũng như các cộng đồng người Việt ở những nơi khác, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam và giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Lào thật cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để duy trì được bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng, bà con chúng ta cần sống gần nhau để có điều kiện gặp gỡ giao lưu với nhau; mở trường tiếng Việt; trường của người Việt phải dạy về lịch sử và văn hóa Việt Nam, tăng số giờ học tiếng Việt thay vì học tiếng Việt như một ngoại ngữ hiện nay.

Hiện nay ở Lào, các gia đình kiều bào có thể thu được đầy đủ các chương trình truyền hình Việt Nam qua truyền hình cáp hoặc VTV4; nếu gia đình nào mua được bộ VTC, DTH sẽ thu được đầy đủ hơn; những người xem chương trình Việt Nam phần lớn là những người làm cha, mẹ, ông, bà còn các cháu thì hầu hết ít xem, theo tôi là do các em không hiểu hết tiếng Việt nên không thấy thích thú, mặc dù chương trình của ta rất tốt, rất bổ ích. Báo chí thì có ít, ai đi Việt Nam thì cũng tranh thủ mua ít báo An ninh, Pháp luật, Phụ nữ để xem các vụ án, còn báo chí Việt Nam phát hành đều đặn tại Lào hầu như chưa có. Đời sống văn hóa Việt Nam tại các tỉnh của Lào hầu như nghèo nàn, chúng tôi thấy vấn đề duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam tại Lào thật là cấp thiết, cùng với đó là vấn đề giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Lào.

Kiến nghị giải pháp, hình thức hợp tác từ trong nước với Tổng Hội người Việt Nam tại Lào

Tuy ở Lào chúng tôi đã thành lập được Tổng Hội người Việt Nam, nhưng hoạt động của các Tỉnh Hội cần phải tiếp tục được củng cố, phối hợp chặt chẽ. Hội là một tổ chức quần chúng, cán bộ Hội làm việc hoàn toàn tự nguyện, không có lương, phải dành rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để làm việc cho bà con. Do đó Nhà nước Việt Nam cần xem xét hỗ trợ hoạt động của Tổng Hội, tỉnh Hội nhất là vấn đề kinh phí (ngoài việc đóng góp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, doanh nhân và cộng đồng).

Các trường của Việt kiều hiện giờ do yêu cầu về lương bổng,về giáo viên nên thường nhận học sinh Lào vào rất đông, tất cả các em đều học theo chương trình của Bộ giáo dục Lào là chính, chữ Việt học thêm như một ngoại ngữ, nên chăng Nhà nước ta trao đổi thống nhất với phía Lào để cho các trường của người Việt được giảng dạy song ngữ Việt – Lào và có chính sách hỗ trợ để có thể chuyển nhà trường từ tình trạng hiện nay sang dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt đến hết cấp II. Đồng thời, Nhà nước ta có chính sách và biện pháp nâng cao các trường của người Việt thành trường dạy đến hết cấp III hoặc ít ra làm điểm mỗi miền Bắc – Trung – Nam Lào có ít nhất một trường cấp III được Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng, giáo viên và chương trình giảng dạy phù hợp.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cần phát sóng các chương trình lồng ghép tiếng Lào cho một số kênh tiếng Việt để bà con ở nước ngoài xem tivi có thể hiểu. Đề nghị Ủy ban NNVNVNONN xem xét giúp cộng đồng chúng tôi có được một tờ báo của Tổng Hội.

Chính phủ xem xét chỉ đạo, giao cho các tỉnh của Việt Nam có kết nghĩa các tỉnh của Lào tham gia hỗ trợ cộng đồng người Việt tại tỉnh kết nghĩa, phát triển tiếng Việt, vừa quản lí số lao động, làm ăn Việt Nam sang Lào hạn chế tác động tiêu cực có thể có.

Hà Văn Cảnh
Chủ tịch Hội người VN tại Xiêng Khoảng (Lào)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu