A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự chủ thời đại – Nhà Hậu Lê. Chương XII. Nguyễn Vương nhất thống nước Nam (Phần 2)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN IV
TỰ CHỦ THỜI ĐẠI
(Thời kỳ Nam Bắc phân tranh)
 (1528 – 1802)

NHÀ HẬU LÊ
Thời kỳ phân tranh (1533 – 1788)

CHƯƠNG XIl
NGUYỄN VƯƠNG NHẤT THỐNG NƯỚC NAM

 
5. VIỆC BUÔN BÁN. Nguyễn Vương lập lệ: phàm những thuyền của khách mà có chở những đồ gang, sắt, kẽm và lưu hoàng, thì quan mua để làm binh khí, và cho cứ theo số hàng nhiều ít, được chở thóc gạo về nước. Bởi vậy những khách buôn bán cũng vui lòng đem đồ hàng đến bán. Vương lại sai quan ở doanh Trấn Biên cứ theo giá chợ mà mua lấy đường cát để đổi cho những người Tây Dương mà lấy đồ binh khí.

6. ÔNG BÁ ĐA LỘC VÀ HOÀNG TỬ CẢNH Ở PHÁP VỀ. Từ mùa đông Giáp Thìn (1784), ông Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnhcùng với Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Khiêm xuống tàu sang Tây; đi qua Ấn Độ Dương vào thành Phong-ti-thê-ri (Pondichéry) đất Ấn Độ, ở lại gần 20 tháng, rồi đến mùa xuân năm Đinh Mùi (1787), thì chiếc tàu chở ông Bá Đa Lộc mới vào cửa Lorient ở phía tây nước Pháp-lan-tây.

Ông Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh vào yết kiến Pháp hoàng Louis XVI. Pháp hoàng lấy vương lễ tiếp đãi Hoàng tử, và giao cho thượng thư Ngoại giao bộ là De Montmorin bá tước, thương nghị với ông Bá Đa Lộc việc sang giúp Nguyễn Vương .

Đến ngày 28 tháng 11 năm 1787 thì ông Bá Đa Lộc và De Montmorin bá tước ký tờ giao ước, đại lược nói rằng:

1. Vua nước Pháp thuận giúp cho Nguyễn Vương 4 chiếc tàu chiến và một đạo binh: 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 250 hắc binh ở Phi Châu (Cafres) và đủ các thứ súng ống thuốc đạn.

2. Vì vua nước Pháp có lòng giúp như thế, Nguyễn Vương phải nhường đứt cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo Côn Lôn (Poulo Condore).

3. Nguyễn Vương phải để cho người nước Pháp ra vào buôn bán tự do ở trong nước, ngoại giả kháng cho người nước nào ở Âu châu sang buôn bán ở nước Nam nữa.   

4. Khi nào nước Pháp có cần đến lính thủy, lính bộ, lương thực, tàu bè ở phương đông, thì Nguyễn Vương phải ứng biện cho đủ giúp nước Pháp.

5. Khi Nguyễn Vương đã khôi phục được nước rồi, thì phải cứ mỗi năm làm một chiếc tàu, y như tàu của nước Pháp đã cho sang giúp, để đem sang trả cho Pháp hoàng[1]. 

Tờ giao ước ký xong rồi, Pháp hoàng xuống chiếu giao cho quan tổng trấn thành Pondichéry  ở đát Ấn Độ, tên là De Conway bá tước, kinh lý việc sang giúp Nguyễn Vương.

Ngày mồng 8 tháng Chạp tây, năm1787 ông Bá Đa Lộc vào bái tạ Pháp hoàng Louis XVI, rồi đem hoàng tử Cảnh xuống tàu về nước Nam. Nhưng đến khi sang tới thành Pondichéry, vì De Conway bá tước có chuyện bất hòa với ông Bá Đa Lộc, cho nên bá tước mới tìm cách ngăn trở việc giúp Nguyễn Vương, rồi làm sớ về tâu Pháp hoàng xin bãi việc ấy đi, lấy cớ rằng sự đem binh sang cứu viện Nguyễn Vương là việc rất khó mà không có lợi gì.

Pháp đình thấy sớ của De Conway bá tước nói như vậy cũng lấy làm nản; vả lại lúc  bấy giờ chính phủ còn đang bối rối về việc trong nước dân cách mệnh đã rục rịch cả mọi nơi, cho nên bỏ việc ấy không nói đến nữa.

Ấy cũng vì có De Conway bá tước, cho nên việc sang cứu viện Nguyễn Vương không thành, bởi vậy sau ông Faure chép truyện ông Bá Đa Lộc có tiếc rằng: “Ví bằng lúc bấy giờ chính phủ nước Pháp mà sẵn lòng giúp ông Bá Đa Lộc, thì có lẽ ông ấy đã lập nên cho nước Pháp thành cuộc bảo hộ ở An Nam ngay từ cuối đời thập bát thế kỷ, khiến cho về sau khỏi phải dùng đến sự chiến tranh mới xong công việc”.

Ông Bá Đa Lộc thấy De Conway bá tước không chịu xuất binh thuyền, bèn đứng lên đi mộ người mua tàu và súng ống khí giới để đem sang giúp Nguyễn Vương.

Đến tháng năm Kỷ Dậu (1789), ông Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh đi chiếc tàu chiến Méduse về đến Gia Định. Các tàu buôn chở súng ống thuốc đạn cũng lục tục sang sau.

Bấy giờ những người Pháp tên là Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng), tức là chúa tàu Long, Vannier, (Nguyễn Văn Chấn), tức là chúa tàu Phụng, De Forcant (Lê Văn Lăng), Victor Ollivier (ông Tín), Dayot v.v... cả thảy đến non 20 người theo ông Bá Đa Lộc sang giúp Nguyễn Vương; vương phong quan tước cho cả mọi người để luyện tập quân sĩ, làm tàu, đúc súng, và chỉnh đốn mọi việc vũ bị.

Từ đó, thế lực của Nguyễn Vương mỗi ngày một mạnh, tướng tá mỗi ngày một đông, lương thực nhiều, quân sĩ giỏi, việc đánh phá Tây Sơn đã chắc lắm rồi.

Tháng tư năm Tân Hợi (1791), bà thứ phi sinh ra hoàng tử thứ tư tên là Đảm, tức là vua Thánh tổ, ở làng Tân Lộc, gần Sài Gòn bây giờ. Đến tháng ba năm Quí Sửu (1793), thì Vương lập hoàng tử Cảnh làm Đông Cung, phong chức nguyên súy, lĩnh tả quân doanh.        

7. NGUYỄN VƯƠNG ĐÁNH QUI NHƠN LẦN THỨ NHẤT. Nguyễn Vương đã khôi phục được đất Gia Định rồi, nghỉ ngơi hơn một năm để chỉnh đốn mọi việc. Đến tháng tư năm Canh Tuất (1790) mới sai quan chưởng tiền quân là Lê Văn Câu đem 5.000 quân thủy và quân bộ ra đánh lấy Bình Thuận, sai Võ Tính  và Nguyễn Văn Thành là đem quân đi làm tiên phong Chẳng bao lâu quân nhà Nguyễn lấy được đất Phan Rí và hạ được thành Bình Thuận. Nhưng vì Lê Văn Câu và Võ Tính hai người không chịu nhau Nguyễn Vương bèn lưu Lê Văn Câu ở lại giữ Phan Rí, triệt Võ Tính và Nguyễn Văn Thành về Gia Định. Lê Văn Câu đem quân ra đóng ở Phan Rang bị quân Tây Sơn đến vây đánh, phải cho người đi gọi Võ Tính và Nguyễn Văn Thành trở lại cứu, nhưng Võ Tính không chịu trở lại, chỉ có Nguyễn Văn Thành đưa binh đến đánh giải vây rồi cùng Lê Văn Câu về giữ Phan Rí.

Lê Văn Câu lấy điều bại binh ấy làm thẹn, xưng bệnh không ra coi việc binh nữa. Đến khi về Gia Định nghị tội phải cách hết chức tước, Lê Văn Câu uống thuốc độc tự tử[2].

Quân nhà Nguyễn ra đánh Tây Sơn lần ấy không lợi; vả bấy giờ là mùa tháng 7, gió bắc thổi mạnh, cho nên Nguyễn Vương truyền rút quân về Gia Định để  đợi mùa gió thuận thì mới đem quân đi đánh nhau, cho nên người đời bấy giờ gọi là giặc mùa.

Năm Nhâm Tí (1792) tháng ba, nhân khi mùa gió nam thổi mạnh, Nguyễn Vương sai tướng là Nguyễn Văn Chương cùng với Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier (Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa Thị Nại (cửa Qui Nhơn) rồi lại về.

Tháng ba năm Quí Sửu (1793) Nguyễn Vương để Đông cung ở lại giữ đất Gia Định, sai Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh ra đánh Phan Rí. Nguyễn Vương cùng với Nguyễn Văn Trương và Võ Tính đem thủy sư đi đánh mặt bể. Đến tháng năm thì chiến thuyền của Nguyễn Vương vào cửa bể Nha Trang rồi lên đánh lấy phủ Diên Khánh và phủ Bình khang, sau lại ra đánh lấy phủ Phú Yên.

Mặt thủy, Nguyễn Vương được toàn thắng, còn mặt bộ, thì Tôn Thất Hội chỉ lấy được phủ Bình Thuận mà thôi. Vương bèn sai người đưa thư giục Tôn Thất Hội phải kíp tiến binh lên hội với thủy sư, để hai mặt cùng ra đánh Qui Nhơn.

Khi quân của Nguyễn Vương vào cửa Thị Nại, vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc sai thái tử là Nguyễn Bảo đem binh ra chống giữ. Nguyễn Vương bèn mật sai Võ Tính đem binh lẻn đi hội với toán quân Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Thành để đánh tập hậu. Quân của Nguyễn Bảo bị hai mặt đánh lại, chống không nổi, phải bỏ chạy về Qui Nhơn. Từ đó quân thủy và quân bộ của Nguyễn Vương tương thông được với nhau. Vương bèn sai Tôn Thất Hội, Võ Tính, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành đem binh tiến lên đánh thành Qui Nhơn.

Nguyễn Nhạc phải sai người ra cầu cứu ở Phú Xuân.

Bấy giờ vua Quang Trung đã mất rồi, vua Cảnh Thịnh, tức là Nguyễn Quang Toản, sải quan Thái úy là Phạm Công Hưng, quan Hộ giá là Nguyễn Văn Huấn, quan Đại tư lệ là Lê Trung  và quan Đại tư mã là Ngô Văn Sở đem 17.000 bộ binh và 80 con voi đi đườngbộ, và sai quan Đại thống lĩnh là Đặng Văn Chân đem hơn 30 chiếc thuyền đi đường bể, cả hai đạo cùng tiến vào cứu Qui Nhơn.

Nguyễn Vương thấy viện binh đã đến, liệu thế chống không nổi, rút quân về Diên Khánh (tức Khánh Hòa bây giờ) rồi về Gia Định để Nguyễn Văn Thành  ở lại giữ Diễn Khánh, Nguyễn Huỳnh Đức ở lại giữ Bình Thuận.

Đến tháng 11, Nguyễn Vương lại sai Đông cung Cảnh và ông Bá Đa Lộc, Phạm Văn Nhân, Tống Phúc Khê ra giữ thành Diên Khánh.

8. THẾ LỰC TÂY SƠN. Bọn Phạm Công Hưng giải được vây rồi, kéo quân vào thành Qui Nhơn, chiếm giữ lấy thành trì và tịch biên cả các kho tàng.

Nguyễn Nhạc thấy vậy, tức giận đến nỗi thổ huyết ra mà chết. Ông làm vua được 16 năm.

Vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân thấy Nguyễn Nhạc mất rồi, phong cho Nguyễn Bảo làm Hiến Công, cho ăn lộc một huyện, gọi là tiểu triều  rồi để Lê Trung và Nguyễn Văn Huấn ở lại giữ thành Qui Nhơn.

Từ đó các tướng Tây Sơn mới hoạt động hơn trước. Tháng ba năm Giáp Dần (1794) Nguyễn Văn Hưng đem bộ binh vào đánh Phú Yên, và Trần Quang Diệu vào vây thành Diên Khánh.

Đông cung Cảnh cho người về Gia Định cầu viện, Nguyễn Vương bèn đem đại binh đến đánh giải vây, Trần Quang Diệu rút quân về.

Nguyễn Vương thấy thế Tây Sơn còn mạnh và lại đến mùa gió bắc, cho nên vương đem Đông cung về Gia Định; để Võ Tính ở lại giữ thành Diên Khánh.

Tháng giêng năm Ất Mão (1795) Trần Quang Diệu lại đem quân vào đánh Diên Khánh, Võ Tính hết sức chống giữ, Quang Diệu đánh mãi không được. Đến tháng hai, Nguyễn Vương để Đông cung ở lại giữ Gia Định, đem, thuỷ sư ra cứu Diên Khánh.

Trong khi hai bên còn đang chống giữ nhau ở đất Diên Khánh, thì ở Phú Xuân các quan đại thần nhà Tây Sơn giết hại lẫn nhau, gây thành mối loạn.  

Nguyên từ khi vua Quang Trung mất rồi, vua Cảnh Thịnh lên ngôi, nhưng quyền về cả Thái sư Bùi Đắc Tuyên, các quan có nhiều người oán giận. Năm Ất Mão (1795) Bùi Đắc Tuyên sai Ngô Văn Sở ra Bắc Hà thay cho Vũ Văn Dũng. Văn Dũng về Phú Xuân, đi đến trạm Hoàng Giang[3] gặp quan Trung thư lệnh là Trần Văn Kỷ phải tội đày ra ở đấy. Văn Kỷ nhân đang căm tức Bùi Đắc Tuyên, bèn xui Vũ Văn Dũng rằng: "Thái sư ngôi trùm cả nhân thần, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết; nếu mà không sớm trừ đi thì rồi có chuyện bất lợi cho nhà nước. Ông nên liệu sớm đi".

Vũ Văn Dũng xưa nay vẫn tin trọng Văn Kỷ, nay thấy nói như vậy, bèn nghe lời ấy, về mưu với Phạm Công  Hưng và Nguyễn Văn Huấn, lừa đến đêm đem quân vây nhà Bùi Đắc Tuyên bắt bỏ ngục, rồi sai Nguyễn Văn Huấn vào Qui Nhơn bắt con Đắc Tuyên là Bùi Đắc Trụ, và cho người đưa thư ra Bắc Hà truyền cho quan Tiết chế là Nguyễn Quang Thùy (em Nguyễn Quang Toản) bắt giải Ngô Văn Sở về Phú Xuân.

Bọn Vũ Văn Dũng bèn đặt chuện ra vu cho những người ấy làm phản, đem dìm xuống sông giết đi. Vua Cảnh Thịnh không sao ngăn giữ được, chỉ gạt nước mắt khóc thầm mà thôi.

Lúc bấy giờ Trần Quang Diệu đang vây thành Diên Khánh, nghe tin ấy, thất kinh, nói với các tướng rằng: "Chúa thượng không phải là người cứng cỏi, để cho đại thần giết lẫn nhau. Nếu trong mà không yên, thì ngoài đánh người ta thế nào được?".

Quang Diệu bèn giải vây rút quân về. Khi về đến Qui Nhơn, Nguyễn Văn Huấn đến tạ tội trước. Trần Quang Diệu không hỏi đến, rồi dẫn quân về đến làng An Cựu đóng bên bờ sông mé nam.

Vũ Văn Dũng cùng với Nội hầu Tứ  cũng đem quân bản bộ ra đóng ở mé bắc bờ sông, ỷ mệnh vua ra cự nhau với Trần Quang Diệu.

Vua Cảnh Thịnh sợ hãi sai quan ra khuyên giải cả hai bên, Trần Quang Diệu mới đem các tướng vào chầu, rồi cùng với bọn Vũ Văn Dũng giảng hòa.

Từ đó Trần Quang Diệu làm Thiếu phó, Nguyễn Văn Huấn làm Thiếu bảo, Vũ Văn Dũng làm Đại tư đồ, Nguyễn Văn Danh (hay là Nguyễn Văn Tứ) làm Đại tư mã, gọi là tứ trụ đại thần. Nhưng chẳng được bao lâu có người gièm pha, Trần Quang Diệu bị thu hết cả binh quyền, chỉ được giữ chức tại triều mà thôi. Thế lực Tây Sơn từ đấy về sau mỗi ngày một kém: trên vua thì còn nhỏ dại, không có đủ uy quyền để sai khiến các quan, dưới tướng tá thì vì lòng ghen ghét rồi cứ tìm cách mà giết hại lẫn nhau.. Bởi vậy cho nên đến khi quân Nguyễn Vương ở Nam ra đánh, chẳng phải mất bao nhiêu công phu mà lập nên công lớn vậy.

9. NGUYỄN VƯƠNG ĐÁNH QUI NHƠN LẦN THỨ HAI. Từ khi quân của Trần Quang Diệu giải vây Diên Khánh về Phú Xuân rồi, Nguyễn Vương cũng rút quân về Gia Định sửa soạn việc quân lương, và sai người đi do thám mọi nơi để chiêu mộ người về đánh Tây Sơn.

Đến năm Đinh Tị (1797) Nguyễn Vương để Tôn Thất Hội ở lại giữ thành Gia Định, rồi cùng Đông cung Cảnh đem binh thuyền ra đánh Qui Nhơn. Lại sau Nguyễn Văn Thành và Võ Tính ra đánh Phú Yên.

Quân thủy của Nguyễn Vương ra đến Qui Nhơn, thấy Tây Sơn đã phòng bị, liệu đánh không đổ được, Nguyễn Vương bèn ra đánh Quảng Nam. Được vài tháng quân nhu không đủ, lại phải đem quân về Gia Định, sai Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường ở lại giữ thành Diên Khánh.

------------------------------

* Chú thích:

[1] Tờ giao ước này hiện còn ở Ngoại giao bộ ở Paris, và đã biên rõ ở sách ông Gosselin.

[2] Lê Văn câu là một người công thần đã theo phò Nguyễn chủ trong lúc gian nan, nay cũng bất đắc kỳ tử.

[3] Có nơi chép là trạm Hán Xuyên.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu