A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự chủ thời đại – Nhà hậu Lê. Chương III. Trịnh Nguyễn phân tranh

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN IV

TỰ CHỦ THỜI ĐẠI
(Thời kỳ Nam Bắc phân tranh)
(1528 – 1802)

NHÀ HẬU LÊ
Thời kỳ phân tranh
(1533 – 1788)

CHƯƠNG III
TRỊNH NGUYỄN PHÂN TRANH

1. HỌ TRỊNH XƯNG CHÚA MIỀN BẮC

Từ khi Trịnh Tùng dứt được họ Mạc, thu giang sơn lại cho nhà Lê rồi, mỗi ngày một kiêu hãnh, chiếm giữ lấy quyền chính trị, và lại hà hiếp nhà vua. Họ Nguyễn ở trong Thuận Hoá thấy họ Trịnh chuyên quyền, cũng tự xưng độc lập ở miền Nam, làm thành ra Nam Bắc đôi nơi và gây nên sự chiến tranh rất là tàn hại cho nước nhà.

Năm Kỷ Hợi (1599) đời vua Thế Tông nhà Lê, Trịnh Tùng thu xếp xong việc thông sứ với nhà Minh, và đã chịu nhường đất Cao Bằng cho con cháu nhà Mạc rồi, trong nước đã yên dần, bèn tự xưng làm Đô nguyên suý Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương, rồi định lệ cấp bổng cho vua được thu thuế 1.000 xã, gọi là lộc thượng tiến, cấp cho vua 5.000 lính để làm quân túc vệ. Còn những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc về quyền họ Trịnh cả. Chỉ có khi nào thiết triều hay là tiếp sứ thì cần đến vua mà thôi.

Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế tập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh.

Uy quyền họ Trịnh bấy giờ hống hách như thế và các quan lại theo về họ Trịnh cả. Giả sử Trịnh Tùng có muốn dứt nhà Lê đi mà làm vua, thì cũng không khó gì. Tuy vậy mà Trịnh Tùng không dám làm, là tại sao? Tại lẽ rằng ở phía Bắc sợ có nhà Minh sinh sự lôi thôi, lại có họ Mạc còn giữ đất Cao Bằng, nhỡ có làm điều gì phản trắc, thì e quân nghịch nổi lên lấy phù Lê thảo Trịnh làm cớ.

Vả chăng mặt Nam còn có họ Nguyễn, thế lực cũng chẳng kém hèn gì, mà lại có ý độc lập để tranh quyền với họ Trịnh. Chi bằng không lấy nước cũng như lấy nước, không làm vua mà lại hơn vua. Và bao giờ có phải đi đánh dẹp nơi nào, vẫn lấy lệnh thiên tử mà sai khiến cho mọi người, không ai bắt bẻ gì được. Bởi thế cho nên họ Trịnh đành chịu ngôi thứ nhì trong nước mà giữ quyền cả nước.

2. HỌ NGUYỄN XƯNG CHÚA MIỀN NAM

Nguyên khi xưa ông Nguyễn Kim khởi nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc đã lấy được đất Thanh, Nghệ rồi, sau đem quân ra đánh Sơn Nam bị hành tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, binh quyền giao cả lại cho rể là Trịnh Kiểm để đánh giặc.

Ông Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng làm tướng lập được nhiều công. Người anh là Nguyễn Uông được phong là Lang quận công, người em là Nguyễn Hoàng được phong là Thái uý Đoan quận công.

Nhưng vì Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn kiếm chuyện mà giết Nguyễn Uông đi. Còn Nguyễn Hoàng cũng sợ Trịnh Kiểm có ý ám hại, chưa biết làm thế nào mới cho người ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông ấy bảo rằng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nghĩa là một dãy Hoành Sơn [1] kia có thể yên thân được muôn đời.

Nguyễn Hoàng mới nói với chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam.

Năm Mậu Ngọ (1558) đời vua Anh Tông, Trịnh Kiểm mới tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào Trấn đất Thuận Hoá. Bấy giờ những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính ở đất Thanh, Nghệ nhiều người đưa cả vợ con theo đi. Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử (sau gọi là kho Cây Khế), thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

Nguyễn Hoàng là một người khôn ngoan mà lại có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân, cho nên lòng người ai cũng mến phục.

Đến năm Kỷ Tỵ (1569) ông ra chầu vua An Tràng. Qua năm sau Trịnh Kiểm gọi quan tổng binh ở Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về giữ đất Nghệ An, và lại cho ông vào trấn cả đất Thuận Hoá và đất Quảng Nam. Lệ mỗi năm phải nộp thuế là 400 cân bạc, 500 tấm lụa.

Năm Nhâm Thân (1572) nhân lúc Trịnh Kiểm mới mất, con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân vào đánh Thanh Hoá và sai tướng là Lập Bạo đem một toán quân đi 60 chiếc thuyền, bởi đường hải đạo kéo vào đóng ở làng Hồ Xá và ở làng Lạng Uyển (thuộc huyện Minh Linh) để đánh Nguyễn Hoàng.

Ông mới sai một người con gái đẹp là Ngô Thị giả cách đưa vàng bạc sang nói với Lập Bạo xin cầu hoà. Lập Bạo mừng rỡ, không phòng giữ gì cả, bị quân họ Nguyễn đánh lẻn, bắt được giết đi, và đánh tan quân nhà Mạc.

Năm Quí Tị (1593) Trịnh Tùng đã lấy được thành Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hợp, nhưng mà đảng nhà Mạc còn nhiều, phải đánh dẹp nhiều nơi, Nguyễn Hoàng đưa quân binh và súng ống ra Đông Đô, ở hằng 8 năm, giúp Trịnh Tùng để đánh họ Lạc, lập được nhiều công to. Nhưng nhà Trịnh Tùng vẫn có ý ghen ghét không muốn chongài về Thuận Hoá, mà ngài cũng chưa có dịp gì mà về được.

Năm canh Tý (1600) nhân vì họ Trịnh kiêu hãnh quá, các quan có nhiều người không phục; bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê khởi binh chống lại với họ Trịnh ở cửa Đại An (thuộc Nam Định), Nguyễn Hoàng mới đem bản bộ tướng sĩ giả cách nói đi đánh giặc, rồi theo hải đạo về Thuận Hoá.

Nguyễn Hoàng về Thuận Hoá rồi, sợ họ Trịnh nghi ngờ, bèn đem người con gái là bà Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con trai Trịnh Tùng. Ngài ở giữ đất Thuận Hoá, cho người con thứ sáu vào trấn đất Quảng Nam dựng ra kho tàng, tích trữ lương thực.

Từ đấy trở đi, Nam Bắc phân biệt, bề ngoài thì làm ra bộ hoà hiếu, nhưng bề trong thì vẫn lo việc phòng bị để chống cự với nhau.

--------------------------------

* Chú thích:

[1] Núi Hoành Sơn là núi Đèo Ngang ở tỉnh Quảng Bình.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu