A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương II. Thánh Tổ (Phần 1)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG II
THÁNH TỔ
(1820 – 1840)
Niên hiệu: Minh Mệnh

1. ĐỨC ĐỘ VUA THÁNH TỔ. Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), Hoàng thái tử huý là Đảm lên ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mệnh.

Vua Thánh tổ là một ông vua có tư chất minh mẫn, có tính hiếu học và lại hay làm; phàm có việc gì, ngài cũng xem xét đến, và có châu phê rồi mới được thi hành.

Ngài tinh thâm Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, cho nên không ưa đạo mới, cho là một tả đạo lấy trời thánh ra mà là mê hoặc lòng dân. Bởi vậy, ngài mới nghiêm cấm và trừng trị những người theo đạo Gia tô.

Về sau có nhiều nhà làm sử, vì ý riêng mà cho ngài là bạo quân, thì thiết tưởng điều ấy không hợp với lẽ công bằng.

Phải biết rằng nước ta từ xưa đến nay, điều gì cũng theo Nho giáo, lấy tam cương ngũ thường làm căn bản cho sự ăn ở. Vua tôi, cha con, vợ chồng, ấy là cái khoá luân lý của xã hội mình. Ai tháo cái khoá ấy ra thì cho là không phải loài người nữa. Vậy con phải theo cha, tôi phải theo vua, ai trái với cái đạo ấy là phải tội nặng, đáng chém giết.

Lúc trong nước mình từ vua quan cho chí dân sự, ai ai cũng lấy cái lý tưởng ấy làm phải, làm hay hơn cả, mà lại thấy có người bỏ đi theo đạo khác, nói những chuyện mà lúc bấy giờ lại không mấy người hiểu rõ ra thế nào thì tất cho là theo tả đạo, làm hư hỏng cái phong tục hay của mình. Bởi vậy cho nên nhà vua mới cấm, không cho người trong nước đi theo đạo mới.

Một ông vua nghiêm khắc như Thánh tổ mà cấm không được, thì tất là phải giết. Trong khi cấm và giết như vậy, là vẫn tưởng mình làm việc bổn phận làm vua của mình, chớ có biết đâu là mình làm sự thiệt hại cho dân cho nước.

Vả, bao giờ cũng vậy, hễ người ta đã sùng tín một tông giáo nào, thì tất cho tông giáo của mình là hay hơn, và cho người theo tông giáo khác là thù nghịch với mình, rồi hễ có quyền thế là làm thế nào cũng dùng cách mà hà hiết người khác đạo của mình. Cũng vì lẽ ấy, cho nên ngày trước vua Philippe II nước I-pha-nho, vua Louis XIV nước Pháp-lan-tây giết hại bao nhiêu người trong nước. Mà chắc rằng lúc bấy giờ các ông ấy cũng tưởng là mình làm điều phải, chớ có biết đâu là mình làm điều trái lẽ.

Vẫn biết rằng sự giết đạo là sự không lành, nhưng phải hiểu cái trí não người Việt Nam ta lúc bấy giờ, không rõ cái tông chỉ đạo Thiên chúa ra thế nào, cho nên dẫu không phải là vua Thánh tổ nữa, thì ông vua khác cũng không chắc đã tránh khỏi cái lỗi giết đạo ấy.

Nhà làm sử lại đổ cho vua Thánh tổ giết Nguyễn Văn Thành, song xét trong các truyện như sách Thực lục chính biên và sách Đại Nam chính biên liệt truyện, thì chỉ thấy chép rằng Nguyễn Văn Thành bị tội phải uống thuốc độc mà tự tử năm Gia Long thứ 15 mà thôi. Còn như vụ án Lê Văn Duyệt là Lê Chất thì có hẹp hòi thật, nhưng khi các ông ấy đã mất rồi, và lại vì có tên Khôi khởi loạn cho nên mới truy tội hai ông ấy mà làm án, chứ lúc hai ông ấy còn sống, thì vua Thánh tổ, tuy có bung nghi ngờ, nhưng vẫn không bạc đãi.

Việc ngài giết chị dâu là bà vợ Hoàng tử Cảnh và các cháu, thì không thấy sách nào chép cả, chỉ thấy một đôi người truyền ngôn như thế mà thôi. Vậy việc ấy thực hư thế nào không rõ.

Còn việc không biết giao thiệp với các nước ngoại dương, thì không phải là cái lỗi riêng của mình ngài. Lúc bấy giờ người mình ai cũng chỉ biết có nước Tàu là văn minh hơn, còn thì cho là man di cả. Phỏng sử có ai là người biết mà nói ở thiên hạ còn có nhiều nước văn minh hơn nữa cũng không ai tin. Bởi thế, hễ thấy người ngoại quốc vào nước mình, thì không những là sợ có sự phản trắc và sợ đem đạo mới vào nước mà thôi, lại còn sợ lây phải cái phong tục dã man nữa, cho nên không muốn giao thông với ngoại quốc làm gì. Như thế thì có nên riêng trách một mình ai không?

Cái nghĩa vụ người làm sử, tưởng nên kê cứu cho tường tận, rồi cứ sự thực mà nói, chứ không nên lấy lòng yêu ghét của mình mà xét đoán. Dẫu người miìn ghét mà có làm điều phải, mình cũng phải khen; người miìn yêu mà có làm điều trái, mình cũng phải chê. Vua Thánh tổ là một ông vua chuyên chế, tất thế nào cũng có nhiều điều sai lầm và có nhiều điều tàn ác, nhưng xét cho kỹ, thì thật ngài cũng có lòng vì nước lắm. Trong, lo sửa sang mọi việc, làm thành ra nền nếp chiỉn tề, ngoài, đánh Tiêm dẹp Lào, làm cho nước không đến nỗi kém hèn.

Vậy cứ biìn tĩnh mà xét, thì dẫu ngài không được là ông anh quân nữa, thì cũng không phải là ông vua tầm thường; cứ xem công việc của ngài làm thì hiểu rõ.

2. VIỆC CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC. Vua Thánh tổ đã 30 tuổi mới lên ngôi vua, cho nên việc triều chính ngài đã am hiểu lắm. Việc gì ngài cũng không muốn biết. Có khi xong buổi chầu rồi, ngài đòi một vài quan đại thần lên bàn mọi việc kinh lý và hỏi những sự tích đời xưa, những nhaâ vâậ và phong tục ở các nước xa lạ. Ngài chăm xét mọi việc, có khi đêm chắp đèn xem chương, sớ, đến trống hai, trống ba mới thôi. Thường thường ngài nói với các quan rằng: Lòng nguời ai cũng muốn ở yên, mà không muốn sinh sự ra để thay đổi luôn, nhưng lúc trẻ mạnh mà không sửa sang mọi việc, thì rồi đến lúc già yếu, mỏi mệt còn làm gì được. Bởi vậy cho nên trẫm không dám lười biếng lúc nào[1].

Ở trong triều, thì ngài đặt thêm ra các tự và các viện. Bấy giờ có Nội các và Cơ mật viện là quan trọng hơn cả.

3. NỘI CÁC. Đời vua Thế tổ đã đặt Thị thư viện làm chốn cơ yếu ở trong điện, để có điều gì thì vua hỏi han và làm các việc như biểu, sách, chế, cáo, chương, tấu, sắc, mệnh... Đại khái cũng tựa hồ phòng bí thư của vua vậy.

Năm Canh Thìn (1820) là năm Minh Mệnh nguyên niên, vua Thánh Tổ cải là Văn thư phòng; đến năm Minh Mệnh thứ mười (1829), đổi làm Nội các, lấy quan tam tứ phẩm ở các bộ, viện, vào quản lĩnh mọi việc.

4. CƠ MẬT VIỆN. Năm Giáp Ngọ (1834) là Minh Mệnh thứ 15, nhân vì việc quân quốc cơ yếu là việc rất quan trọng, vua Thánh tổ mới theo như Khu mật viện nhà Tống và Quân cơ xứ nhà Thành mà châm chước đặt ra Cơ mật viện, cho có trách nhiệm riêng. Các quan đại thần sung chức trong viện ấy thì dùng 4 viên, văn võ từ tam phẩm trở lên, phụng chỉ kén dùng. Thuộc viện thì có viên ngoại lang, chủ sự, tư vụ, biên tu, đều kén ở trong các bộ viện ra sung bổ. Các quan đại thần ở Cơ mật viện có đặc chỉ cho đeo kim bài để phân biệt với các quan khác. Kim bài khởi đầu có từ đấy.

5. TÔN NHÂN PHỦ. Năm Bính Thân (1836) là năm Minh Mệnh thứ 17, vua Thánh tổ đặt ra Tôn nhân phủ và đặt quan chức để coi mọi việc ở trong họ nhà vua.

Nhà vua thờ tiên tổ có 7 miếu: những miếu phía tả gọi là chiêu, những miếu phía hữu gọi là mục. Con cháu các dòng chiêu hay là mục phải phân biệt cho nào ra chi ấy.

Đặt tôn nhân lệnh một người, tả hữu tôn chính hai người, tả hữu tôn nhân hai người, để coi việc hoàng tộc và việc phân biệt tự hàng chiêu hàng mục, ghi chép hàng lượt người thân người sơ, việc nuôi nấng và cấp tước lộc cho mọi người trong hoàng tộc; lại đặt tả hữu tôn khanh hai người, tả hữu tá lý hai người, để coi thứ trật mọi người tôn thất và việc cấp dưỡng cho kẻ cô ấu, giúp đỡ những việc tang hôn...

-----------------------------

* Chú thích:

[1] Minh Mệnh chính yếu, quyển Cần chính.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu