A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về với xứ Lạng

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, xứ Lạng không chỉ được biết đến với vị trí phên dậu biên thùy, nơi chứng kiến bao chiến công hiển hách của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn nổi tiếng là một vùng sơn thủy hữu tình, một miền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.


Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…

Lạng Sơn là mảnh đất địa đầu của Tổ quốc với 231,8 km đường biên tiếp giáp với Quảng Tây – Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ đường biên cùng hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ nối Lạng Sơn với các tỉnh trong và ngoài nước.

Thành phố Lạng Sơn

Từ Hà Nội đi qua hơn 150 km trên quốc lộ 1A, thành phố miền biên giới đã hiện ra trước mắt du khách. Trong quá khứ, miền đất này đã là nơi quần tụ nhiều dân tộc anh em. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hàng nghìn năm qua, Lạng Sơn là một trong các địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc. Hơn nửa thế kỷ trở về đây, Lạng Sơn được gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa cách mạng của đất nước.

Vùng đất sơn thủy hữu tình

Lạng Sơn nổi tiếng không chỉ bởi thị trấn Đồng Đăng và phố chợ Kỳ Lừa sầm uất, có tượng đá thiên nhiên nàng Tô Thị bồng con tạc vào mênh mông trời đất ngàn đời hình ảnh người phụ nữ Việt Nam son sắt thủy chung, mà còn thu hút bởi những khu chợ vùng biên suốt ngày nườm nượp người xe, những núi, sông hùng vĩ với hàng chục hang động kỳ ảo: Nhị Thanh, Hang Gió, Động Tiên..., với khu nghỉ mát Mẫu Sơn nổi tiếng, với các di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm: Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc, căn cứ cách mạng Bắc Sơn, quê hương người anh hùng Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri.... Lạng Sơn có kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc được giữ gìn và phát triển qua hàng ngàn năm lao động sáng tạo và tiếp thu tinh hoa thời đại.      

Là nơi sinh tụ của các dân tộc anh em: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay,... xứ Lạng cũng là quê hương của biết bao lễ hội truyền thống hấp dẫn, thú vị. Trải qua hàng nghìn năm dựng làng, giữ nước, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã sáng tạo nên truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng. Mỗi năm ở Lạng Sơn có hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Trong đó nổi tiếng nhất là các lễ hội: Lồng tồng, hội đầu pháo Kỳ Lừa; lễ hội chùa Tam Thanh, hội đền Kỳ Cùng-Tả Phủ, lễ hội Bắc Nga... Ngoài các giá trị về văn hóa, lịch sử, các lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa - du lịch sâu sắc. Tham dự lễ hội của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, du khách được đắm mình trong những điệu hát then, sli..., được khám phá nét văn hóa bản địa qua các phần nghi lễ, các trò chơi dân gian...

Ngoài ra, quê hương xứ Lạng còn có nét văn hóa ẩm thực đặc sắc mang đậm phong vị riêng như: phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, thịt lạp, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt, khẩu Shi... Cùng với các món ăn đó, các loại hoa quả tại vùng quê xứ Lạng cũng đa dạng phong phú như: mơ, lê Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn... Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách sau mỗi lần đến thăm, tìm hiểu và thưởng thức.

Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng

Hiện nay, khách du lịch đến với Lạng Sơn không chỉ là khách du lịch trong nước, khách Trung Quốc mà còn có ngày càng đông khách du lịch các nước Đông Âu, với mục đích thưởng thức cảnh đẹp, danh thắng, nghiên cứu lịch sử, văn hoá, con người xứ Lạng. Theo đó, du khách đến với Lạng Sơn chủ yếu tham gia vào các loại hình như: du lịch mua sắm, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch khám phá hang động, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng… Trong các loại hình, du lịch văn hóa tâm linh luôn được du khách hướng đến nhiều, đặc biệt trong dịp đầu năm.

Trong thời gian qua, cùng với những chủ trương về phát triển du lịch thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các nghị quyết, chuyên đề và chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Lạng Sơn, tỉnh ủy, sở ban ngành tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thành công, hiệu quả các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch nhân các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời thu hút được khách du lịch đến với Lạng Sơn...

Mục tiêu mà ngành du lịch Lạng Sơn đề ra là phát triển du lịch Lạng Sơn tương xứng với tiềm năng thế mạnh trên địa bàn để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển du lịch phải tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội; phải gắn với việc giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hướng tới phát triển bền vững để Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng Đông Bắc.

Trong đó, nguồn lực phát triển ngành du lịch Lạng Sơn được tỉnh chỉ đạo theo hướng huy động mọi nguồn vốn đầu tư; tiếp tục vận dụng sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng để đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch; tập trung đầu tư các khu du lịch trọng điểm; về phía tỉnh, tăng cường chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, lập các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư, quản lý tốt các hoạt động du lịch...

Để phát huy giá trị các di tích, danh thắng, ngành văn hóa đã tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đến với công chúng thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, nhất là tổ chức khai thác lễ hội xuân hàng năm để tạo điểm nhấn. Đồng thời, tích cực khảo sát, xây dựng các tour, tuyến du lịch, khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch gắn với các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có trên 50 điểm di tích thường xuyên đón khách du lịch, trong đó có một số điểm như: đền Bắc Lệ (Hữu Lũng), đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, chùa Thành (thành phố Lạng Sơn)… hàng năm đón hàng vạn lượt khách tham quan.

Với những định hướng phát triển rõ ràng và nỗ lực chung, mong rằng du lịch Lạng Sơn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo, trở thành một trong những trung tâm phát triển du lịch vùng trung du miền núi phía Bắc.

Trong những năm vừa qua các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hoạt động có hiệu quả và đã đem lại nguồn thu nhập và việc làm ổn định cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể: năm 2001 tổng lượng khách đạt: 210.000 lượt khách, doanh thu du lịch 92 tỷ. Năm 2010 tổng lượng khách đạt: 1.929.000 lượt khách, doanh thu du lịch 736 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt: 1.290.100 lượt, tăng 1,3 % so với cùng kỳ năm 2012; trong đó: khách quốc tế đạt 171.900 lượt, khách trong nước đạt 1.118.200 lượt; Doanh thu xã hội ước đạt 457,2 tỷ đồng.

Một số hình ảnh về Lạng Sơn:

 Cửa khẩu Tân Thanh

 Hòn Vọng Phu

 Chùa Tam Thanh

Mẫu Sơn 

 Mẫu Sơn

 Thành Nhà Mạc

Thùy Minh


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm