A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố bên bờ biển Đông

Trong chiến lược phát triển các đô thị lớn ở Việt Nam, Đà Nẵng nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, thậm chí có người còn ví đó là “kì tích sông Hàn”. Có lẽ vì thế mà những năm gần đây, báo chí vẫn thường nhìn nhận rằng, sự phát triển mạnh mẽ và bài bản về mặt quy hoạch đô thị, kinh tế - xã hội, du lịch - dịch vụ… đã biến Đà Nẵng trở thành một “tiểu Singapore” ở khu vực miền Trung Trung Bộ

Thành phố của ước mơ

Trước 1975, Đà Nẵng là một căn cứ quân sự khổng lồ của Mĩ chuyên phục vụ cho chiến tranh. Bên kia sông Hàn mênh mông cồn cát với đồn bốt và những khu nhà dồn dân lợp mái tôn tạm bợ. Công viên 29/3 hôm nay, thời đó cũng là hầm chứa rác của các căn cứ Mĩ. Cả một vùng rộng lớn từ Ngã Ba Huế, nơi cửa ngõ phía Bắc của thành phố Đà Nẵng, chạy dài lên đến tận chân đèo Hải Vân, nhà dân lưa thưa tạm bợ, còn lại là đồn lũy, nghĩa địa quạnh hiu trong mịt mù cát trắng.


 
Cầu quay sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng



 
Thành phố Đà Nẵng rực rỡ bên bờ sông Hàn


Sau giải phóng (1975), cùng với các thành phố khác ở miền Trung và miền Nam, Đà Nẵng nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống cho nhân dân và bắt đầu tính tới chuyện khôi phục, tái thiết lại thành phố.

Công cuộc tái thiết thành phố của Đà Nẵng gặp vô vàn khó khăn do những hậu quả nặng nề từ thời chiến tranh để lại. Phải đến hơn 20 năm sau, tức vào năm 1996, Đà Nẵng mới bắt đầu có những bước chuyển mình đáng kể sau khi có quyết định tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2000, cầu Sông Hàn, chiếc cầu quay đầu tiên và duy nhất của Việt Nam, được khánh thành nối liền đôi bờ sông Hàn không chỉ mở ra một thời kì phát triển mới cho thành phố này mà còn trở thành biểu tượng đáng tự hào của người dân Đà Nẵng. Có cầu cho dân, nhưng khó khăn về nhà ở vẫn còn đó. Chính vì thế mà chính quyền thành phố Đà Nẵng lại gấp rút bắt tay vào giải quyết bài toán nhà ở cho dân tại những khu phố nghèo như: Hải Châu, Thọ Quang, bàu Thạc Gián, Nại Hiên Đông… Còn nhớ, đúng vào dịp Tết năm Ất Dậu (2005), hơn 300 hộ dân ở khu nhà chồ vùng Nại Hiên Đông gần cửa sông Hàn đã mừng vui không kể xiết khi được thành phố cấp cho những ngôi nhà mới.

Chưa bao giờ người ta thấy Đà Nẵng phát triển mạnh như hôm nay. Bằng sự quyết đoán, đoàn kết, đồng thuận cùng với những chiến lược hợp lí trong quy hoạch đô thị, chính quyền và nhân dân đã biến Đà Nẵng thành một thành phố văn minh, hiện đại bậc nhất ở miền Trung, một thành phố trong mơ của nhiều địa phương trong cả nước.

Đến với Đà Nẵng hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh một thành phố giàu nội lực đang vươn lên mạnh mẽ bên bờ Biển Đông. Đà Nẵng bây giờ không chỉ có chiếc cầu quay trên sông Hàn mà đã và đang có thêm nhiều cây cầu mới hiện đại như: cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân, cầu Cẩm Lệ… Và không lâu nữa, đến năm 2013, cầu Rồng, một công trình kiến trúc tuyệt mĩ và vĩ đại sẽ bắc qua sông Hàn, tạo nên một biểu tượng mới cho thấy sự vươn lên đầy mạnh mẽ của Đà Nẵng trong thời kì hội nhập.

Đà Nẵng hôm nay còn nổi tiếng với những con đường phong quang, sạch đẹp, những khu đô thị sầm uất. Tất cả đều được quy hoạch một cách có bài bản, đồng bộ và có tính đến yếu tố phát triển theo thời gian. Vì thế, đến với thành phố này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những con đường ven biển thênh thang tuyệt đẹp, hay những con phố bình yên rợp bóng cây xanh trong nội đô và cả những công viên hữu tình bên đôi bờ sông Hàn lộng gió… Chính vì thế mà báo chí trong và ngoài nước vẫn thường ví Đà Nẵng như một “tiểu Singapore” ở miền Trung.

Với những thế mạnh sẵn có, trong những năm tới, Đà Nẵng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thành phố theo hướng công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao nhằm đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, công nghệ, dịch vụ, du lịch hàng đầu của khu vực miền Trung.

Thiên đường bờ biển

Đà Nẵng mở cửa thấy biển, quay đầu thấy núi, đó là một đặc điểm nổi bật về mặt vị thế địa lí của thành phố nằm ở khu vực trung tâm miền Trung này. Vì vậy, tiềm năng du lịch nổi trội nhất của Đà Nẵng chính là du lịch biển và du lịch khám phá núi rừng.

Được mệnh danh là “thành phố nằm bên bờ Biển Đông”, Đà Nẵng có đường bờ biển dài hơn 30km kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến tận Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn). Dọc theo bờ biển này, thiên nhiên đã kiến tạo nên nhiều bãi tắm đẹp như: Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, Sơn Trà, Mĩ Khê, Bắc Mĩ An, Non Nước... Những bãi tắm biển Đà Nẵng nổi tiếng sạch đẹp, quy củ, sóng biển nhẹ êm, nước biển trong xanh suốt bốn mùa và không xa trung tâm thành phố. Đặc biệt, nhờ có sự che chắn của dãy đèo Hải Vân ở phía Bắc nên khí hậu ở Đà Nẵng gần như quanh năm nắng ấm rất thích hợp cho việc tắm biển cũng như các môn thể thao dưới nước.
 


 
Đà Nẵng có cảng biển nước sâu thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và du lịch

 


 
Đà Nẵng có ngành công nghiệp giày da phát triển mạnh


Năm 2005, tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ là tờ Forbes đã bình chọn bãi biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Và đầu năm 2010, tờ Sunday Herald Sun của Australia cũng bình chọn bãi biển Mỹ Khê, một trong nhiều bãi tắm đẹp của Đà Nẵng, vào top 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất.

Với thế mạnh về du lịch biển, Đà Nẵng đã sớm biết phát huy lợi thế của mình. Hiện nay, Đà Nẵng đã cho xây dựng những con đường ven biển đẹp và hiện đại như: đường Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành… Dọc trên các con đường này là những khu resort, bãi tắm, công viên, biệt thự, căn hộ cao cấp… và cả những dự án lấn biển cũng đang được triển khai tạo cho Đà Nẵng diện mạo của một thành phố du lịch biển hiện đại mang đẳng cấp quốc tế.

Đến với Đà Nẵng, du khách còn được khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn Bà Nà quanh năm mây phủ trên độ cao 1487m so với mặt nước biển. Đây là một khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng xứ Đông Dương thời thuộc Pháp do các nhà thám hiểm người Pháp phát hiện vào năm 1901. Ngày nay, bên cạnh hệ thống biệt thự cổ mang lối kiến trúc thời thuộc Pháp, hạ tầng du lịch của Bà Nà đã phát triển mạnh với nhiều khách sạng hạng sang cùng với hệ thống cáp treo hiện đại sẵn sàng đưa du khách khám phá vẻ đẹp kì vĩ của những cánh rừng nguyên sinh quanh năm mây phủ.


 
Những toà biệt thự sang trọng trên đỉnh núi Bà Nà



 
Đà Nẵng có những khu nghỉ dưỡng và bãi tắm đẹp nổi tiếng thế giới

Cách trung tâm thành phố chừng 10km về phía Đông Bắc, tiếp nối với đèo Hải Vân là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Từ trên đỉnh Sơn Trà, phóng tầm mắt nhìn xuống, Đà Nẵng hiện lên với con sông Hàn lấp lóa nắng, với những tòa nhà chọc trời vươn lên bên bờ biển, với những bãi tắm trong xanh. Đêm về, Đà Nẵng lung linh trong muôn triệu ánh đèn. Nếu may mắn, đúng vào những kì thi bắn pháo hoa quốc tế, từ điểm cao này du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì ảo và lộng lẫy của những chùm pháo hoa vút lên từ phía sông Hàn. Sơn Trà còn có chùa Linh Ứng với tượng Phật Bà Quan Âm cao 67m (tương đương tòa nhà 30 tầng) hướng ra Biển Đông như phù hộ cho những con tàu vượt sóng bình an giữa muôn trùng sóng vỗ.

Trên một vùng cát trắng mênh mông thuộc xã Hoà Hải, huyện Hoà Vang, cách trung tâm thành phố chừng 8km về phía Đông Nam là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn gồm năm ngọn núi đá vôi tuyệt đẹp mang năm cái tên do vua Minh Mạng (1791 - 1841) đặt, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn. Trên năm ngọn núi có những ngôi chùa và hang động đẹp như tranh vẽ tạo cảnh trí nên thơ quyến rũ lòng người. Dưới chân núi Ngũ Hành Sơn có làng đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc đá tinh xảo, độc đáo. Nằm kề sát bên danh thắng Ngũ Hành Sơn là khu du lịch Non Nước với những bãi tắm trong xanh, yên tĩnh, gối đầu lên những rừng dương xanh rì rào gió thổi.

Đà Nẵng cũng chính là trung tâm của 3 vùng di sản văn hóa thế giới, đó là Cố đô Huế (Huế), Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò của thành phố Đà Nẵng trong khu vực, đó là nơi đón tiếp, phục vụ và trung chuyển khách… tạo nên thế mạnh liên hoàn trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương cũng như các tỉnh lân cận.

Với những thế mạnh nổi trội trên, Đà Nẵng không chỉ là một trong 4 trung tâm du lịch lớn của cả nước, bên cạnh Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Huế, mà còn lọt vào tầm ngắm của các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - du lịch của Việt Nam với tham vọng biến thành phố này thành trung tâm du lịch hàng đầu của toàn khu vực miền Trung.



(Theo BAVN)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm