A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến với những thảm cỏ xanh Bàu Lạch

Giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh, rừng thưa, rừng tái sinh rậm rạp, bỗng xuất hiện những trảng cỏ kết nối nhau thành một thảo nguyên rộng chừng 500ha. Cỏ ở đây đa phần là cỏ chỉ, hoặc cỏ kim, hoặc cỏ stylo, mọc cao không quá 10cm. Những trảng cỏ mướt xanh như tấm thảm thoai thoải mênh mông làm mát mắt du khách.



Trảng cỏ xanh Bàu Lạch 

Từ Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), đi theo quốc lộ 14 nơi cách thị trấn Đức Phong của huyện Bù Đăng chừng 15km ta sẽ gặp trảng cỏ Bàu Lạch (hay còn gọi là Bù Lạch). Bàu Lạch là một trảng cỏ tự nhiên, khá bằng phẳng và rất độc đáo. Các già làng S’tiêng ở Bàu Lạch cho biết sát bên trảng cỏ là rừng nguyên sinh, nhưng hai hệ thực vật này có ranh giới rất rõ ràng. Có ý kiến giải thích: do thổ nhưỡng nên loại cây này không thể mọc trên đất của loại cây kia! Đôi khi du khách giật mình thú vị bởi có khi bất chợt gặp các loài thú nhỏ như nai, thỏ, khỉ, nhím... chạy vụt qua. Người S’tiêng quanh vùng hầu như không ai săn bắt chúng! Những kẻ lạ không thể nào vào trảng cỏ này săn trộm được, bởi sự giám sát rất chặt chẽ của bà con và chính quyền thôn Bàu Lạch.

Bàu Lạch còn có những hồ nước xen lẫn những trảng cỏ. Trong các hồ này có nhiều loài cá nước ngọt sinh sống. Hồ nước ở Trảng Lớn rộng và đẹp nhất. Các hồ nước và trảng cỏ nằm trong khu vực rừng cấm nên không có dân cư ngụ, nhiều loài chim, cò bay lượn rất tự nhiên, thỉnh thoảng chúng đậu trên lưng các chú trâu đang nhẩn nha nhai cỏ bên hồ nước xanh thẳm. Vào lễ hội ăn mừng lúa mới diễn ra trong những tháng mùa xuân, bà con địa phương thường tát, xổ bàu bắt cá.

Mỗi dịp nghỉ hè có rất nhiều đoàn du lịch, du khảo, sinh viên, học sinh đến cắm trại tại đây. Các đoàn thường tổ chức các trò chơi hấp dẫn trên đồng cỏ như: thả diều, cưỡi ngựa, cưỡi voi, chạy việt dã, đốt lửa trại... Du khách cũng có thể đến với những thôn bản của người S’tiêng quanh vùng để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của bà con dân tộc. Nếu đến đúng vào dịp lễ hội, ta sẽ được thưởng thức những điệu múa, hát trong tiếng chiêng, cồng, khèn bầu với những âm thanh rộn ràng, sinh động.

Ai thích mạo hiểm có thể đi theo lối mòn xuyên rừng. Thỉnh thoảng xuất hiện có những tấm biển bằng gỗ đóng trên thân cây hướng dẫn khá rõ ràng lộ trình. Tiếng gà rừng gáy xa xa và tiếng chim hót líu lo vang dài rồi đột nhiên im lặng, rồi lại vang lên. Càng vào sâu, rừng càng thâm u, vắng vẻ. Đi một hồi lâu, mồ hôi du khách đã ướt áo. Chợt bất ngờ không gian như vỡ òa ra với ánh sáng tràn ngập. Một trảng cỏ tuyệt vời hiện ra. Trên đó những con trâu thong thả, nhẩn nha gặm cỏ. Bầy trâu to đùng khi gặp khách lạ không sợ hãi mà giương mắt nhìn chăm chú. Theo lời người hướng dẫn, những đồng cỏ như thế này xen kẽ với rừng nguyên sinh cho tới tận đầu nguồn sông Đồng Nai. Bàu Lạch cách rừng cấm Nam Cát Tiên không xa nên hệ động thực vật ở đây rất phong phú. Địa hình ở miền đất nầy khá đặc biệt: không có núi nhưng rất nhiều đồi đất ba-zan cao trên dưới 400 m, những dải đồi thường dài, có nơi thoai thoải, nhưng có nơi cũng rất dốc.

Hiện nay, nhiều du khách thích thú khi có dịp vui chơi giữa những trảng cỏ xanh mơn mởn, non tơ, độc đáo có một không hai của miền Đông Nam Bộ.

(Cần Thơ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm