A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa sắc màu Cúc Phương...

Nằm cách Hà Nội chừng 150km, trong Vườn Quốc gia Cúc Phương có cây chò khổng lồ (khoảng 20 người dang tay nắm nối nhau mới vòng quanh hết gốc). Nhưng Vườn Quốc Gia Cúc Phương đâu chỉ có vậy...

Vườn Quốc gia này nằm trong một thung lũng lớn dài 25km, giữa hai dãy núi đá vôi trong đoạn cuối dãy Hoàng Liên Sơn, ở ranh giới ba tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá và Ninh Bình (nhưng phân nửa nằm trên diện tích Ninh Bình). Rừng Cúc Phương có 5 tầng, rất đặc trưng: Tầng cao nhất tới 50 - 60m; tầng giữa chủ yếu có loại cây gỗ tán; tầng thấp phần nhiều là cây bụi và thảm tươi.

Nếu đứng trên đỉnh Mây Bạc (cao 648,2m), ta có thể thả tầm mắt bao quát toàn cảnh Vườn Quốc gia, trông rõ Kinh đô Hoa Lư và ngắm nhìn trọn vẹn "Vịnh Hạ Long cạn" nằm trên địa bàn huyện Nho Quan. Nơi đây khí hậu luôn ở khoảng 23 độ C với lượng mưa hàng năm 1.800mm. Khi xưa, vùng đất này rất hiểm trở, thưa thớt dân và người dân cũng chỉ dám mon men đến cửa rừng là cùng. Còn lại là một khu rừng nguyên sơ, giàu chủng loại động, thực vật. Hơn một năm sau ngày Chính phủ quyết định thành lập Vườn Quốc gia, một con đường dài 15km được khai thông xuyên rừng. Nhiều nhà nghiên cứu chuyên ngành ở trong và ngoài nước đã tới đây khảo sát. Một phân viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp cũng đã được thành lập tại đây để tiếp tục khám phá những bí ẩn của mảnh đất này.



Đường vào Cúc Phương 

Bước đầu, các nhà khảo cổ học đã khai quật ở Cúc Phương những công cụ bằng đá và hài cốt người nguyên thuỷ sống cách đây hàng vạn năm. Trong số 1.967 loài thực vật có nhiều loài cây to khổng lồ như chò xanh, chò chỉ, sấu cổ thụ... Ngoài số thực vật bản địa chiếm vai trò chính của Vườn, còn có nhiều loài có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar, Malaysia... đã khiến cho Cúc Phương trở thành một kho tài nguyên quý về gỗ và làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh... giúp cho khách tham quan cơ hội khám phá và là nguồn tư liệu đặc biệt cho các nhà nghiên cứu. Trên đỉnh núi cao còn có loài cây gỗ Kim Giao rất quý hiếm và tương truyền, loài gỗ này có khả năng giải độc nên vua chúa ngày xưa thường dùng làm đũa ăn.

Về động vật, những nhà khoa học ở Cúc Phương đã xác định được 1.800 loài, trong đó có 64 loài có xương sống, 137 loài chim, 33 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư và chắc chắn sẽ còn một số loài được phát hiện trong tương lai. Đặc biệt, tại Cúc Phương còn phát hiện được các loài đặc hữu, chỉ có ở nơi đây, như sóc bụng đỏ, voọc quần đùi trắng và nhiều loài động vật đã được đưa vào sách Đỏ thế giới. Riêng một số loài không xương sống cũng rất đặc sắc như bướm kê ly ma (hình chiếc lá khô), bọ ngựa (hình lá xanh) hay bọ que (hình chiếc que củi khô)... Sự biến hình ẩn mình trong cảnh quan khiến các loài động vật này nom khá ngộ nghĩnh.

Tại khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương, mưa lớn thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10. Mưa khá to, dâng rất nhanh và rút cũng rất nhanh. Do địa hình khá đặc biệt nên Cúc Phương có nhiều hang động đẹp như động Người Xưa, động Trăng Khuyết... Một chuyến điền dã trong Vườn Quốc gia Cúc Phương bao giờ cũng đem lại cho những nhà khoa học cơ hội tìm hiểu về sự giàu có của môi trường và đem lại cho khách du lịch một cảm hứng thú vị, khiến mọi người càng thêm yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và trào dâng những thi hứng sáng tác văn nghệ.



Cây chò chỉ kiêu hãnh



Cây kim giao 



Cánh bướm rực rỡ 



Một góc rừng Cúc Phương 



Lối đi trong rừng 

(Theo Báo Lao động)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm