A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công viên đá

Cao nguyên Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) bao gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc là một vùng đất ẩn chứa rất nhiều giá trị di sản địa chất và giá trị di sản khác, mở ra một mô hình phát triển kinh tế - xã hội mới bền vững.



Khung cảnh kỳ vĩ huyện Mèo Vạc – tỉnh Hà Giang

Tầm nhìn của một dự án

Giáo sư - Tiến sĩ (GSTS) Jan Masschelein, Đại học Tổng hợp Leuven, Vương quốc Bỉ, người đã nghiên cứu địa chất hang động các vùng núi phía Bắc Việt Nam hơn 15 năm khẳng định: với những gì mà các nhà khoa học đã phát hiện được ở cao nguyên Đồng Văn cho thấy đây là một khu vực rất độc đáo. Không chỉ riêng các bạn mà cả chúng tôi cũng như những người yêu thiên nhiên cũng cần có trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo và phát triển để nó phục vụ tốt hơn cuộc sống con người.

Còn GS Michiel Dusar, Giám đốc sở địa chất Vương quốc Bỉ rất thích thú khi được đặt chân lên cao nguyên kỳ vĩ này. Ông nói, đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa nơi nào để lại ấn tượng mạnh như ở nơi đây. Ở đây không chỉ có đá mà còn có hệ thống hang động, phong cảnh hùng vĩ và nên thơ.

Tại nhiều cuộc hội thảo quốc tế cũng như những chuyến đi thực địa các nhà khoa học đều chung một nhận định xây dựng Công viên Địa chất tầm cỡ Quốc gia và quốc tế phát triển kinh tế du lịch chính là mô hình tối ưu.

Trong một lần đi thực địa cùng Giáo sư Okke Batalaan, Đại học Bruxels (Vương quốc Bỉ) tại Lũng Cú, tôi nhớ mãi cảm giác sảng khoái của ông khi được đứng ở độ cao 1800m so với mực nước biển để ngắm nhìn cảnh đồi núi trùng điệp bao la của cao nguyên.

Giáo sư nhận xét, cảnh vật đẹp như tranh vẽ, nhiều phong tục hấp dẫn du khách, xứng đáng là một công viên địa chất. Trong con mắt các nhà khoa học, cao nguyên đá Đồng Văn rất đẹp và kỳ bí nhưng thực tế bao nhiêu năm nó đang ngủ yên… Hơn thế, vùng đất này đang có nguy cơ hoang mạc hóa ngày càng cao và sự xâm hại của con người cũng không ít. Do đó vấn đề bảo vệ và bảo tồn các giá trị đã phát hiện được là nhiệm vụ khẩn thiết...

Dự án Công viên địa chất Việt - Bỉ ra đời trên cơ sở hợp tác giữa Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Vương quốc Bỉ và tỉnh Hà Giang là một quyết định đúng đắn để bảo tồn, bảo vệ các di sản về địa chất địa mạo, cảnh quan có giá trị, thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội và phát triển bền vững...

Theo ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng các đối tác Vương quốc Bỉ và trong nước đang giúp Hà Giang lập hồ sơ xây dựng Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn với diện tích khoảng 2.300km2  tiến tới trình UNESCO xét công nhận đây là Công viên Địa chất Toàn cầu.

Thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển

Tiến sĩ Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - người đã gắn bó hàng chục năm với địa chất nước nhà nói với chúng tôi: mục tiêu của dự án công viên địa chất là góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững trên cơ sở các hoạt động giáo dục và đào tạo hướng tới bảo tồn thiên nhiên và sử dụng hợp lý tài nguyên. Việc thành lập công viên địa chất  Đồng Văn sẽ có ý nghĩa to lớn nhằm quảng bá các giá trị của cao nguyên đá, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch.

Chúng tôi đứng ở trên đỉnh Mã Pì Lèng giữa thiên nhiên lộng gió mây trời. Đây là nơi tập trung nhiều cảnh đẹp và địa chất độc đáo, điểm cao nối giữa Đồng Văn với Mèo Vạc. Từ đây có thể nhìn toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn. Trước mắt chúng tôi là ngọn núi dạng tháp, mũi nhọn hình kim Pải Lủng mà các nhà khoa học thường gọi là tượng đài địa chất. Phía dưới là dòng sông Nho Quế mong manh như một dải lụa, uốn mình giữa những vách đá tai mèo cao khoảng 800 đến 1.000m. Cũng từ đây, có thể chiêm ngưỡng những vách đá dựng đứng, những chóp núi như những kim tự tháp nối liên tiếp nối nhau.



Những rặng núi trẻ Caxtơ bốn mùa mây phủ ở Quản Bạ



Những thác nước chỉ thấy được vào mùa mưa



Một loài voọc quý hiếm hiện có tại Hà Giang



Trẻ em chăn dê trên cao nguyên đá Mèo Vạc



Cày xới, làm đất cho vụ ngô mùa tới trên những mảnh ruộng hiếm hoi
giữa điệp trùng đá núi ở Đồng Văn



Chăm bón luống cải đầu xuân



Mùa hoa cải ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn

Lợi thế của Công viên địa chất Đồng Văn là các giá trị di sản thiên nhiên độc đáo gắn kết với nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc nơi đây để tạo nên một sức sống bền vững. Chợ tình Khâu Vai là phiên chợ đặc biệt có một không hai ở Việt Nam . Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, một địa danh gắn với câu chuyện tình đã đi vào huyền thoại. Câu chuyện tình yêu hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ. Chợ tình Khâu Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên, một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ở trên cao nguyên đá này, đá có mặt khắp mọi nơi trong cuộc sống của người dân: ngoài nương, trong nhà. Chiếc cối giã gạo, giường nằm, chuồng ngựa cũng được làm bằng đá. Đẹp nhất là những ngôi nhà của đồng bào Mông có hàng rào đá bao quanh đẹp như một khuôn viên.

Đồng Văn, mảnh đất địa đầu Tổ quốc có 17 dân tộc anh em sinh sống: Mông, Tày, Lô Lô, Pu Péo, Giáy... hàng ngàn đời nay họ ăn, ngủ cùng đá. Người dân nơi đây vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống đa dạng: lễ hội xuống đồng, lễ cúng cơm mới, lễ hội múa khèn v.v... Phiên chợ Đồng Văn thật ấn tượng. Ngoài việc mua bán trao đổi sản vật, chợ là nơi sinh hoạt văn hoá. Những chàng trai Mông bày tỏ tâm tình bằng tiếng khèn réo rắt. Các cô gái e ấp lung linh trong những sắc màu thổ cẩm duyên dáng hát đối đáp. Các cặp vợ chồng, bạn bè quây quần bên chảo thắng cố cùng nhấm nháp chén rượu ngô làm tăng thêm nét đậm đà của phố cổ Đồng Văn - một phố cổ có hình cánh cung, trải dài hàng cây số, nhà cửa kiến trúc theo kiểu phố núi vùng cao, nền lát đá, tường trình đất, mái lợp ngói âm dương. Người dân ở đây sống rất lạc quan. Công việc đồng áng của họ thực sự là một bài ca lao động. Để trồng được ngô trên núi đá tai mèo, người dân đã phải gùi đất lên núi, bỏ từng nắm đất vào hốc đá để gieo hạt. Màu xanh bắt đầu từ đó...



Một góc làng có kiến trúc đá ở xã Lũng Cú – Đồng Văn



Cổng nhà và tường đá – kiến trúc đặc trưng đá của người H’Mông



Buổi sáng trên cao nguyên đá

Đến Đồng Văn nhiều lần nhưng lúc nào chúng tôi cũng cảm giác mới lạ bởi không khí cao nguyên phân mùa rõ rệt: mùa đông rất ấm nhưng lại mát về mùa hè. Ruộng bậc thang vào mùa lúa chín có một vẻ đẹp khó quên để lại nhiều cảm xúc cho những ai có dịp chiêm ngưỡng. Do khí hậu thuận lợi nên trên cao nguyên có nhiều loại cây ăn quả như đào, lê, mận, táo; cây dược liệu quý như đỗ trọng, thảo quả, đương quy, huyền sâm, ý dĩ, chè Shan tuyết phát triển rất tốt. Đây là những sản phẩm đã và đang trở thành hàng hóa quý của Hà Giang...

Hãy đến với cao nguyên đá Đồng Văn bạn sẽ được tận hưởng và nhớ mãi vẻ đẹp nguyên sơ mà đất trời ban tặng.

Cao nguyên Đồng Văn  là một trong những vùng đá vôi đặc biệt ở Việt Nam, có sự gắn kết với sự phát triển vỏ trái đất và giá trị thiên nhiên nổi bật như các trầm tích mang dấu ấn các hóa thạch cổ sinh gồm hàng nghìn loài, 120 giống và 17 nhóm sinh vật. Các lớp đá vôi với tổng chiều dày lên đến 4.000 mét, có tuổi từ đại Cambri cách đây khoảng 545 triệu năm. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện được hàng trăm biểu hiện di sản địa chất có giá trị, trong đó có 4 mặt cắt địa chất chuẩn, 8 sự kiện địa chất quan trọng tầm cỡ khu vực và hành tinh, 25 di sản địa mạo, 23 di sản cấu trúc - kiến tạo, 11 di sản cổ sinh - địa tầng; khảo sát hàng trăm hang động trong đó có nhiều hang có giá trị du lịch.

(Báo Ảnh VN)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm