A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ánh sáng trên Đất Mũi Cà Mau

Có lẽ đối với nhiều người, việc về thăm Đất Mũi chẳng có gì là “ghê gớm”, từng đoàn xe buýt thường xuyên chở khách các miền đổ về thăm mũi đất tận cùng phía Nam của quê hương. Nhưng với tôi khi đặt chân lên Đất Mũi, tôi đã mãn nguyện một mơ ước lớn trong đời, là đã được ngắm nhìn biên cương phía Bắc ở “nóc nhà của Tổ quốc” trên cột cờ Lũng Cú, và giờ đây, được đứng ở cột mốc số 0 trên Đất Mũi ở phương Nam, nhìn ra biển bạc trắng dưới ánh nắng chan hòa.

Chuyến đi từ Cà Mau bằng ca nô ra đến Đất Mũi là một cuộc hành trình phiêu lưu đầy thú vị trên sông rạch, khác hẳn con đường núi ngoằn ngoèo, hai bên vực sâu thăm thẳm đầy sương nặng hạt và lạnh rét cắt da đưa đến Lũng Cú. Mới thấy, cực Bắc và cực Nam của nước mình là hai điều kiện sống khác hẳn nhau một trời một vực, mỗi miền được thiên nhiên ưu đãi một cách khác nhau.

Từ Cà Mau, để đi đến Đất Mũi thì có hai cách, hoặc là đi xe hơi xuống Năm Căn, rồi từ Năm Căn lấy ca nô đi ra Đất Mũi, hoặc đi thẳng từ Cà Mau xuống tận Đất Mũi bằng ca nô. Khi đi, không ai mường tượng được “đoạn đường” sẽ trải qua. Anh Cao, bạn tôi, chọn phương án đi thẳng từ Cà Mau xuống Đất Mũi bằng ca nô, có nghĩa là sẽ vượt 120km sông nước trên một chiếc ca nô nhỏ chỉ chở tối đa là tám người.

Cái bến xuống thuyền, từ đường phố xuống sông, cũng là một địa điểm “đáng nhớ”, nó nằm giữa hai vách nhà, ngay miệng ống cống, có đi ngang qua ngàn lần cũng không biết chỗ ấy là chỗ xuống thuyền! Chúng tôi đi bộ từ khách sạn sang bến, chiếc ca nô và người lái - anh Minh - đã chờ khách sẵn. Anh Minh phóng rất nhanh giữa sông, máy quay thường trực 4.000 vòng/giây, hai bên bờ lướt nhanh đến nỗi không kịp bấm một cái ảnh.

Trời Cà Mau hôm nay nắng lên cao, trong xanh, không một gợn mây, nhiệt độ khoảng 31oC, 32oC vào lúc khởi hành 8 giờ sáng. Ánh nắng trên Cà Mau là một ánh nắng trắng bạc, rất sáng, sáng hơn nắng Sài Gòn, nắng đốt da đỏ bỏng mà không hay biết dù đang ở trong bóng râm. Cái ánh sáng đặc biệt của cực Nam làm cho tôi nhớ lại bầu trời sương đục mờ mờ nặng trĩu nước nhìn không rõ mặt người ở cực Bắc.



 Tác giả bên Mốc tọa độ quốc gia Mũi Cà Mau


Từ cái bến nhỏ không có tên, không có bảng hiệu ở Cà Mau, chúng tôi lướt trên sông Gành Hào trực chỉ hướng ngã ba Hòa Trung. Đoạn này sông hẹp, nhà cửa san sát hai bên bờ thấy gần gũi hơn. Đến ngã ba Hòa Trung thì ca nô quẹo qua sông Bảy Háp, lòng sông đã rộng hơn gấp hai sông Gành Hào.

Ngồi một lúc đã quen với tốc độ của ca nô, 65km/giờ trên nước, tôi bắt đầu chụp hình phong cảnh “đường“ đi. Ngang qua cảng cá, các vựa tôm, các bến than đước, cát sỏi... Cà Mau có những hoạt động kinh tế tích cực của vùng sông nước. Nhà cửa dần dần thưa thớt, từng mảng rừng mắm hiện ra, dọc hai bên sông, có khi ngang ra đến giữa sông là những bãi nuôi tôm cá của dân chài. Những bãi này được nhận ra chỉ bởi những cây sào dài cắm trong lòng sông, lồi lên trên không khoảng 1,2m. Ca nô lướt nhanh qua chợ Chà Là, cái tên xuất phát của một nơi có nhiều cây chà là, chợ Bà Hính, chợ Cái Keo (Tà Keo).

Từ Chà Là xuôi xuống 2km thì đến phà Giá Ngự để về Đầm Dơi. Giá Ngự nhắc nhở sự tích chúa Nguyễn Phúc Ánh đã nghỉ quân nơi đây. Cũng trong vùng này, còn có hồ Long Ẩn ở gần Cái Rắn, là nơi chúa Nguyễn Phúc Ánh cho trú quân, đào ao lấy nước ngọt cho quân lính uống, sinh hoạt, và Hòn Đá Bạc với sự tích Cá Ông hiện ra đội long thuyền chúa Nguyễn vào bờ khi chúa bị lâm nạn, rồi được lập đền thờ và được chúa phong làm “Nam Hải Đại tướng quân” (thuộc xã Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời).

Hình thức họp chợ, cứ ở đâu có chợ là có dân kéo về sinh sống, buôn bán, làm ăn... tạo nên một nơi định cư lâu dài, vững chắc. Trời còn sớm nhưng đã có nhiều ghe thuyền lớn nhỏ di chuyển trên sông. Chiếc ca nô nhỏ của anh Minh phóng như bay trên mặt nước, mỗi khi bị sóng vập của những thuyền đi trước, anh Minh lướt sóng ngang, tách sang bên, làm thuyền nhồi trên sóng cà rập cà rập, ai cũng bị nhồi lên nhồi xuống muốn tụt ra khỏi cái băng ghế hẹp.

Qua khỏi chợ Cái Keo là đến Đầm Cùng, “đi” thêm một đoạn nữa là đến Năm Căn. Năm Căn bây giờ không còn như Năm Căn ngày mới khai khẩn chỉ có năm căn nhà đầu tiên của người Hoa đến lập nghiệp. Một dãy dài nhà cửa san sát chứng tỏ Năm Căn có đông dân cư, thống kê năm 2003 cho biết Năm Căn đã có 70.745 người dân sinh sống trong 7 xã.

Đi dọc hết Năm Căn là chúng tôi hồi hộp thêm vì ca nô lướt ra sông Cái Lớn (Cửa Lớn). Sông rộng mênh mông, sóng gờn gợn chảy mạnh. Lúc này, tôi mới sực nhớ là không ai có mặc áo phao cả, nước sông chảy mạnh như thế này,  nếu té xuống thì chắc phải đi theo “Bà Thủy”.

Ca nô lướt sóng sông Cái Lớn, ngang qua các địa danh Nhưng Miên, Ông Chang. Anh Minh chỉ ra phía tay phải nước ơi là nước mênh mông: “Đó, ra biển đó!”, rồi anh băng ngang suốt mặt sông, đưa chúng tôi vào một hệ thống kênh rạch của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, được công nhận là khu dự trữ sinh thái thế giới. Vào đến đây thì “êm” hơn. Kênh không rộng lắm, có những khúc cua ngặt, và cây đước xòe nhánh, rễ trên kênh.



 Lầu Vọng hải Mũi Cà Mau

Gần tới Đất Mũi thì anh Kha, người hướng dẫn, vui mừng chỉ cho tôi những bãi đất phù sa bồi, có nơi đã “đứng” lại, “cứng” lại, vài cây mắm mọc lên, lưa thưa, sau những bãi đất đó là biển Đông. Người dân Cà Mau có câu “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát” để chỉ quá trình hình thành tự nhiên theo thứ tự của những rừng mắm, rừng đước và rừng tràm, các loài cây giữ đất bồi phù sa cho con người sinh sống. Anh Minh, nãy giờ, “chạy đua” với những chuyến tàu cao tốc chở khách khác trên sông Cái Lớn, uyển chuyển luồn lách rất thiện nghệ trên kênh rạch, đưa chúng tôi đến bến Đất Mũi an toàn.

Đang ngồi trên ca nô, gió sông gió biển thổi thốc vào mặt, khô cứng cả da, tóc rối bù, nhưng rất mát, bây giờ lên bờ mới thấy không khí nóng hẳn, hơn 38oC, mồ hôi rịn ra hòa với chất muối biển trong không khí dính rin rít, nhớp nháp.

Ba đoàn du khách đến trước chúng tôi hấp tấp đi trước để giành chỗ chụp hình ở các điểm tham quan như cột mốc số 0 của cực Nam nước Việt Nam, con tàu Đất Mũi và lầu Vọng Hải.

Đứng trên lầu Vọng Hải nhìn đường cong chân trời, nước non mênh mông, nắng trưa sáng lung linh trắng bạc, tôi ngỡ ngàng cảm thấy mình rất hạnh phúc trên quê hương đường cong chữ S, vừa thầm nghĩ, ở đây thiếu một cái cột cờ hoành tráng như cột cờ Lũng Cú. Nhưng đất nước này, đẹp như thế này, đẹp từ cực Bắc đến cực Nam, cho con người một môi trường sinh sống nhiều khác biệt để bổ sung cho nhau, thì phải giữ lấy nước, phải không nhỉ...  

Mathilde Tuyết Trần (honvietquochoc.com.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm