A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm sống lại những mẫu lụa cổ

Cụ Triệu Văn Mão ở Vạn Phúc (Hà Tây) là người say mê sưu tầm và khôi phục cách dệt lụa truyền thống, tái hiện nhiều mẫu hoa văn cổ hết sức quý giá.

Cụ Triệu Văn Mão bên khung dệt

Cụ được cha mẹ truyền dạy cho nghề se tơ duyệt lụa từ khi mới 7 tuổi. Lớn lên, cụ làm cán bộ ngành kim khí rồi đi bộ đội...

Chiến tranh kéo dài làm cho nghề dệt lụa kém phát triển. Trở về làng làm cán bộ xã, thấy bà con phải phá khung dệt đi làm nghề khác, mẫu mã sản phẩm ông cha để lại không còn, cụ xót xa, đi từng nhà, tìm từng mảnh lụa, chờ cơ hội dựng lại máy dệt cổ. Ai có mẫu sản phẩm cổ là cụ xin sao chép lại. Cảm động trước tấm lòng say nghề của cụ, nhiều người đã động viên và giúp cụ sưu tầm mẫu lụa cổ... Khi nhận được bất kỳ một mẫu cổ nào, cụ lại cặm cụi nghiên cứu và hợp tác với những nghệ nhân cao tuổi trong làng: cụ Bằng thì giúp vẽ lại mẫu hoa văn, cụ Nguyễn Ðễ chỉnh khung dệt, cụ Nguyễn Văn Tư lo phần máy móc...

Năm 1994, ông Trịnh Bách - người con của làng dệt Vạn Phúc từ Mỹ về quê mang theo dự án khôi phục những bộ triều phục thời Nguyễn đã cộng tác với cụ Mão. Bỏ bao công sức, tiền của trong sáu năm trời, cụ đã làm "sống lại" bốn bộ triều phục thời Nguyễn và trưng bày tại Festival Huế 2000... 

Theo cụ Mão, người xưa làm ra một tấm lụa rất công phu và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công; trước hết xác định mẫu lụa phải làm là dày hay mỏng, hoa văn như thế nào. Công đoạn sau là vẽ mẫu ra giấy và tính xem cần bao nhiêu sợi dọc, sợi ngang...

Ngày nay, cụ Mão và làng dệt Vạn Phúc đã kết hợp thủ công và cơ khí làm ra nhiều sản phẩm lụa đẹp, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều sản phẩm tái hiện nét hoa văn cổ vẫn tuân theo cách dệt cổ truyền...

Tại phòng làm việc nhỏ của cụ Triệu Văn Mão chứa cả kho quý của nghề dệt lụa. Ðó là những áo dài cổ có hàng trăm tuổi mà nghệ nhân làng Vạn Phúc xưa đã dệt với những hoa văn nổi như lưỡng long song thọ, thọ đỉnh, tứ quý, đã nhàu nát, cũ kỹ được cụ cất giữ như vàng; trong đó có cả những loại sa dệt hơn 250 năm trước đây, được các nhà khảo cổ tìm thấy ở trong mộ cổ ở Phố Hiến (Hưng Yên) được cụ nghiên cứu dệt thành công.

Không những say mê sưu tầm vốn cổ của làng mình, cụ còn nhờ Viện khảo cổ sưu tầm nhiều loại lụa, loại vải của các dân tộc khác nhau trên khắp mọi miền đất nước. Bởi vậy, cụ đã nghiên cứu và vừa dệt thành công loại vải lanh có hoa văn của người dân tộc Mông ở Lào Cai. Ðặc biệt, cụ đã tự thiết kế máy cán cây lanh lấy vỏ làm sợi, ruột cây làm nhiên liệu cho trồng nấm sạch và tấm lợp an toàn.

Dù đã ở tuổi ngoài 70 cụ vẫn rất tâm đắc với dự án này và mong khôi phục được nghề trồng và dệt lanh sẽ giúp cho đồng bào nhiều dân tộc vùng cao xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn môi trường.

Cụ Mão vui vẻ giới thiệu tôi với cô con dâu Nguyễn Thị Tâm đang nối nghiệp mình rất thành công rồi nói như tâm sự với chính mình: "Nhìn những tấm lụa mượt óng ả, mấy ai biết được để làm ra nó, người thợ dệt đã phải mất bao công sức, thời gian và óc sáng tạo. Ðời tằm ngắn ngủi nhưng sợi của nó nhả ra qua tay người thợ để lại cho đời những sản phẩm vô giá. Vì vậy còn sức, tôi còn sưu tầm, khôi phục những vốn cổ, mong giữ lại cho con cháu đời sau những kỹ thuật tinh xảo, những nét tinh hoa của cha ông".

Văn Sáu
(Nhân dân)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm