A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người khôi phục nghề gốm Chu Đậu

Tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đang lưu giữ một bình gốm cổ, trên bình ghi rõ được sản xuất tại huyện Nam Sách (Hải Dương) năm Thái Hoà thứ 8 (1450) có lưu bút của bà Bùi Thị Hý và được mua bảo hiểm 1.000.000 USD. Lần theo dấu vết lịch sử, người ta được biết, chiếc bình gốm này được sản xuất tại làng Chu Đậu. Những lò gốm đỏ lửa suốt các thế kỷ XV - XVI, cho ra đời những sản phẩm nức tiếng gần xa bị chiến tranh Trịnh - Mạc (1593) trong lịch sử xoá sổ thì nay Nguyễn Văn Lưu, một con người yêu quê hương, quyết chí làm giàu, đang khôi phục trở lại.

Ông Nguyễn Văn Lưu, người đã khôi phục lại
nghề gốm Chu Đậu sau 500 năm thất truyền

Năm 2000, với chủ trương khôi phục làng nghề truyền thống, ông Nguyễn Văn Lưu sau nhiều năm trong quân ngũ và làm ăn tại nhiều nơi trong nước,  trở về quê tìm hiểu, nghiên cứu, xin lập dự án khôi phục và phát triển làng nghề gốm cổ Chu Đậu. Trong khi nhiều người tìm cách sinh sống, học tập tại các đô thị hay ra nước ngoài thì ông lại lội ngược dòng về với một làng quê. Ông Lưu nói: “Tôi nhớ mãi lời ông Nguyễn Hữu Thắng, vừa là cấp trên vừa là bạn nói với tôi, Chu Đậu là  thương hiệu, là “vàng” mà cha ông để lại cho chúng ta, phải giữ lấy và phát huy, biến nó thành của cải làm giàu cho quê hương”.

Xưởng sản xuất của Xí nghiệp gốm Chu Đậu

Vượt qua muôn vàn khó khăn vì làng nghề mà không có nghề, chỉ còn cái tên và những đế lò phế tích nằm sâu dưới lòng đất thôn Chu Đậu, ông Nguyễn Văn Lưu có sự hậu thuẫn là Tổng công ty thương mại Hà Nội đã mời các nghệ nhân giỏi nghề gốm về dạy cho con em tại Chu Đậu. Đến năm 2001, lửa gốm Chu Đậu được khơi lại, mặc dầu lò gốm đầu tiên sản phẩm không được là bao.

Việc phát hiện gốm cổ Chu Đậu trong 5 con tàu cổ đắm tại Việt Nam, nhất là con tàu đắm ở vùng biển cù lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) đã thu được gần 40 vạn sản phẩm gốm cổ quý và đẹp, là bằng chứng tài hoa của ông cha xưa. Ngày nay đến Chu Đậu, khách hàng được chứng kiến một cơ ngơi khang trang: có nhà trưng bày hàng nghìn mẫu mã gốm cổ phục nguyên, có xưởng sản xuất với 2 lò sản xuất và 2 lò thí nghiệm với 200 thợ trẻ, họ chính là con em của người dân Chu Đậu.

Các nhà sưu tầm cổ vật Pháp thăm xí nghiệp

Gốm Chu Đậu ngày nay kế thừa tinh hoa văn hoá cha ông để lại, sản xuất theo dây chuyền hợp lý, với kỹ thuật phục nguyên nhiều màu sắc cổ kết hợp với những kiểu dáng men mới, hoa văn họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng, tuy vậy mầu men vẫn còn tiếp tục được nghiên cứu. Sản phẩm gốm Chu Đậu đã đạt tiêu chí “sáng như gương, mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”.

Ông Nguyễn Văn Lưu giờ là Giám đốc xí nghiệp gốm Chu Đậu, nhiệm vụ khơi lửa gốm của ông đã làm tròn, nhưng vẫn chưa kết thúc. Ông vẫn đang lo bởi mỗi tháng ông mới xuất được 4 container, mặc dù sản lượng năm 2006 đã tăng hai lần so với năm 2005 nhưng chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu xuất khẩu. Để tăng lượng hàng xuất khẩu, ông đang xây dựng ở khu vực Chí Linh một khu nhà 4000m2 để thao diễn sản xuất và bán hàng cho khách du lịch tại Quảng Ninh. Sản phẩm gốm Chu Đậu đang tìm lại chỗ đứng xứng đáng trên thị trường trong và ngoài nước.

(Báo Ảnh VN)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm