A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 255 năm Ngày sinh anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ

Ngày 8-6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Ðịnh và UBND huyện Tây Sơn tổ chức kỷ niệm 255 năm Ngày sinh của vua Quang Trung (1753 - 2008). Ðây cũng là buổi lễ được tổ chức hằng năm vào ngày 5-5 âm lịch tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Ðịnh).



Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung
tại tỉnh Bình Định

Ôn lại trang sử của triều đại Tây Sơn, người dân Bình Ðịnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung rất đỗi tự hào về "Tây Sơn tam kiệt", về người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ văn võ song toàn đã có nhiều công tích với nước, với dân.

Nói đến Quang Trung- Nguyễn Huệ là nói đến một thiên tài quân sự của Việt Nam. Dưới sự chỉ huy của ông, đội quân Tây Sơn chủ yếu xuất thân áo vải đã lập nên những chiến công vang dội ở Quy Nhơn, Phú Yên, Phú Xuân, Rạch Gầm - Xoài Mút... mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða lịch sử, đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, thống nhất đất nước. Nói đến Quang Trung - Nguyễn Huệ là nói đến một vị minh quân, với tấm lòng "chiêu hiền đãi sĩ", chú trọng thu phục nhân tài, do vậy  được nhiều danh sĩ ra giúp sức, tiêu biểu như La Sơn Phu Tử, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích...
 
Chiếu lên ngôi của Quang Trung, với lời tuyên bố làm nức lòng dân chúng: "Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người. Trẫm nay cùng dân canh tân" đã cho thấy ý tưởng xây dựng một triều đại chăm lo cho dân, gần gũi với dân.
 
Ông thi hành nhiều chính sách tiến bộ so với lịch sử lúc bấy giờ. Chiếu khuyến nông thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua hai biện pháp chủ yếu là đưa nông dân phiêu tán trở về sản xuất và giải quyết tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang. Thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống lúc bấy giờ được khuyến khích phát triển. Quang Trung còn có Chiếu khuyến học, coi dựng nước phải lấy việc học làm đầu, cầu trị phải lấy nhân tài làm gốc, đưa chữ Nôm lên địa vị văn tự chính thức của nước nhà. Trị nước, Quang Trung đưa ra Chiếu cầu lời nói thẳng, coi việc lấy dân làm gốc là cơ bản, nghiêm minh, mong thần dân trong ngoài khuyên bảo để nhà vua có được đức hạnh tốt, được nghe những lời nói thẳng.
 
Nhiều năm qua, hàng chục cuốn sách nghiên cứu về phong trào Tây Sơn, về người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được xuất bản và phát hành tại Bình Ðịnh và trong cả nước.
 
Bảo tàng Quang Trung tại đây cũng đã trải qua một chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển về mọi mặt. Từ một di tích Ðiện thờ Tây Sơn tam kiệt đã trở thành Bảo tàng Quang Trung khang trang, gồm khu Ðiện thờ Tây Sơn, hệ thống nhà trưng bày, nhà diễn võ, nhà rông Tây Nguyên, tượng đài Vua Quang Trung; và nhiều hạng mục tiếp tục được xây dựng trong một cảnh quan xanh sạch đẹp, để giới thiệu cho khách du lịch, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan, học tập.
 
Sắp tới, Lễ hội (Festival) Tây Sơn - Bình Ðịnh 2008 được tổ chức từ ngày 1-8 đến 3-8 tại TP Quy Nhơn và các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước của tỉnh Bình Ðịnh. Festival được tổ chức với chủ đề Hội tụ và phát triển, là lễ hội văn hóa du lịch có quy mô lớn, mang đậm bản sắc dân tộc.
 
Nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc phản ánh các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại sẽ được trình diễn nhằm giới thiệu các tinh hoa độc đáo của vùng đất "địa linh nhân kiệt", vùng phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn. Du khách sẽ có dịp được ôn lại nghĩa khí Tây Sơn hào hùng một thuở và bày tỏ tấm lòng thành kính đối với Anh hùng dân tộc Quang Trung.

Nguyễn Văn Ngọc
(Nhân dân)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm