A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lưu giữ ký ức bờ xe nước

Bờ xe nước sông Trà từng được coi là biểu tượng của sản xuất nông nghiệp Quảng Ngãi. Công trình này không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Quảng trong việc “dẫn thủy nhập điền” mà còn đi vào nhiều tác phẩm thơ ca.

 Ông Nguyễn Hạn là một trong số ít những nghệ nhân còn gắn bó với nghề làm bờ xe nước. Ảnh: N.Đ

Với tâm nguyện lưu giữ và bảo tồn công trình nổi tiếng một thời, ông Nguyễn Hạn, ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), một trong rất ít những người còn nắm giữ bí quyết làm bờ xe nước, đã dày công tái hiện lại bờ xe nước, để nhắc nhớ về ký ức xưa.

Nhớ bờ xe nước...

Sinh ra và lớn lên bên bờ sông Trà và trong gia đình có truyền thống làm bờ xe nước, nên trong ký ức của ông, bờ xe nước quen thuộc như hơi thở. “Ngày trước, đêm đêm, giữa không gian vắng lặng, tĩnh mịch, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ say, từ đầu làng đến cuối làng chỉ còn lại âm thanh ầm ì, lắc cắc, rào rạo... của những bờ xe nước gõ đều vào không gian nghe xốn xang cả một vùng quê”, ông Hạn nhớ lại.

Giờ đây, mỗi khi nhắc đến bờ xe nước, thì những ngày tháng hưng thịnh của “công trình thế kỷ” này trở về nguyên vẹn từ miền ký ức xưa trong ông Hạn. Ông Hạn kể rằng: Thời xưa, để làm được bờ xe nước chín hoặc mười bánh, mỗi bánh xe có đường kính khoảng 8m, tưới cho khoảng 70ha phải mất hàng nghìn cây tre và vô số dây rừng. Chính vì vậy, để hoàn thiện một bờ xe nước nhiều người thợ trong làng phải mất vài tháng trời để chuẩn bị vật liệu và làm các công đoạn.
“Thời gian hoạt động nghề bờ xe nước từ tháng mười một âm lịch. Bắt đầu bằng việc dựng giàn, xuống chống, làm bánh xe, gắn máng nước, tu bổ mương dẫn. Đến hết tháng hai, thợ được lệnh của ông trùm xe (người chỉ huy) cho đấu xe chạy thử đưa nước lên đồng. Kết thúc tháo dỡ toàn bộ vào đầu tháng tám, trước mùa lũ lụt”, ông Hạn cho hay.

Rồi cái thời hưng thịnh ấy cũng trôi qua. Công trình thủy lợi Thạch Nham được xây dựng đã chấm dứt vai trò lịch sử của bờ xe nước. Ông Hạn cũng như những người con Quảng Ngãi cảm thấy hụt hẫng, vì mất đi một hình ảnh gắn liền với tuổi thơ. Nhìn dòng nước sông Trà lững lờ trôi trong chiều muộn, ông Hạn chép miệng: “Bây giờ có nước Thạch Nham, có hệ thống kênh mương đưa nước về tận ruộng đồng, tôi cũng như mọi người ai cũng vui, nhưng vắng bờ xe mà nhiều đời từng gắn bó thì cũng tiếc và nhớ những âm thanh ầm ì, rào rạo của bờ xe nước”.

Tái hiện công trình "dẫn thủy nhập điền"

Cũng chính vì nhớ âm thanh của những ngày tháng cũ, mà cụ ông đã 76 tuổi này quyết tâm lưu giữ nghề làm bờ xe nước và lặng lẽ dày công phục dựng công trình ký ức một thời. Và hiện tại, không chỉ khách hàng trên địa bàn Quảng Ngãi mà nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch... ở một số tỉnh khác cũng tìm đến ông, để đặt mua mang về trưng bày với số lượng lớn.

Dù chỉ là mô hình mô phỏng, nhưng theo ông Hạn, do các công đoạn buộc phải thủ công, nên thời gian hoàn thiện một bờ xe nước tốn rất nhiều thời gian, từ vài tuần đến vài tháng, tùy theo số lượng bánh xe nước nhiều hay ít. Thay vì dùng dây mây rừng, dây lạt như ông cha thuở xưa thì giờ ông Hạn dùng dây dừa, cước để kết các chi tiết bằng tre của bánh xe nước lại với nhau, rồi phủ thêm lớp sơn bên ngoài, nhằm tăng tuổi thọ sản phẩm. “Công đoạn khó nhất khi làm một bánh xe nước là làm bánh cho cân bằng để khi vận hành không bị lỗi, quay vòng trơn tru. Nếu sai kỹ thuật thì các bánh xe nước sẽ không thể hoạt động được”, ông Hạn chia sẻ.

Một mai có còn?

Đối với ông Hạn, làm nghề này không chỉ là mưu sinh, mà còn giúp ông được sống lại không khí của thời tuổi thơ. “Tôi thường tâm sự với thế hệ con cháu rằng, đây là cái nghề không chỉ giúp tôi kiếm nguồn thu nhập lúc tuổi xế chiều, mà nó còn mang cả cái hồn, ký ức của cha ông để lại”, ông Hạn bày tỏ.

Hiện nay, nỗi lo lớn nhất khiến ông luôn suy nghĩ là nghề làm bánh xe nước sẽ thất truyền khi không có người kế tục. Nhưng gác lại những trăn trở ấy, với ông, niềm vui lớn nhất bây giờ là dồn hết tình cảm vào những thớ tre, làm ra những sản phẩm có hồn hơn để người đời được chiêm ngưỡng, để những giá trị truyền thống mãi trường tồn theo năm tháng, minh chứng cho những ký ức đẹp, kỳ tích đầy sáng tạo, tự hào của người dân đất Quảng.


Ngọc Đức/ Báo Quảng Ngãi


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu