A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điệu xòe Tà Chải - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Người Bắc Hà vốn giàu lòng mến khách, lại thêm truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đã giúp Bắc Hà trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn. Nói đến du lịch văn hóa Bắc Hà, phải nhắc tới vùng văn hóa đồng bào Tày, xã Tà Chải nổi tiếng với những điệu xòe sôi động, đắm say lòng người.

Xòe Tà Chải có từ rất lâu đời, từ khoảng thế kỷ XVIII, được phát triển lên từ phần hội của các nghi lễ truyền thống. Nghệ thuật xòe (múa), tiếng Tày gọi là "the", có từ lâu đời và đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa quan trọng bậc nhất của cộng đồng người Tày và của vùng đất Bắc Hà trong các lễ hội.

Đắm say điệu xòe Tà Chải

Trên mảnh đất cao nguyên Bắc Hà, câu chuyện về điệu xòe (the) như dòng nước ngầm chảy trong lòng đất. Đời trước truyền lại đời sau, người già kể cho người trẻ, rằng xòe Tà Chải gắn liền với vị chúa đất vùng này cách đây cả thế kỷ là Hoàng Yến Chao (cha của Hoàng A Tưởng), bởi ông rất quan tâm đến xòe. Khi xây dựng dinh thự Hoàng A Tưởng - mà chính xác phải gọi là lâu đài theo kiến trúc Tây Âu - khởi công năm 1914, hoàn thành năm 1921, ông đã cho thiết kế ở khoảng giữa của dinh thự một sân rộng làm sân xòe. Khi người Pháp lên xây dựng những đội xòe cho dinh Hoàng A Tưởng, họ đã vô tình mang theo những nhịp của điệu Valse vào xòe. Cũng từ đây, xòe Tà Chải được cải biên thêm những nét mới của văn hóa Pháp. Sự giao thoa giữa văn hóa Á - Âu đã khiến những vòng xòe thêm mềm mại, sinh động, vừa có nét phóng khoáng, dân dã của đồng bào vùng cao, vừa có chút nhẹ nhàng, lãng mạn của điệu Valse cổ điển. Đó là điểm làm nên sự đặc biệt của xòe Tà Chải so với xòe ở những nơi khác.

Người Bắc Hà có câu “Muốn uống rượu ngon thì về Bản Phố. Muốn ăn thắng cố ngon đi chợ Bắc Hà. Muốn xem xòe đẹp thì về Tà Chải”. Hội xòe Tà Chải được tổ chức đều đặn vào các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, lễ hội lồng tồng (xuống đồng), lễ cúng rừng, lễ cơm mới…, để cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà, mọi người dồi dào sức khỏe. Ở Tà Chải, từ người già đến trẻ em, ai cũng biết vài điệu xòe.

Vòng xòe luôn là "linh hồn" trong các đêm hội của người Tày ở Bắc Hà. Ban đầu, những điệu xòe ra đời gắn liền với đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào vùng cao. Những điệu xòe truyền thống như phật khẩu, the khăn, the chụp... đều là những nhịp xòe phản ánh muôn mặt cuộc sống, được phác họa, mô phỏng bằng những động tác và nhịp điệu. Do vậy, xòe Tà Chải gần gũi và bình dị, nhưng có sức sống lạ thường.

Theo tài liệu nghiên cứu, sưu tầm của các nghệ nhân và ngành chức năng, xòe Tà Chải có 12 điệu, gồm 6 điệu xòe có nhạc đệm trống, chiêng và 6 điệu xòe nhạc đệm kèn, trống. Các điệu xòe có đệm trống, chiêng là tổ hợp của pa nhăm pa (bước dẫm bước), the hiếng hua (nghiêng đầu vai), tặp lăng (đập lưng), nhăm pa (dẫm bước), rộp bưng (dậm sàn), phật khẩu (đập lúa). Các điệu xòe có nhạc đệm kèn, trống là tổ hợp của the tối (xòe đôi), the xí căn (xòe bốn người), the mò pi-a (xòe mò cá), the khăn (xòe khăn), the chúp (xòe nón), the cơ (xòe cờ). Người già ở Tà Chải vẫn thường bảo con cháu rằng: “Không thạo các điệu xòe cổ thì không xòe đúng và đẹp các điệu xòe khác”.

Theo thời gian, người Tày nơi đây lại tiếp tục cho ra đời những điệu xòe mới, như xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè, xòe mời rượu... Sự ra đời của các điệu xòe mới làm cho kho tàng nghệ thuật xòe ngày càng thêm phong phú.

Trong các kiểu xòe thì điệu xòe vòng là thông dụng nhất. Đội hình xòe xếp thành hình vòng tròn, một vài chục người thì một vòng xòe, hàng trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong, vòng ngoài, tay trong tay, chân người nọ dịch bước theo chân người kia say sưa theo nhịp trống, chiêng lúc bổng, lúc trầm và có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, sự rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người tự nhiên nhún bước theo vòng xòe, xòe vòng tập thể có khả năng ứng biến linh hoạt thành nhiều điệu xòe khác nhau.

Bên cạnh các điệu xòe, nhiều sản phẩm cũng được tạo ra từ quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật xòe như các đạo cụ xòe (khăn xòe, quạt xòe, nón xòe, lá xòe), nhạc cụ xòe (trống, chiêng, chũm chọe, kèn pí lè, đàn tính tẩu), trang phục và âm nhạc xòe... Trong đó, nhạc xòe chính là linh hồn của các điệu xòe truyền thống của người Tày Tà Chải.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật xòe

Xòe Tà Chải là sự kế thừa và phát huy của bao thế hệ, đời ông cha đi trước truyền lại cho đời con cháu theo sau những làn điệu xòe truyền thống, giữ gìn hồn sắc dân tộc Tày nơi đây. Tiếng kèn, tiếng trống của cha ông như nhịp ru những đứa trẻ từ vành nôi, lớn lên đôi chút, đứa trẻ được ngắm nhìn điệu xòe của bà, của mẹ. Cứ như vậy, vòng xòe của người Tày càng ngày càng rộng hơn, bởi thêm nhịp điệu, vòng tay của những thế hệ trẻ đang tiếp bước những điệu xòe truyền thống.

Hiện nay, xã Tà Chải có 5 đội xòe ở 5 thôn (Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lang, Na Lo, Na Hô), mỗi đội từ 10 - 15 người. Theo các nghệ nhân, việc học xòe không khó, nhưng để học được, chữ “tâm” còn được coi trọng hơn chữ “tài” rất nhiều lần. Bởi lẽ, chỉ có tài không chưa đủ, phải có tình yêu, nhiệt huyết với xòe mới có thể theo đuổi dài lâu. Đây cũng chính là điều khó khăn nhất trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xòe của người Tày Tà Chải.

Với mục đích tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây, từ năm 2012, các cấp, ngành địa phương đã phối hợp, nghiên cứu, khảo sát về nghệ thuật xòe (the) của người Tày Tà Chải. Và niềm vui đã đến với đồng bào Tày vùng cao nguyên Bắc Hà khi nghệ thuật xòe của người Tày Tà Chải đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 3/2015. Với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, giá trị của nghệ thuật xòe của người Tày Tà Chải được nâng lên một nấc thang mới, không chỉ dừng lại đơn thuần là món ăn tinh thần truyền thống bao đời của đồng bào nơi đây, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, là nét đẹp gọi mời du khách gần xa đến với Tà Chải để được đắm say trong những điệu xòe.

Mỗi dịp lễ hội, các chàng trai lại cùng nhau đua tài trong điệu múa lăn, các cô gái khoe sắc với làn điệu then mượt mà, để rồi tất cả cùng tay trong tay trong điệu xoè cầu phúc cho bản làng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.

Âm thanh của cây tính, của điệu hát then, của những đêm xoè rạo rực ấy như dòng suối chảy mãi từ năm này sang năm khác, từ mùa lúa này tới mùa lúa khác và từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó trường tồn cùng thời gian và như một biểu tượng của hồn dân ca dân vũ của người Tày.

Kim Ngân (tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu