A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ché gỗ ở nhà làng

Với đồng bào miền núi, ché rượu cần là một loại tài sản quý. Những gia đình khá giả luôn có một vài bộ ché lớn nhỏ khác nhau được cất giữ cẩn thận trong nhà. Chiếc ché cổ quý giá và văn hóa rượu cần là chất men gây xúc cảm nghệ thuật để hình thành những tác phẩm khá độc đáo ở làng: ché gỗ.

Phù điêu đôi trai gái uống rượu cần

Cùng với trâu, bò, cồng chiêng, đồ trang sức, ché cũng là thước đo của sự giàu có của mỗi gia đình. Người ta sắm ché chẳng những để ủ rượu cần mà để dành như vật gia bảo, có thể làm sính lễ trong cưới hỏi, đền bù khi xử phạt, thanh toán nợ nần, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân, sui gia...

Với nhiều tộc người, ché là hiện vật rất linh thiêng, nơi trú ngụ của các vị thần linh. Ché càng cổ xưa càng quý giá. Nhiều nhà sở hữu các loại ché cổ được làm ra cách đây vài trăm năm. Các loại ché có màu men đẹp, lạ, có hoa văn rồng và hoa văn hình học, hoa lá được đồng bào rất ưa thích. Ché còn có nhiều kiểu dáng cao thấp, to nhỏ, tròn dài khác nhau. Hoa văn, kiểu dáng của chiếc ché cùng với những quan niệm ẩn sâu trong tâm linh, tiềm thức về vật dụng giá trị này nên đồng bào đã dành cho nó một vị trí khá nổi trội ở ngôi nhà làng truyền thống.

Mỗi dịp lễ hội, người ta đến đây chung vui, thưởng thức hương vị rượu cần, sau khi đã ngấm men say, họ thi nhau diễn tấu cồng chiêng, đánh trống, nhảy điệu tâng tung, hát ca trong không khí ấm cúng của tình làng. Dưới mái nhà làng họ còn được mãn nhãn bởi những tác phẩm điêu khắc gỗ do chính các nghệ nhân trong làng sáng tạo ra. Điều thú vị là những tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ dân gian gửi gắm nơi nhà làng thì chủ đề về rượu cần lại chiếm một ưu thế về số lượng và phong cách thể hiện. Chiếc ché cổ quý giá và văn hóa rượu cần là chất men gây xúc cảm nghệ thuật để hình thành nên những tác phẩm khá độc đáo.

Nghệ nhân Cơ Tu đi tìm những loại gỗ quý, nước gỗ đẹp rồi đục đẽo thành chiếc ché bằng gỗ. Nếu chiếc ché được làm bằng gốm sứ là sáng tạo của người Kinh thì ché gỗ là một tác phẩm mang dấu ấn của tộc người miền núi. Nghệ nhân Y Kông tạo nên một bộ sưu tập ché gỗ khá độc đáo để trang trí cho ngôi nhà làng ở thôn Tống Cói. Từ những khúc gỗ thô mộc qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân biến thành những chiếc ché có nắp với màu sắc, hoa văn trang trí đa dạng giống như chiếc ché màu men lam của người Kinh. Những phù điêu sinh hoạt lễ hội, cảnh uống rượu cần thường là đề tài hấp dẫn nhất mà nghệ nhân dày công khắc họa để làm đẹp cho công trình kiến trúc nhà làng truyền thống ở huyện Tây Giang.

Gươl làng Ka Noonh ở xã A Xan là nơi có nhiều tác phẩm điêu khắc ấn tượng nhất bởi nơi đây nghệ nhân Ker Tíc đã dành hết tâm huyết, tài năng của mình để sáng tạo những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, trong đó phải kể đến bức phù điêu Uống rượu cần. Bức phù điêu này được khắc trên tấm ván thưng miêu tả 6 người đang vít cần uống rượu một cách mê say. Những chiếc cần cong tạo hình đẹp mắt. Hai chiếc ché thể hiện trong phù điêu đều trang trí những hoạ tiết rất bắt mắt. Bức phù điêu trông tựa bức tranh sơn dầu với gam màu trầm lắng, nét chạm khắc đơn sơ, mộc mạc, nét vẽ bay bổng, nhẹ nhàng mang tính cách điệu rất cao - một thủ pháp nghệ thuật thường thấy ở các tộc người miền núi. Ai đến đây cũng phải thán phục, trầm trồ trước di sản tạo hình của làng và của chính nghệ nhân tài hoa này. Bức phù điêu Uống rượu cần và những bức tượng, bức tranh khác ở nhà làng vùng cao của đồng bào Cơ Tu xứng đáng được sao chép, phục chế hoặc mời chính tác giả của nó tạo tác lại để trưng bày, lưu giữ tại các bảo tàng, nhất là bảo tàng mỹ thuật.

Hay như nhà làng xã Lăng, huyện Tây Giang, bên cạnh các bức phù điêu, tranh vẽ đẹp mắt, nghệ nhân còn sáng tạo bức tượng Chim cú vọ đậu trên ché rượu cần. Chiếc ché gỗ đó thực ra là đầu của một chiếc cột liên kết chịu lực, nhằm giữ cho ngôi nhà vững chắc nhưng lại là nơi bố trí tác phẩm tạo hình để làm mềm hóa cấu kiện, vật liệu kiến trúc. Đây là tác phẩm khá độc đáo giống với mô típ điêu khắc gỗ Voi đứng trên ché rượu cần, Chim công đứng trên nồi đồng... mà người Mnông tạo ra để trang trí nơi nhà mồ.

Trang trí trên vật dụng là một loại hình mỹ thuật rất phổ biến ở các tộc người miền núi nói chung, người Cơ Tu nói riêng. Chiếc gùi, cái khiên, cánh ná hay thân cối đều có hoa văn trang trí riêng biệt. Chiếc ché gỗ là vật dụng được chế tác để trang trí trong nhà làng truyền thống nên càng chứa đựng nhiều yếu tố mỹ thuật. Ché rượu cần bằng gỗ là loại hình lục bình được sáng tạo rất kỳ công, do các nghệ nhân có tay nghề cao thực hiện. Chủ đề trang trí trên ché gỗ thường là hoa văn hình tam giác, hoa văn sóng nước và các hình ảnh minh họa như nhà sàn, giã gạo, đi săn, con trâu, cây cỏ, hoa lá... Do đó, nếu chiếc ché cổ là tài sản quý thì những chiếc ché bằng gỗ có hoa văn, kiểu dáng đẹp mắt cũng là hiện vật được bà con rất ưa chuộng.

Ngày nay, người miền núi vẫn còn thích dùng rượu cần vì đó là thức uống gắn với truyền thống ẩm thực của họ. Các loại ché xưa là tài sản quý của mỗi gia đình được truyền qua nhiều thế hệ. Người miền núi đã sản sinh ra văn hóa rượu cần với những biểu hiện khá sinh động, đó là các tập tục, ứng xử của cá nhân, cộng đồng cùng nhau chia sẻ chất men say nồng ấm trong mùa lễ hội “ăn năm uống tháng”. Đặc biệt hơn, văn hóa rượu cần còn được thể hiện rõ nét trong di sản nghệ thuật tạo hình với những bức tượng, bức phù điêu, tranh vẽ mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người. Những tác phẩm tạo hình liên quan đến sinh hoạt, văn hóa rượu cần từ lâu đã làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống, mang hương vị, hơi thở và sức sống cho những người con của núi rừng.

Tấn Vinh (LVO)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu