A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị độc bản và ý nghĩa 3 Bảo vật Quốc gia của Bắc Ninh

Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2090/QĐ-TTg công nhận 24 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Tỉnh Bắc Ninh vinh dự có thêm 3 Bảo vật Quốc gia gồm: Hệ thống tượng Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu (Thuận Thành); Bộ tượng 10 linh thú chùa Phật Tích (Tiên Du) và Cột đá chạm Rồng chùa Dạm (thành phố Bắc Ninh). Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc về giá trị độc bản và ý nghĩa khái quát của các nhóm Bảo vật này.

Hệ thống tượng Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu

Hệ thống tượng Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Các pho tượng thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, tư thế tọa thiền trên tòa sen và đều có cấu trúc tổng thể gồm hai phần: Phần tượng và phần bệ tượng nhưng là một thể thống nhất, cả hai hợp lại mới tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Cả 4 pho tượng Tứ Pháp đều được tạo tác vào thế kỉ XVIII bằng chất liệu gỗ có sơn phủ và đang được lưu giữ tại hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp ở huyện Thuận Thành là: Chùa Dâu, chùa Tướng thuộc xã Thanh Khương và chùa Dàn thuộc xã Trí Quả. 

Tượng Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu 

Về mặt nghệ thuật, cách tạo tượng Tứ Pháp giống với dòng tượng Ấn Độ - Khơ Me. Nghệ thuật tạo tượng vẫn bảo lưu đậm nét cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy được các nhà sư Ấn Độ đưa sang. Đó là, 4 tượng Tứ Pháp đều cởi trần, quấn xà rông, nhân tướng theo kiểu Ấn Độ, mũi cao, lõ… Tuy nhiên, thân hình là Phật mẫu nên mang vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ, rất đặc biệt và độc đáo. Đây là một sản phẩm nghệ thuật Phật giáo mang màu sắc Việt Nam.

Hệ thống tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu là những hiện vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Việc nghiên cứu hệ thống tượng Tứ Pháp không chỉ giúp hiểu biết về cội nguồn lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn cho thấy rõ hơn nguồn gốc, quá trình phát triển của Phật giáo Đông Nam Á. Bởi, trong lịch sử hình thành, khu vực Dâu - Luy Lâu được các nhà nghiên cứu đánh giá là trung tâm Phật giáo xuất hiện sớm nhất trong 3 trung tâm Phật giáo khởi thủy ở Đông Á và Đông Nam Á là: Luy Lâu (Việt Nam), Bành Thành và Lạc Dương (Trung Quốc). Điều đáng nói, khai sinh ra trung tâm Phật giáo Luy Lâu không phải bắt nguồn từ đất nước Trung Hoa mà lại bắt nguồn và mang đậm dấu ấn của Phật giáo Ấn Độ.

Bộ tượng 10 linh thú chùa Phật Tích

Hệ thống tượng linh thú chùa Phật Tích là các tác phẩm điêu khắc đá có nghệ thuật tạo hình độc đáo bậc nhất nước ta. Tượng 10 linh thú gồm 5 cặp: Ngựa, Tê giác, Trâu, Voi, Sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tiền đường thuộc cấp nền thứ ba trong tổng thể năm cấp nền. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng khối đá nguyên nhưng các chi tiết: Tai, đuôi, sừng… đều được chắp nhờ những lỗ mộng. Các tác phẩm đều được tạo tác từ một khối đá liền, duy có tượng Trâu dãy bên phải được ghép từ 2 khối đá. Các tác phẩm có cùng khung niên đại với nhau, được tạo tác vào thế kỉ thứ XI cùng thời điểm xây dựng chùa.

5 cặp tượng đều được làm bằng chất liệu đá sa thạch (loại đá cát), có màu ghi xám. Tượng thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, được bài trí tôn tượng ở không gian ngoài trời, kích thước tương đối lớn. Hiện tại, về cơ bản các tượng đều còn tương đối nguyên vẹn, chỉ vỡ nhỏ ở các rìa cạnh phần đế bệ, bề mặt tượng đã bị phong hóa, bào mòn. Riêng tượng Voi ở dãy bên phải bị gãy vòi và tượng Trâu ở dãy bên trái bị vỡ nửa mặt.

Về nghệ thuật, các nghệ nhân xưa không quá dụng công vào việc đặc tả chi tiết mà thiên về các mảng khối lớn, chắc, khỏe theo xu hướng tả thực, sinh động, toát lên vẻ vui hòa, an nhiên theo đúng tinh thần Phật giáo. Về chủ đề sáng tác cũng rất độc đáo, đều là những con vật có thực trong cuộc sống. Trong đó có những con vật rất đỗi quen thuộc với cuộc sống của người dân Việt Nam như: Trâu, Ngựa, Voi.

Tượng 10 linh thú chùa Phật Tích mang ý nghĩa nghệ thuật và giá trị tiêu biểu: Thứ nhất, hệ thống tượng thú đá này kết hợp với các tác phẩm điêu khắc đá cùng thời (tượng A Di Đà, tượng Kinnari - đầu người mình chim, điêu khắc rồng tại ao rồng…) tạo nên mỹ quan không gian chùa với vẻ đẹp cổ kính, nét độc đáo riêng biệt, hiếm ngôi chùa nào có được. Thứ hai, bảo vật cho thấy sự phong phú, đa dạng về đề tài cũng như chủ đề sáng tác đối với mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng, lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam nói chung. Thứ ba, việc giải mã ý nghĩa biểu tượng của hệ thống tượng linh thú này gắn với thuyết “vật linh” của Phật giáo cho thấy nét đặc trưng tư tưởng triết học Phật giáo - phổ độ chúng sinh, giác ngộ muôn loài.

Cột đá chạm Rồng chùa Dạm

Cột đá chùa Dạm được xây dựng vào thế kỉ XI, được coi là một trong những hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay, Bảo vật đang được đặt tại cấp nền thứ hai bên trái của chùa Dạm. 

Cột đá chùa Dạm cao hơn 5m, nặng trên 40 tấn gồm 2 phần: phần cột và phần bệ đá 2 cấp cao 0,80m. Phần cột được chia thành 3 phần. Phần dưới là khối hộp vuông 1,35m x 1,60m có những vết đục nhám thô phác. Trụ tròn phía trên có đường kính 1,35m được chạm nổi đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu” với những hoa văn vô cùng tinh xảo. Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau, uốn quanh thân cột, đầu rồng nhô cao chầu nhau. Toàn thân rồng có vẩy khép, uốn lượn nhịp nhàng, mềm mại. Chân rồng có 5 móng, cong và nhọn sắc như móng chim, chân trước dâng viên ngọc sáng. Ngoài đôi rồng, người thợ còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để “trám” vào những chỗ trống cho thêm phần hài hòa, sinh động. Hình tượng đôi rồng chính là điểm nhấn của phần thân cột đá, và cũng là nét đặc trưng mỹ thuật thời Lý. Phần trên cùng có những lỗ mộng (có thể các lỗ mộng này sẽ đảm bảo cho vấn đề chịu lực của hệ thống dầm cho hệ thống công trình phía trên đỉnh cột mà nay đã mất đi).

Cột đá chùa Dạm là bảo vật Quốc gia có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học. Suốt nhiều năm qua, vấn đề giải mã ý nghĩa biểu tượng cột đá này đã diễn ra sôi nổi và trong số các giả thuyết đưa ra thì có 2 giả thuyết chủ yếu là: Thứ nhất, coi cột đá chùa Dạm là một chiếc linga (dương vật) mang tinh thần của tín ngưỡng phồn thực của người Việt trong sự giao thoa với văn hóa Champa-Ấn Độ; Thứ hai, coi cột đá chùa Dạm là một phế tích còn lại của kiến trúc Liên hoa đài chùa Dạm. Thế nhưng, trước nhất phải khẳng định đây là một tuyệt tác của mỹ thuật thời Lý mà đến nay còn lưu giữ được. Vì vậy, việc nghiên cứu cột đá chùa Dạm dưới góc độ mỹ thuật sẽ cho ta hiểu được sâu sắc nghệ thuật Phật giáo thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.

Việt Thanh/ Báo Bắc Ninh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu