A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tranh lụa Việt khẳng định sức sống

Với nhiều tác phẩm được bán với giá “khủng” trên trường quốc tế cùng với một số triển lãm được tổ chức ở nước ngoài thời gian gần đây, tranh lụa Việt Nam khẳng định được giá trị và sức sống lâu bền trong dòng chảy mỹ thuật nước nhà cũng như khẳng định “thương hiệu” với thế giới.

Cùng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc; Việt Nam có nghệ thuật tranh lụa từ nhiều thế kỷ trước. Hiện nay, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ nhiều bức tranh lụa cổ là các bức chân dung Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Đình Kiên, Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích... từ thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, tranh lụa hiện đại Việt Nam chính thức ra đời và đánh dấu sự khác biệt giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ và tranh lụa hiện đại.

 Tranh “Người bán ốc” của danh họa Nguyễn Phan Chánh được bán với giá cao tại Hồng Kông

Tới nay, người yêu mỹ thuật Việt Nam biết đến nhiều bức tranh lụa nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh như Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao, Buổi sớm ra đồng, Chơi chim... Ngoài ra, họa sĩ Trần Văn Cẩn có bức tranh lụa rất nổi tiếng là Hai thiếu nữ trước bình phong, họa sĩ Nguyễn Thụ được biết đến qua tranh lụa Mưa, Mùa đông, Ghé qua bản, Dệt vải... Bên cạnh đó, nhiều bức tranh lụa như Chiều trên đảo Hòn Tre (họa sĩ Lương Xuân Đoàn), Làm cỏ lúa Xuân (Lê Anh Vân), Mẹ con Tây Nguyên (Trần Huy Oánh), Cô gái (Nguyễn Thị Kim Thái), Hoa trái quê hương (Kim Bạch), Khiêu vũ (Đào Minh Tri)… cũng từng được biết đến là những tác phẩm hội họa trên lụa xuất sắc trong nền mỹ thuật Việt.

Tranh lụa Việt phát triển thịnh vượng và thăng hoa từ những năm 30 đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng sau đó bỗng lắng xuống do không còn nhiều họa sĩ theo đuổi dòng tranh này. Từ đó, không ít người lo ngại tranh lụa Việt sẽ chìm vào dĩ vãng. Tuy nhiên, việc nhiều tác phẩm được đấu giá và bán với giá cao trên trường quốc tế gần đây, đồng thời một số triển lãm tranh lụa của các họa sĩ Việt ở nước ngoài đã giúp dòng tranh này hồi sinh và khẳng định được sức sống mãnh liệt.

Cách đây không lâu tại Pa-ri (Pháp), nhà đấu giá Aguttes tổ chức đấu giá thành công bức tranh lụa Thôn nữ Bắc kỳ của họa sư Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ. Từ mức khởi điểm 35.000 Euro, bức tranh nhanh chóng tăng giá mạnh qua các lượt đấu để rồi được chốt ở mức giá 205.000 euro (tương đương 5,9 tỷ đồng). Bất ngờ nữa, thời gian đấu giá chỉ trong vòng 9 phút. Thôn nữ Bắc kỳ xuất hiện và được đưa ra đấu giá tại Pháp vừa qua là một sự kiện lớn vì đây là lần đầu tác phẩm lụa màu này xuất hiện trước công chúng và cho thấy sự tài hoa trong bút pháp của bậc thầy tranh lụa. Ngoài ra, trong phiên đấu giá của Aguttes, bức mực nho và màu trên lụa Thiếu nữ bên hoa hồng của họa sĩ Lê Phổ cũng được đấu giá với mức 160.000 Euro.

Đặc biệt, vừa qua tại phiên “Nghệ thuật Á châu thế kỷ 20” của Christie's Hong Kong diễn ra tại Hồng Kông, bức tranh lụa Em bé cho chim ăn và Người bán ốc của danh họa Nguyễn Phan Chánh được bán với giá cao nhất trong hàng loạt tác phẩm được đưa ra đấu giá. Theo đó, Em bé cho chim ăn được bán với giá 6.700.000 HKD (khoảng 854.000 USD), bức Người bán ốc được bán với giá cao không kém với 4.660.000 HKD (khoảng 600.000 USD). Theo nhà đấu giá Christie's Hong Kong, bức tranh lụa Em bé cho chim ăn là tác phẩm hội họa cao giá nhất của danh họa Nguyễn Phan Chánh trên sàn đấu quốc tế và là bức tranh cao giá thứ 4 của Việt Nam từ trước đến nay.

 Tháng 9-2017, lần đầu tại thành phố Oakland, bang California (Mỹ), Tổng Lãnh sự quán các nước ASEAN và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm tranh lụa nhằm giới thiệu dòng tranh độc đáo của đất nước hình chữ S, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Nhiều tác phẩm khắc họa thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao, nông thôn và miền núi với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong trẻo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Ngày mùa của Nguyễn Tiến Chung, Bến xe ngựa của Lê Thị Kim Bạch, Chuyển hàng lên vùng cao của Vi Kiến Minh, Dệt thảm của Lò An Quang, Làng trên sông của Trần Lưu Tuấn, Những cô gái Mông của Nguyễn Thùy Linh... đã chinh phục người xem.

 Bên cạnh đó, đề tài về cuộc sống đương đại cũng được phản ánh qua một số tác phẩm ấn tượng, như: Chân dung ánh sáng, Con công đang yêu (Vũ Đình Tuấn), Ngày anh đến (Lưu Chí Hiếu), Ngày hè ở biển (Trần Xuân Bình)... được công chúng quốc tế đánh giá cao. Trên chất liệu lụa truyền thống với sự óng mịn của tơ, những người nghệ sĩ Việt đã tìm tòi, sáng tạo nên sắc màu riêng cho lụa; kiệm màu, nhuần nhị mà vẫn bừng sáng vẻ tươi tắn của cảnh sắc và con người, giàu sức lay động.

Khôi Nguyên/ Báo Hải Phòng


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu