A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm quê

Tôi sinh ra ở miền Nam, nhưng lúc nào tâm tư tôi cũng đau đáu một nỗi niềm tìm về cội nguồn miền Bắc xa xôi của mình.

Theo lời cha tôi kể, quê nội tôi thuộc làng Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Năm 1942, khi còn là một thanh niên, vì thích ngao du đó đây, ông đã theo bạn bè vào miền Nam bằng con đường mộ phu trồng rừng cao su của người Pháp. Nhờ tờ giấy thông hành do chính quyền Pháp cấp, khi vô miền Nam, cha tôi lưu lạc qua các nước lân cận Campuchia, Lào để học nghề may.

Cũng vào thời điểm đó, mẹ tôi quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, thời con gái bà phụ buôn bán vải với một người lái buôn giầu có, đã theo chủ vô miền Nam và gặp cha tôi, hai người kết duyên. Lý do kinh tế nên ba mẹ tôi phải đi làm ăn xa, tôi được gởi cho bà vú nuôi chăm sóc, tuổi thơ tôi cũng ở nay đây mai đó, tùy theo hoàn cảnh làm ăn nơi ở của cha mẹ tôi.

Sau ngày thống nhất đất nước, hai miền Nam Bắc đã được thông thương, ba mẹ tôi lúc nào cũng mơ ước có dịp về Bắc “tìm quê”, nhưng vì điều kiện thời gian và lo kinh tế gia đình, mơ ước đó không sớm được thực hiện.

Thời gian trôi bẵng đi rất nhanh, năm mẹ tôi được 70 tuổi, bà đã ra đi vì cơn đau tim cấp tính. Nỗi buồn sâu thẳm khiến cha tôi càng mong được trở về thăm miền quê xưa tìm người ruột thịt.

Năm 2000, tuổi đã ngoài 80, nhưng sức khỏe cha tôi vẫn còn khá. Ông nói với tôi “Ba vào miền Nam chỉ có một thân một mình, họ nội chẳng có ai, và bao năm qua bặt âm tín về quê nhà, bây giờ còn sức khỏe, ba mong đưa con về tìm quê nội, lỡ khi ba có mất đi, thì con cũng còn có người thân”.

Tôi nghe vậy, chạnh lòng, không thể chần chừ gì nữa, phải thực hiện nhanh gấp chuyến đi tìm về quê hương Thạch Thất, Hà Tây quê cha đất tổ của mình.

Chuyến tàu năm ấy với vé giường nằm, cha con tôi đã đến Hà Nội bình an, khỏe khoắn sau 36 tiếng đồng hồ. Trời sắp tối, không còn xe khách đi về Sơn Tây, tôi nhờ một chú công an chỉ dẫn và tìm cho 2 chiếc xe ôm để chở chúng tôi về tận đến làng Đại Đồng với giá thoả thuận.

Sau nhiều giờ đi tàu lửa, lại tiếp tục đi một quãng đường hơn 30 km bằng xe gắn máy, xem ra cha tôi vẫn không mệt chút nào. Có lẽ lòng háo hức, niềm vui được trở về mảnh đất quê nhà thân yêu năm xưa mà ông đã xúc động quên cả sự mệt mỏi. Về tới cổng làng Đại Đồng, mọi nhà đã lên đèn sáng choang. Chú xe ôm nhiệt tình giúp đỡ bố con tôi và bảo chờ để chú hỏi thăm xem nhà của trưởng làng ở đâu sẽ đưa cha con tôi đến hỏi thăm xem ai biết nhà của những người thân của tôi.

Vô miền Nam gần 60 năm nên cha tôi chỉ còn nhớ mơ hồ tên những người em của mình, vì ngày xưa ở nhà cha mẹ gọi là “Cái Nhớn”, “Cái Bé” mà không nhớ tên trong giấy tờ là gì. Ông trưởng làng niềm nở dặn dò, hãy tạm nghỉ ngơi đợi ông lấy xe đạp chạy sang nhà ông chủ tịch xã, nhờ lục lại danh sách các cụ trong xã, ở lứa tuổi gần kề tuổi cha tôi, có cùng tên họ Kiều.

Trong danh sách Hội Người cao tuổi ở xã, có khoảng hơn 10 cụ trong tầm tuổi cô tôi, theo địa chỉ, ông xã trưởng đến từng nhà hỏi xem cụ nào có ông anh đã từng vào Nam mà lâu nay không có tin tức. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người, cuối cùng đến khuya tôi cũng gặp được 2 người cô ruột, giây phút gặp lại người thân sau mấy chục năm xa cách khiến những người chứng kiến xúc động. Đêm đó, trăng đã lên cao sáng tỏ cả xóm làng mà nhiều gia đình lân cận vẫn còn thức để chia sẻ với niềm vui sum họp của chúng tôi.

Lần đầu tiên về với quê nội, cảm xúc vui khó tả, vì đường xa tôi thiếp đi trong giấc ngủ đêm đầu tại quê nhà. Tôi mơ thấy có tiếng hụ của tàu lửa, tiếng hỏi han lao xao của hàng xóm, và giật mình thức giấc khi tiếng gà gáy vang rất to…

Buổi sáng không khí làng quê thật yên bình, người lớn thức dậy ai vào việc nấy, tuổi già làm công việc nhẹ, loanh quanh trong nhà, người trẻ hơn ra đồng canh tác, còn lứa tuổi thanh niên trong làng đa số đã đi làm ăn xa, một số đi lao động hợp tác nước ngoài. Nhờ công sức lao động, làng quê tôi đã có nhiều ngôi nhà khang trang, nhưng tính tình mộc mạc hiền hòa của người dân làng thì vẫn không đổi thay. Bữa cơm trưa đầu tiên, đứa cháu của tôi mới 12 tuổi đã tự vào bếp rơm nấu chín nồi cơm rất khéo léo, đặc biệt cháu hồ hởi khoe món canh rau bù ngót hái bên bờ giậu nấu với hến tát được ngoài cồn, rất thơm ngon. Bữa ăn đơn sơ nhưng đậm đà tình thân.

Trên con đường làng ra đến chợ, con đường đổ bê tông sạch sẽ, gặp nhiều người đi chợ về, ai cũng niềm nở hỏi han chia vui với cô cháu tôi. Tôi được tận mắt trông thấy cái giếng thật to trước ngôi đình làng, cây đa cổ khổng lồ sừng sững bao đời, cha tôi đứng ngẩn ngơ hồi tưởng về tuổi thơ thường được bà nội tôi dắt ra sân đình nô đùa dưới bóng mát của cây đa vào những buổi trưa hè.

Còn chợ quê ở sát bên cổng làng, chỉ lác đác vài hàng quán, bán mấy món hàng đơn sơ bày trên chiếc chõng tre, có người trải bạt xuống đất với vài bó rau, mấy quả bầu, vài cái trứng gà, thường là ở nhà có thứ gì thì đem bán nấy, chợ chỉ nhóm khoảng hơn 1 tiếng là đã tan rồi, họ còn trở về tất bật với công việc đồng áng. Hàng hóa bán buôn ở chợ thì ít, nhưng những câu chuyện tình làng nghĩa xóm thì nhiều.

Cô tôi hồ hởi khoe niềm vui với mọi người:

- Các bà ơi! Cháu gái tôi xin chào các bà các cụ, cháu là con của ông anh ruột tôi đấy. Ông vào Nam gần 60 năm rồi hôm nay đã trở về “tìm quê”. Tối nay, mời các cụ đến nhà tôi mời trầu nước mừng cho gia đình tôi nhé.

- Vâng, chúng tôi xin chúc mừng cho gia đình bà…

Lòng tôi dâng trào cảm xúc, bởi những cảm tình chân chất nồng hậu của người dân quê. Lần đầu tiên tôi được đón nhận một tình cảm họ hàng chan chứa thân thương như vậy.

Buổi tối họp mặt thân quyến của gia đình tôi cũng là ngày bà con trong làng đến chia vui. Cô tôi trải chiếu ngoài sân, mời mọi người ngồi uống trà, ăn bánh chè lam đặc sản, vài nải chuối già, vài cái bánh đa, cùng những món quà tôi đem từ miền Nam ra quê.

Dưới ánh trăng vằng vặc, câu chuyện chia vui tâm sự, cha tôi hạnh phúc tràn trề, đã bao năm mơ ước trở lại quê xưa, ông vui chuyện trò với những vị cao tuổi trong làng nhắc nhớ đến kỷ niệm thời niên thiếu.

Cha tôi rất vui đón chào mọi người, câu chuyện không dứt đến khan cả tiếng, ông mừng rỡ gặp lại vài cụ ngày xưa, thời niên thiếu đã cùng chăn trâu, thả diều, trên cánh đồng làng… Người lớn uống trà, bỏm bẻm nhai trầu, câu chuyện giòn giã không dứt, đám trẻ con đi theo được phát bánh kẹo, bầu không khí rộn ràng, thắm tình làng quê nghĩa xóm, lòng tôi lâng lâng vui sướng.

Tôi càng thương cô, khi nghe bà nhắc lại kỷ niệm ngày xưa với cha tôi.

- Em còn nhớ cái đêm ấy, lúc gà gáy sang canh anh đã thức dậy lén Thầy đi vào Nam, em đã gói cho anh nắm cơm mo cau để anh đi đường.

Giọng cô run run xúc động:

- Có ai ngờ, anh đi biền biệt suốt mấy chục năm trời.

Cô nghẹn ngào vui sướng:

- Ơn trời đã cho, hôm nay gia đình mình sum họp, mai ta lên chùa cúng tạ lễ.

Sáng ngày hôm sau, cô chọn chiếc áo cánh vải gấm để mặc đi chùa, hai cánh tay dài được nối màu vải khác, tôi ngạc nhiên thì cô giải thích đó là chiếc áo kỷ niệm của bà nội tôi để lại, lâu năm chiếc áo đã rách nơi cùi chõ, chiếc áo kỷ niệm nên cô tìm một khúc vải thay vào chỗ nối, bản tính chắt chiu và tình cảm của cô tôi nghe lòng mình rưng rưng…

Vào dịp đó trong làng có đám cưới, dù không họ hàng, cha con tôi cũng được mời tham dự. Những món ăn cỗ làng được dọn lên, không màu mè bắt mắt nhưng đậm đà chất quê, chan hòa thân mật, mọi người tíu tít chia vui với hai họ, và không ít lời vồn vã thăm hỏi đến chúng tôi. Nhưng vì không đủ điều kiện tôi chỉ ở lại quê có ba ngày, còn ba tôi đã ở lại chơi thêm một tháng nữa, bởi lời nói chân tình của cô.

- Anh đi bỏ quê nhà đã mấy mươi năm rồi, nay anh vừa về mà đi vội, khéo dân làng không hiểu lại chê trách em sao đành để anh mới về chưa ấm lòng mà đã vội đi. Riêng cháu vì còn vướng bận gia đình thì cho phép cháu về trước, anh thư thả rồi sẽ có người đưa anh vào sau.

Chuyến đi “tìm quê” lần đó đã thay đổi hẳn suy nghĩ của tôi.

Tôi không còn cô đơn nữa, vì đã có cả một trời yêu thương với những người thân thuộc nơi quê nhà. Tôi đã có nơi để tìm về cảm nhận được hồn quê, một điều vô cùng quý báu, khi thực hiện được chuyến đi tìm về với cội nguồn của mình…

Kiều Huệ (nhavantphcm.com.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu