A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điệu ví giặm quê hương

...Và đặc biệt điệu hò ví giặm đã ăn sâu bám rễ vào hơi thở của tôi, nó như mạch nguồn tưới mát tuổi thơ, là dòng suối mát lành tưới mát đời tôi...

Những cơn gió heo may ùa về khiến trong lòng tôi lại nao nao cảm giác nhớ về quê hương Nghệ An yêu dấu. Xa quê đã 20 năm, một khoảng thời gian chưa phải là dài của một đời người, nhưng từ sâu thẳm trong trái tim tôi, nỗi nhớ quê hương vẫn luôn da diết cháy bỏng.

Dòng sông Lam, núi Hồng Lĩnh và từng con đường, ngõ xóm, hàng cây, mái nhà lợp lá luôn in đậm trong kí ức tuổi thơ tôi. Và đặc biệt điệu hò ví giặm đã ăn sâu bám rễ vào hơi thở của tôi, nó như mạch nguồn tưới mát tuổi thơ, là dòng suối mát lành tưới mát đời tôi.

Dòng sông Lam, núi Hồng Lĩnh luôn in đậm trong kí ức tuổi thơ tôi 

Khi vừa cất tiếng khóc chào đời, nằm trong chiếc nôi tre tôi đã được nghe bà, nghe mẹ hát những lời ru điệu hò ví giặm dân ca xứ Nghệ:

Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình

Có lẽ những điệu hò ví giặm mộc mạc ân tình sâu lắng thiết tha đó đã nuôi dưỡng tuổi thơ ngọt ngào trong tôi. Và cũng chính những điệu hò đó giúp tôi càng hiểu thêm về con người xứ Nghệ rất chân chất, hiền lành, giản dị, chịu thương chịu khó, nghĩa tình son sắt nhưng cũng rất bộc trực, thẳng thắn. Có lẽ cũng chính vì thế mà học giả Đặng Thai Mai, “người con tinh hoa xứ Nghệ”, quê ở Thanh Chương, đã có nhận xét rất đúng về tính cách người xứ Nghệ: "Can đảm đến sơ suất; cần cù đến liều lĩnh; kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến ‘cá gỗ’”.

Mỗi làn điệu dân ca là những viên ngọc bích sáng ngời theo cùng năm tháng không bao giờ phai nhòa trong tâm thức của người dân đất Việt. Dân ca mang bản sắc đặc trưng văn hóa mỗi vùng, miền. Riêng mảnh đất xứ Nghệ, mỗi một điệu ví, câu hò mang hơi thở, tâm hồn, diện mạo, cốt cách người dân của dải đất miền Trung nhọc nhằn vươn lên từ gian khó.

Hãy ngược dòng thời gian, ta hãy dừng lại lắng nghe một làn điệu dân ca xứ Nghệ:

Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ
Nghe câu hò ví giặm, càng lắng lại càng sâu
Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thuở vui sầu
Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng

Ôi, nghe thiết tha một làn điệu dân ca nghĩa tình sâu nặng. Mỗi người dân xa quê không khỏi thổn thức, nức nở tiếng lòng nỗi nhớ niềm thương mong ước một lần được nghe câu hò ví giặm thấm đượm tình người, tình đất xứ Nghệ... Dẫu có xa nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng trong sâu thẳm trái tim những người con mảnh đất xứ Nghệ dãi dầu mưa nắng vẫn luôn thủy chung, gắn bó nghĩa tình sâu nặng sắt son.

Người xứ Nghệ là vậy, dẫu thời gian có trôi chảy, cuộc đời dẫu có đổi thay nhưng nghĩa tình luôn vẹn đầy như ánh trăng đêm rằm. Không chỉ vậy, ở con người xứ Nghệ còn là nghĩa tình chồng vợ son sắt thủy chung, đậm đà, gắn bó chẳng bao giờ chia xa:

Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình đầy
Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa

Rồi ta chợt bàng hoàng thảng thốt lòng rưng rưng xúc động khi lời hát “Phụ tử tình thâm” được cất lên:

Rồi một mai bách tuế
Khi cây úa lá vàng
Cây rụng cội đại ngàn
Con có bạc có vàng
Cũng tìm đâu được nữa
Mà tìm đâu được nữa

Lời hát là nỗi lòng của mẹ, của cha khuyên dạy con hãy làm tròn chữ “Hiếu”. Đạo làm con nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Cuộc đời mẹ cha nghèo khó gian lao vất vả, mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con từ tấm bé lúc con còn đỏ hỏn. Rồi một mai con khôn lớn, cha mẹ già yếu con đừng nỡ nặng lời, lá rụng lại về cội, mâm cao cỗ đầy cũng chẳng để làm chi, giọt nước mắt, nỗi xót xa ân hận cũng quá muộn màng mà con hãy nhớ khắc ghi: “Làm con cho trọn đạo”…

Biểu diễn hát ví, giặm bên bờ sông Lam 

Mỗi người con xứ Nghệ từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được sống trong không gian ví giặm, trong lời ru của mẹ, của bà. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, câu hát đưa linh cũng bằng câu ví, giặm…

Những điệu ví quê tôi lúc khoan lúc nhặt, lúc thì mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình, đôi khi lại dí dỏm, hài hước, tươi trẻ. Còn những điệu giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày, cũng có khi dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng, trữ tình giao duyên. Dân ca ví giặm in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, là di sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Với những giá trị độc đáo và nổi bật, ngày 27/11/2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xa mảnh đất xứ Nghệ đã 20 năm nhưng nỗi nhớ quê hương cứ cuộn chặt trong tôi và tôi chẳng thể nào nói hết nỗi lòng mình với quê hương. Yêu làm sao vẻ đẹp mộc mạc chân chất người xứ Nghệ, nhớ da diết làm sao những đêm bão nổi, mưa phùn gió bấc hun hút thổi, rồi cái nắng gió Lào bỏng rát như tạt lửa suốt ngày đêm. Thương làm sao những điệu hò ví giặm quê mình mộc mạc ân tình lắng đọng hồn người bởi nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm. Thương quá điệu ví giặm quê hương!


Nguyễn Thị Thu Hằng 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu