A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bâng khuâng đêm Thu Hà Nội

Ngay cái thi đề “Bâng khuâng đêm Thu Hà Nội” đã khái quát toàn bộ nội dung của bài thơ, toát lên chủ đề của bài thơ. Chúng ta dễ nhận ra bức tranh tâm cảnh của người sắp đi xa Hà Nộị - lưu luyến bâng khuâng, trong một không gian thanh vắng.

 Ảnh minh họa

Bâng khuâng đêm Thu Hà Nội

Mai xa rồi... Hà Nội thân yêu ơi!
Còn đêm nay lang thang ta xuống phố
Cơn gió lạnh men theo từng ngõ nhỏ
Dưới đèn đường lác đác lá vàng bay

Bỗng thấy thèm hơi ấm một vòng tay
Ánh trăng thu rơi vàng trên thảm cỏ
Ôi! Ánh trăng nhớ thời khăn quàng đỏ
Cùng bạn bè bày cỗ ngóng trăng lên

Hà nội đêm về thanh vắng bình yên
Không tấp nập những dòng người vội vã
Không ồn ào những dòng xe hối hả
Xa xa vọng về lẻ tiếng rao đêm

Đường cũ năm nào nay đã thay tên
Cây Hoàng lan vẫn tỏa hương thơm ngát
Cuốn sổ tay chép tặng nhau bài hát
Đến bay giờ người còn giữ hay không ?

Nhớ phố Nguyễn Du hoa Sữa thơm nồng
Nguyễn Thái Học Phượng hồng thời áo trắng
Chiều Hồ Tây đáy mắt ai sâu thẳm
Đi xa rồi...nhớ lắm Hà nội ơi!

Nguyễn Quốc Hùng
Sondershausen, CHLB Đức

___________

Lời bình của Bùi Nguyệt

Ngay cái thi đề “Bâng khuâng đêm Thu Hà Nội” đã khái quát toàn bộ nội dung của bài thơ, toát lên chủ đề của bài thơ. Chúng ta dễ nhận ra bức tranh tâm cảnh của người sắp đi xa Hà Nộị - lưu luyến bâng khuâng, trong một không gian thanh vắng.
 
Mở đầu bài thơ là một hô ngữ, rồi sau đó tiếp theo là những lời tâm sự phảng phất một nỗi buồn man mác

Mai xa rồi... Hà Nội thân yêu ơi!
Còn đêm nay lang thang ta xuống phố
Cơn gió lạnh men theo từng ngõ nhỏ
Dưới đèn đường lác đác lá vàng bay

Bằng biện pháp tu từ nhân hóa, nhà thơ tâm sự với Hà Nội như tâm sự với người thân yêu của mình qua những lời tự bạch chân tình:

Bỗng thấy thèm hơi ấm một vòng tay
Ánh trăng thu rơi vàng trên thảm cỏ
Ôi! Ánh trăng nhớ thời khăn quàng đỏ
Cùng bạn bè bày cỗ ngóng trăng lên

Hiện thực và ký ức cứ đan xen theo dòng cảm xúc xuyên suốt cả bài thơ. Hiện thực là cảnh đêm thu thanh vắng bình yên.

Không tấp nập những dòng người vội vã
Không ồn ào những dòng xe hối hả
Xa xa vọng về lẻ tiếng rao đêm
Đường cũ năm nào nay đã thay tên
Cây Hoàng lan vẫn tỏa hương thơm ngát

Đúng là “đối cảnh sinh tình” ngây ngất trong hương thơm ngát của cây Hoàng lan. Trong tâm can của nhà thơ, ký ức những ngày qua lại lần lượt hiện về:

Cuốn sổ tay chép tặng nhau bài hát
Đến bay giờ người còn giữ hay không ?
Nhớ phố Nguyễn Du hoa Sữa thơm nồng
Nguyễn Thái Học Phượng hồng thời áo trắng
Chiều Hồ Tây đáy mắt ai sâu thẳm

Ký ức càng hiện về, Nhà thơ càng bâng khuâng lưu luyến. Chân bước đi mà lòng chẳng muốn rời. Khép lại bài thơ cũng là một hô ngữ bật lên từ nỗi nhớ diết da của một người đã đi xa Hà Nội:

Đi xa rồi...nhớ lắm Hà Nội ơi!

Ở đây cái thú vị và lôgic của bài thơ là câu mở bài và câu kết đồng dạng nhau trong bối cảnh trước khi đi và sau khi đã đi xa đều bâng khuâng, lưu luyến.

Dù ngôn từ mộc mạc, dung dị nhưng bài thơ đã rung động trái tim bạn đọc bởi tấm lòng chân thật, trĩu nặng mối tình quê của người con xa xứ vẫn hàng ngày đau đáu hướng về Hà Nội thân yêu.

Bất giác, tôi lại nhớ đến câu thơ của cố Thi sỹ Chế Lan Viên:

Khi ta ở đất là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Bùi Nguyệt - Chemnitz, CHLB Đức


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu