A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sĩ Đoàn Thanh: Hội họa giúp bắc nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và Đức

LTS: 25 năm sống ở Đức, họa sĩ Đoàn Thanh không ngừng học hỏi và sáng tạo để phát triển nghệ thuật hội họa của riêng mình. Với chị, hội họa không chỉ là nơi thỏa mãn nỗi niềm đam mê, khát khao sáng tạo, mà còn là nơi chị gửi gắm tình cảm và nỗi lòng của người con xa xứ với quê mẹ. Với hàng loạt cuộc triển lãm tranh cá nhân ở Đức, Việt Nam, cũng như triển lãm chung cùng các hoạ sỹ tên tuổi ở Việt Nam, Nga, Phần Lan, Trung Quốc..., họa sĩ Đoàn Thanh đã đưa đến bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam thân thiện, đổi mới, cởi mở và rất đỗi thanh bình. Nhân dịp năm mới, Quê Hương có cuộc trò chuyện với vị “sứ giả văn hóa” này.



Thiếu nữ Thái và hoa đào - Khắc gỗ màu (1976)

PV: Kính chào Họa sĩ Đoàn Thanh! Những năm gần đây, năm nào chị cũng về Việt Nam với thời gian khá dài. Sự đi – về ấy có ý nghĩa thế nào với chị?

Họa sĩ Đoàn Thanh: Mấy chục năm sống xa quê hương, bao bận rộn lo toan ở xứ người cứ cuốn tôi đi, trong guồng quay hối hả ấy của cuộc sống, quê hương – gia đình ở Việt Nam vẫn luôn ấm áp trong tim tôi, như một điểm tựa tinh thần giúp tôi không ngừng nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Thêm vào đó là sự ủng hộ và tình yêu thương của chồng tôi, người cũng yêu quê hương Việt Nam của vợ như của mình, nên năm nào tôi cũng tranh thủ thời gian về Việt Nam. Sự đi về ấy đã giúp tôi nạp lại năng lượng cho tinh thần, tình cảm, sức lực và được đoàn tụ với gia đình thân thương đang sinh sống ở Hà Nội sau những tháng ngày làm việc bận rộn, căng thẳng ở nước Đức – quê hương thứ hai của tôi.

Đặc biệt, mỗi lần trở về, tôi có điều kiện đến với những vùng miền còn hoang sơ của đất nước để ghi chép tư liệu sáng tác các tác phẩm hội họa mới khi trở lại Atelie – Galerie của tôi ở Đức.

Từ khi vợ chồng tôi lập nên Hội từ thiện Măng Non, thì mỗi lần trở về còn là dịp để vợ chồng tôi thực hiện các dự án từ thiện dành cho trẻ em bị chất độc da cam, trẻ em nghèo ở trong nước.



Nắng vàng trong thung lũng mùa Xuân - Lụa (2006) 

PV: Được biết, những hoạt động nghệ thuật của chị đã góp phần bắc nhịp cầu văn hóa nối tình cảm giữa bạn bè quốc tế, đặc biệt là nhân dân Đức với Việt Nam. Chị có thể nói rõ hơn về việc này?

Họa sĩ Đoàn Thanh: Sang Đức từ năm 1989, tôi luôn đau đáu nguyện vọng được giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và dân tộc mình qua các tác phẩm hội họa.

Là một họa sĩ, với mong muốn tìm tòi cho mình một xu hướng sáng tác chuyên sâu về những đề tài và chất liệu đặc trưng của Việt Nam, tôi đã tìm đến với nghệ thuật khắc gỗ, tranh lụa, đôi khi cả sơn dầu, bột màu, màu nước để lưu lại được đầy đủ cảm xúc, những hình ảnh tuyệt vời nhất trong thiên nhiên, trong sinh hoạt, lao động. Danh họa Nguyễn Phan Chánh – bậc thầy tranh lụa của Việt Nam - đã rất yêu quý và nhận tôi là người bạn trẻ thân thiết, người học trò cưng và truyền cho tôi kinh nghiệm về tranh lụa của ông.

Mỗi khi trở về nước, tôi đều dành thời gian đi đến những vùng miền núi, miền biển còn hoang sơ để ghi chép tư liệu sáng tác. Để lấy được những tư liệu sống động, tôi đến ăn ở cùng các gia đình người Thái, người Mường và theo họ lên nương rẫy, nhờ họ chỉ bảo mỗi chi tiết về cách làm nương, dệt vải, nhờ họ dẫn đến những địa điểm đẹp mang đặc trưng của nơi họ sinh sống để ký họa, chụp ảnh…, nhờ đó tôi đã ghi chép được rất nhiều tư liệu sống động đem về Đức sáng tác.

Sống xa quê hương, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương giúp cho các tác phẩm mới của tôi đậm đà hơn, đằm thắm hơn với các hình ảnh quê hương, rừng núi hoang sơ thơ mộng, với những cô gái tắm suối sau giờ lao động, hoặc những người phụ nữ địu con lên làm nương rẫy… Những sinh hoạt đời thường rất đỗi bình dị của bà con người dân tộc ít người ở vùng núi phía Bắc Việt Nam đã làm nên những bức tranh sinh động, kể lại cho người xem tranh là người Đức và bạn bè quốc tế, về một đất nước Việt Nam hiền hòa và thanh bình, khác hẳn tưởng tượng của họ về một đất nước nhỏ bé, xa xôi và chỉ có chiến tranh.

Các bạn bè quốc tế, đặc biệt là bạn bè Đức, dù chưa một lần đến Việt Nam, nhưng họ đã rất yêu thích con người và đất nước Việt Nam qua các tác phẩm ghi nhận được những giây phút cảm xúc thật sự của người nghệ sỹ được thể hiện ở các tác phẩm hội họa của tôi. Rất nhiều bạn bè thuộc tầng lớp trí thức, nghệ sỹ của Đức và quốc tế cũng như lãnh đạo từ nhiều thành phố của Đức sau khi đến thưởng lãm tranh tại các cuộc triển lãm của tôi đã mong ước và đã đến du lịch Việt Nam, để được tận mắt chiêm ngưỡng và trải nghiệm.

Tôi thầm cảm ơn nghệ thuật hội họa đã đi vào trái tim, tình cảm của bạn bè quốc tế, giúp tôi bắc nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và Đức.



 Người H'mong xuống chợ sắm Tết   - Lụa (2009)

PV: Chị có thể chia sẻ với độc giả Quê Hương về những dự định sắp tới của mình?

Họa sĩ Đoàn Thanh: Nhờ người chồng là một trí thức người Áo đồng hành và giúp đỡ, tôi đã thực hiện được ước mơ lớn nhất của mình là xây dựng được một ngôi nhà có riêng một tầng cho Galerie và Atelie (xưởng họa).

Galerie nghệ thuật của tôi sẽ được khánh thành vào đầu mùa Hè năm 2014 tại thành phố Erlangen, Đức. Tôi dự định đây sẽ là địa điểm hội tụ nghệ thuật hội họa châu Á và dành cho các họa sỹ có năng lực thật sự từ Việt Nam sang Đức có địa điểm để giới thiệu, triển lãm các tác phẩm của họ. Từ đó, hình ảnh quê hương Việt Nam sẽ được quảng bá phong phú hơn, bạn bè quốc tế và Đức sẽ được thưởng lãm nhiều hơn các ý tưởng cũng như các chất liệu hội họa khác nhau. Mỗi họa sĩ được mời sang Đức và trưng bày tranh tại Galerie của tôi sẽ tự nguyện tặng một tác phẩm hoặc đóng góp cho Quỹ của Hội Măng Non.

Tôi hy vọng Galerie đi vào hoạt động sẽ giúp cho bạn bè Đức và quốc tế giao lưu nhiều hơn với các tác giả Việt Nam. Thành phố Erlangen rất ủng hộ và cho rằng đây sẽ là “một điểm du lịch văn hóa từ đất nước xa xôi”. Người Việt Nam sẽ được người bản xứ hiểu và tôn trọng hơn.

Mai Chi (thực hiện)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu