A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết này còn có nhớ quê

Tết là sum họp. Tết là đoàn viên. Tết là được ăn cơm Mùng Một cùng gia đình, bố mẹ, người thân. Tết là được hít hà mùi thơm của nồi bánh chưng, mùi hương trầm thắp bàn thờ, của tiết trời se lạnh, ngắm những cành đào được di chuyển từ nơi này sang nơi khác, của dòng người hối hả ngược xuôi đi sắm Tết, của những ngôi nhà được đổi màu vôi, của những bài hát về mùa Xuân, của những tà áo mới trẻ thơ và những đoàn học sinh rồng rắn, xúng xính áo mới rủ nhau đi chúc Tết thầy cô…

Tất cả những hình ảnh này luôn theo tôi trong suốt hơn 20 năm đón Tết ở nước ngoài: Nga, Italia, Brasil, Colombia. Những tưởng thời gian sẽ làm dịu đi nỗi nhớ, nhưng mỗi khi Xuân sang Tết đến, là nỗi nhớ trong tôi lại trỗi dậy và ký ức cứ thế ùa về...

 “Đại gia đình” Hiệp hội vui vẻ ăn Tết Việt

NHỮNG CÁI TẾT XA XỨ ĐẦY KỶ NIỆM

Lần đầu tiên đón Tết ở nước ngoài là khi tôi đi dịch tiếng Nga cho đoàn công nhân hợp tác lao động tại Nga. Tối hôm Giao Thừa, nghe thấy giọng phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lời bình và sau đó là lời chúc Tết của Chủ tịch nước, cả đoàn gần trăm người ôm nhau khóc như những đứa trẻ, kể cả phiên dịch, trưởng đoàn đến các cháu độ tuổi đôi mươi.

Năm đó là ngày Tết đầu tiên không có bánh chưng, câu đối, hoa đào, không có hương vị ngày Tết ngoài nem rán với lá nem tôi mang trong va li, nhét vào giữa một đống áo phông, son Thái và các đồ mang sang khác. Ngoài trời giá lạnh, băng tuyết trắng xóa xung quanh. Chị trưởng đoàn mua về một con gà và luộc lên cho hai chị em ăn cùng với nem. Tôi bật khóc vì nhớ lại cảnh cả nhà chỉ có một con gà chia từng miếng nhỏ mà nay mình lại được ăn cả một con. Chị trưởng đoàn mắng: “Mày dở hơi à? Được ăn cả con gà lại còn khóc cái nỗi gì? Thôi ăn đi, ăn cho bõ những ngày khổ ải!”

Những năm sau đó, để có lá dong, gạo và nguyên liệu để nấu cỗ Tết, chúng tôi phải đi tàu đêm thứ Bảy sau khi làm việc xong, vượt 800 km lên thủ đô Moscow, nơi có các đoàn Việt Nam mang đồ sang bán và hôm sau lại tất tưởi về cho kịp giờ làm. Vất vả nhưng nhìn mâm cơm ngày Tết có bánh chưng xanh cho các cháu trong đoàn, lòng tôi thấy ấm áp dù bên ngoài lạnh đến hơn 20 độ âm.

 Các hội viên của Hiệp hội duyên dáng trong làn điệu Quan họ

Đối với tôi, bánh chưng gắn liền với tuổi thơ và là thứ không thể thiếu được trong ngày Tết. Nhớ thời xưa, ngày 29 mẹ tôi đi mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh và ít thịt ba chỉ về để gói bánh. Trời lạnh, nước nóng thì không có, ngồi rửa lá dong tay lạnh cóng, đỏ ửng nhưng vẫn muốn rửa nhiều vì nhiều lá tức là có nhiều bánh chưng để ăn. Loay hoay giúp mẹ gói bánh đến tối thì cho vào nồi đun. Mình thì thấp, nồi thì cao. Hai chị em lanh chanh đòi trông nồi bánh chưng lúc tối vì muốn được hít hà mùi thơm của nồi bánh và được sưởi ấm. Trên nồi nấu bánh còn đặt một siêu nước đun với rau mùi già để tắm. Không tắm được trước Giao thừa là sợ lắm vì sợ cả năm ở bẩn. Hai chị em vừa trông nồi vừa cắt họa báo để tạo hình con vật dán lên tờ bìa cứng làm lịch Tết. Thỉnh thoảng lại ngủ gật, suýt nhao vào bếp. Nhiều lúc tóc cháy khét lẹt mới tỉnh giấc và cùng nhau cười ngoác miệng. Đến sáng thì được thử cái bánh chưng bé tẹo teo nhưng ngon làm sao. Đó là niềm hạnh phúc của hai chị em sau cả đêm thức trông bánh.

Những kỷ niệm về Tết với bánh chưng luôn đồng hành với tôi trong suốt thời gian tôi ở nước ngoài. Dù ở Italia hay Brasil, ngay cả lần sang chơi Colombia tôi cũng đều cố gắng làm bánh chưng để đón Tết. Ở Việt Nam, mình chỉ cần chạy ra chợ, bỏ tiền ra là mua được lá dong và tất cả nguyên vật liệu để làm bánh chưng, nhưng ở nước ngoài quả là một kỳ công. Hồi mới sang Italia, tôi đã phải đặt lá chuối từ bên Pháp mang về để làm bánh chưng, vì lúc đó trời lạnh nên chuối chỗ tôi ở bị rụng lá. Sau này “khôn” hơn thì đi cắt lá chuối trước, bỏ vào tủ đá rồi đến Tết mang ra gói. Khuôn thì lấy hộp đựng giầy của chồng ra để làm. Ở Brasil - nơi tôi làm việc 10 năm - thì lá chuối sẵn hơn, nhưng nhà không có nên phải đi xin của nhà hàng xóm. Được cái người dân Brasil cởi mở, họ hỏi mình dùng lá chuối để làm gì, khi biết được ý nghĩa của nó, họ cắt cho rất nhiều lá và chúc đón Tết vui vẻ.

 Bánh chưng xanh gợi nhớ hình ảnh quê nhà

Có lá gói rồi, nhưng đậu xanh khạp vỏ lại không có. Thế là đành phải nhờ chồng khạp hộ vì cái bàn quá cao với mình. Chồng ban đầu không biết làm, khạp một cái, đẩy hết cả hạt đỗ xuống nền nhà. Thấy chồng ngơ ngác, tôi phải kê ghế cao để hướng dẫn. Năm sau thấy tiến bộ lắm, chẳng cần bảo cũng khạp hết bay một bơ đậu xanh để vợ làm bánh. Cũng phải mất vài năm chồng mới quen ăn bánh chưng, vì bảo sao hạt gạo nát và ăn thì dính thế, nhưng khi đã quen rồi thì lại muốn ăn nhiều và thành “kẻ cạnh tranh” ăn bánh chưng hiếm hoi mà tôi làm được.

Bên này Tết của mình đâu có được nghỉ vì nhiều năm nay Tết rơi vào ngày thường. Tôi vẫn phải đi làm và cố gắng tranh thủ nấu bánh vào ban đêm. Nhiều lần ngủ gật gù trên đi văng vì sợ nhỡ mình ngủ quên để nước nồi bánh chưng tràn ra, bếp tắt mà hơi gas lại xì ra thì nguy hiểm cho cả nhà. Những đêm đó, cả nhà ngủ trong mùi bánh chưng thơm lừng. Sáng hôm sau, chỉ kịp mang ra nén rồi lại phải bươn bả đi làm cho kịp giờ.

Nhớ Tết ở Bogota, thủ đô Colombia, tôi phải trực ở cơ quan không về nhà đón Tết được. Khi nghe tôi kể chuyện về Tết, về bánh chưng, mẹ bạn tôi người Colombia đã đi tìm lá chuối, gạo nếp nhờ mua từ Argentina về để tôi làm bánh và gọi tất cả người thân đến ăn thử bánh chưng vì lần đầu tiên họ được biết đến bánh chưng và truyền thuyết về nó. Con gái bà cũng xin làm thử bánh. Nàng cười ngặt nghẽo khi thấy cái bánh của mình làm vẹo vọ và gạo nếp thủng ra ngoài. Nhưng có vẻ khoái chí lắm! Chưa bao giờ cả nhà bạn tôi lại háo hức đến thế khi được chính người Việt làm bánh cổ truyền của Tết Việt cho ăn.

Các đồng nghiệp và bạn bè Brasil và Italia cũng được thưởng thức các món ăn Tết truyền thống Việt Nam của tôi như bánh chưng, nem rán, miến thịt gà, thịt gà đông, xôi, giò. Nhớ một lần, tôi tổ chức đón Tết ở Brasil. Để cho Tết thêm hoành tráng, tôi đã quét vôi lại cả tường xung quanh nhà với cảnh đồng ruộng Việt Nam, hoa sen, chùa chiền. Ban đầu dự định làm Tết cho một vài đồng nghiệp, bạn bè thân, sau đó mọi người biết xin đến dự. Con số lên đến 70 người bao gồm cả vợ chồng Thị trưởng thành phố Belo Horizonte và các quan chức khác. Thế là chồng tôi phải thuê rạp và đùa là tổ chức kỷ niệm đám cưới của hai vợ chồng. Có điều, thời điểm Tết của mình ở bên Brasil là mùa Hè, lại đúng lễ hội hóa trang Carneval, nên không có không khí se lạnh của đất trời như ở Việt Nam. Các bản nhạc Việt mà tôi kỳ công lựa chọn cho hôm đó không át nổi tiếng loa thùng của nhà hàng xóm, nên khách ăn đồ Việt nhưng lại nhún nhẩy theo vũ điệu Săm-ba. Tết đó là sự giao thoa của hai nền văn hóa, của hai dân tộc cách xa hơn nửa vòng trái đất nhưng đã được xích lại gần nhau qua hương vị Tết cổ truyền Việt Nam.

Hội viên Hiệp hội biểu diễn văn nghệ ngày Tết 

HIỆP HỘI NHỊP CẦU VĂN HOÁ VÀ SỨ MỆNH GÌN GIỮ VĂN HÓA VIỆT

Khi quay trở lại Italia, tôi đã lập ra Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa. Vì vậy, mấy năm nay tôi đã được vui Tết với các hội viên của Hiệp hội, cùng bạn bè sở tại và quốc tế sinh sống và làm việc tại Italia.

Ở Italia, cộng đồng người Việt Nam không đông và sống rải rác ở nhiều vùng miền nên việc tổ chức Tết không được tập trung như các nước châu Âu khác. Nhưng không phải vì vậy mà người Việt ở đây không đón Tết rôm rả như các cộng đồng khác. Có nhiều nhóm người Việt tổ chức Tết tại nhà hàng hay thuê chỗ để tổ chức Tết. Mọi người đều cố gắng tổ chức Tết vui vẻ cho cộng đồng. Các chị phụ nữ trổ tài nấu nướng rất nhiều món ăn truyền thống và ngoài ra còn tập các tiết mục văn nghệ, trình diễn thời trang. Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cũng tổ chức Tết mời bà con đến dự. Nhưng vì đường xá xa xôi, lại vào những ngày làm việc, nên cũng ít người đến dự được trừ những người ở gần Roma hay là đại diện của các Hiệp hội. Việc tổ chức Tết của các nhóm cũng như các hiệp hội phi lợi nhuận là rất cần thiết để tạo cho bà con một cái Tết có ý nghĩa.

Hiệp hội chúng tôi gồm hội viên người Việt và Italia. Dù vẫn còn non trẻ với số lượng người chưa đông nhưng cũng đã cố gắng tổ chức Tết một cách đều đặn cho hội viên và bạn bè gần xa. Để tổ chức một cái Tết không phải là dễ dàng vì phải đi mượn phòng miễn phí để tiết kiệm khi quỹ của Hiệp hội còn ít ỏi, không nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện Nhà nước. Nhiều khi phải tổ chức Tết sau hai tuần cũng vì lẽ đó. Và không phải dễ dàng có tất cả các gia vị để nấu nướng, nên nhiều khi để có được một ít gấc nấu xôi cho mang lại may mắn, phải nhờ người mang từ Việt Nam sang và sau đó phải đi tàu đến thành phố khác để lấy. Nhìn đĩa xôi ba màu trắng-xanh-đỏ với các vị thơm của lá dứa, mùi ngậy của gấc, màu trắng bóng của nước dừa, không ai có thể ngờ được là các thành viên đã phải vất vả như thế nào để có được các hương vị Việt Nam trong ngày Tết. Nhưng đó cũng thể hiện bản chất của người Việt Nam ta, dù ở bất kỳ địa vị nào, chính kiến nào cũng luôn tôn trọng những gì mà tổ tiên ta đã để lại, và khi ở nước ngoài thì niềm tự hào dân tộc lại trở thành sức mạnh cho chính mỗi người con xa xứ, thể hiện rất rõ trong việc tổ chức các ngày lễ tết như Tết Nguyên đán này.


 Hội viên Hiệp hội biểu diễn văn nghệ ngày Tết

Về ẩm thực, Hiệp hội chúng tôi cũng được biết đến khi đã 2 lần được giải nhất trong 3 lần tham gia thi ẩm thực do Ban Tổ chức Festival quốc tế giữa các dân tộc tổ chức ở thành phố Bagnara, Italia- nơi có hàng chục nghìn người đến tham dự. Ẩm thực Việt Nam đã được tôn vinh trong lễ hội này, vượt lên hơn 25 quốc gia khác cùng tham dự.

Trong những dịp lễ tết như thế, Hiệp hội muốn giới thiệu văn hóa lễ hội Việt Nam nói chung và Tết Nguyên đán nói riêng đến bạn bè sở tại; đó cũng là cách giữ gìn bản sắc Việt Nam cho các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Italia. Chính vì vậy,  ngoài những món ăn truyền thống không thể thiếu được trong ngày Tết như bánh chưng, măng, miến, xôi, giò..., chúng tôi cố gắng giới thiệu các phong tục tập quán của người Việt Nam đón Tết như thế nào, như: kể về truyền thuyết liên quan đến Tết như “Truyền thuyết bánh chưng bánh dày”, “Cây nêu ngày Tết” qua các vở kịch; biểu diễn múa dân gian như múa sạp, hát Quan họ, hát Chèo, trống hội; làm cây đào, cây nêu ngày Tết, vẽ câu đối, trang trí cảnh làng quê với lũy tre xanh, rơm rạ, quang gánh quang gồng v.v. Người đến dự cảm thấy mình như được vui Tết trong một góc Việt Nam thu nhỏ với đủ các đặc trưng của nó.

Để tập được một vở kịch, một điệu múa dân tộc là kỳ công lớn và đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, nhân sự, trang phục… Các hội viên Italia đã cùng với hội viên Viêt tìm truyện để chuyển thể sang tiếng Italia, dựng kịch, rồi chiêu mộ các nghệ sỹ nghiệp dư từ các thành phố khác nhau, đi tàu đến, tập quên cả ăn uống, sau đó lại sấp ngửa chạy ra tàu đi về nhà. Vất vả như vậy nhưng ai cũng cố gắng để cho Tết của mình thêm sinh động. Các cháu con nuôi gốc Việt mặc dù không nói được tiếng Việt, nhưng cũng đã biết được phần nào văn hóa Việt Nam qua những ngày lễ như thế này nên các cháu tham gia tập múa hát rất hào hứng. Ngày lễ, chúng xúng xính trong váy áo mớ ba mớ bảy hay duyên dáng trong áo dài ra đón tiếp khách. Các mẹ, các chị người Italia cũng tham gia đóng kịch hay cùng múa các điệu múa dân gian. Để học được một cử chỉ nho nhỏ như uốn cong tay cũng mất hàng ngày trời nhưng họ cũng không nản.

Sự nỗ lực cố gắng của các hội viên đã được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italia Cao Chính Thiện đánh giá cao khi đến thăm và chúc Tết Hội vào dịp Tết năm 2018. Việc tổ chức Tết cũng như các hoạt động quảng bá khác về văn hóa Việt Nam của Hiệp hội cũng được Thượng nghị sỹ Andrea de Maria tham dự và thay mặt cho chính quyền nước sở tại cảm ơn sự đóng góp này trong sự nghiệp tăng cường mối quan hệ ngoại giao văn hóa giữa hai nước Italia và Việt Nam.

Hiệp hội chúng tôi rất may mắn nhận được sự giúp đỡ của Nghệ sỹ nhân dân Chèo Minh Thu và con gái là ca sĩ Đỗ Hạnh Quyên giúp đỡ dàn dựng cho các tiết mục múa hát truyền thống. Nghệ sỹ Minh Thu còn dựng cho chúng tôi một đội trống nữ. Trong ngày Tết, tiếng trống sôi động như tiếp thêm năng lượng đầu năm cho tất cả khách đến dự. Đội trống của chúng tôi còn được Thành phố Bologna mời tham dự chương trình ca múa nhạc chào mừng năm mới 2019 tại quảng trường lớn nhất thành phố. Đây là niềm vinh dự của hội viên chúng tôi, khi được thay mặt cộng đồng người Việt Nam giới thiệu văn hóa Việt trong một ngày quan trọng như ngày Mùng Một đầu năm, trước hàng nghìn người dân của nước sở tại. Điều đó phần nào chứng tỏ khả năng và vai trò của Hiệp hội chúng tôi trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam tại đây.

Vui Tết ở đất nước có nền kinh tế phát triển nhưng lòng luôn đau đáu về Việt Nam, nhất là trong những ngày này, tình cảm đối với quê hương lại trỗi dậy, sống động hơn bao giờ hết mà nhiều khi với cuộc sống, cơm áo gạo tiền trong những ngày thường tưởng như bị lãng quên. Với tinh thần “chia ngọt, sẻ bùi”, năm nay Hiệp hội chúng tôi dự định sẽ tổ chức Tết để quyên góp tiền học bổng cho một cháu gái học giỏi ở Việt Nam nhưng không đủ điều kiện đi học. Từ thiện cho một cháu bé tuy là một điều rất nhỏ nhưng mang lại niềm vui cho Tết Việt thêm ý nghĩa. Ngoài việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, nó còn thể hiện sự tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của người Việt với nhau và cũng là sự thân ái chung sức chung lòng của các hội viên Italia thuộc Hiệp hội chúng tôi đối với Việt Nam.

Trước thềm năm mới, xin chúc tất cả các bà con cô bác xa gần, ở các nơi trên thế giới một năm mới vui vẻ và hạnh phúc, xin gửi lời chúc đầu năm tốt lành nhất đến với người thân, bạn bè ở Việt Nam. Chúc một năm thịnh vượng đến với tất cả mọi người.

Lê Thị Bích Hường (Italia)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu