A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt tại Mỹ: Muôn nẻo để thành công

Trong hành trình tìm kiếm cơ hội thành công ở nước Mỹ, ngoài trí tuệ và lòng kiên trì, mỗi người Việt lại có một lối đi và một câu chuyện riêng để chia sẻ...

Kỹ sư Lê Văn Hồng Chân. Ảnh: NVCC

Hãy làm thực tập sinh

Từ niềm đam mê với tin học từ nhỏ, anh Lê Văn Hồng Chân (quê TP. Hồ Chí Minh) hiện đang làm việc tại Snap – công ty công nghệ lớn tại Mỹ với các sản phẩm công nghệ được giới trẻ yêu thích, trong đó có Snapchat và Bitmoji.

Trước khi đến với Snap, chàng trai 9x cũng có khoảng thời gian sinh sống tại Thung lũng Silicon khá lâu với kinh nghiệm đa dạng tại các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, Asana, Facebook.

Anh cho rằng, đối với những bạn trẻ mới bước chân vào lĩnh vực này, hãy đến “trung tâm công nghệ” ít nhất một lần, bởi nơi đây sẽ cho họ những người hướng dẫn tài giỏi, cơ sở vật chất tốt, những cơ hội nghề nghiệp quý báu và những điều kiện tốt nhất để phát triển đam mê.

Dù cảm thấy bản thân gặp khá nhiều may mắn khi có được nhiều cơ hội tốt nhưng anh Chân cũng gặp khó khăn như bao người Việt khi lập nghiệp nơi đất khách. Trước khi làm thực tập sinh tại Microsoft, chàng trai sinh năm 1991 từng thực tập ở Infosys (Ấn Độ) và nhiều công ty khác tại Hàn Quốc.

Ở vị trí thực tập sinh, anh rút ra vô số bài học đắt giá và luôn tâm đắc với châm ngôn của Steve Jobs: “You can’t connect the dots looking forward, you can only connect them looking backwards” (Bạn không thể kết nối các trải nghiệm trong đời khi nhìn về tương lai, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ).

Bởi vậy, hành trình thực tập sinh của chàng trai này rất phong phú. “Dù ban đầu, việc thực tập tại nhiều công ty của bạn có một chút rời rạc, nhưng bằng cách nào đó, giữa chúng sẽ có những điểm kết nối với nhau, để rồi cuối cùng giúp bạn hiểu ra được bản thân thích làm gì và thích hợp với những công việc nào”.

Đối với anh, “việc trải nghiệm thực tập sinh đã cho nhiều mối quan hệ, mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ liên lạc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ngoài ra, tôi cũng có nhiều bài học quý giá từ những công việc khác nhau”.

Nữ doanh nhân gốc Việt Mimi Chan. (Ảnh: LittleFund)
Nữ doanh nhân gốc Việt Mimi Chan. Ảnh: LittleFund
 

Tiết kiệm từ ý tưởng

Chị Mimi Chan – nữ doanh nhân gốc Việt kể lại: “Khi con gái tôi chào đời, gia đình tôi nhận được rất nhiều quà tặng từ bạn bè và gia đình”.

Tuy vậy, chị cảm thấy áy náy bởi hằng năm, 96% đồ chơi mà trẻ em được tặng cùng với khoảng 80 triệu món đồ quần áo cho các bé bị thải ra.

Đó là lý do để người phụ nữ này quyết định sáng lập Littlefund - nền tảng mới tạo phong cách trao tặng quà hiện đại cho trẻ em lúc chào đời. Littlefund giúp các thành viên trong gia đình và bạn bè của họ đóng góp chi phí hiện thực hóa những ước mơ và mục tiêu của con trẻ, bao gồm chi phí để học đại học, đi chơi ở Disneyland, hay một chuyến tham quan bảo tàng.

Trước khi làm mẹ và giúp các gia đình tiết kiệm tốt hơn, Mimi Chan từng là nhà sáng lập và CEO của ứng dụng chia sẻ ảnh và thương mại điện tử Thread (được mua lại năm 2013). Cô cũng là thành viên sáng lập và COO của Pencils of Promise – tổ chức phi lợi nhuận giúp xây dựng 400 trường học trên thế giới.

Đam mê tạo lập những công ty có ảnh hưởng thực sự của Mimi Chan xuất phát từ tuổi thơ lớn lên là con gái của người nhập cư từ Việt Nam.

Chị chia sẻ: “Chúng tôi đi từ trại tị nạn ở Philippines tới Houston, Texas. Khi lớn lên, bố mẹ tôi nhấn mạnh ba điều với chị em tôi là Nhân quả, Giáo dục và Tiết kiệm. Họ tin rằng ghi nhớ và thực hành tốt ba thứ này sẽ dẫn đường đến thành công bất kể bạn xuất phát từ đâu”.

Dù có nhiều lúc nản lòng khi phải đối diện với những điều không công bằng khi là phụ nữ trong ngành công nghệ tài chính nhưng chị luôn học hỏi và bước tiếp. Kinh nghiệm của nữ doanh nhân gốc Việt là tìm kiếm quanh mình những người ủng hộ và giúp đỡ, lắng nghe câu chuyện của họ và quan điểm từ những cố vấn đồng trang lứa của mình.

TS. Trần Việt Hùng. (Ảnh: NVCC)
TS. Trần Việt Hùng. Ảnh: NVCC
 

Tận dụng nguồn nhân lực Việt

Từng là nghiên cứu sinh Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) ngành Khoa học máy tính, Đại học Iowa, nhưng ngay từ đầu TS. Trần Việt Hùng không xác định sẽ theo ngành học kỹ thuật. Từ năm thứ hai, anh đã học thêm về kinh doanh để khởi nghiệp.

Got It! là một ứng dụng giáo dục trên điện thoại được Hùng xây dựng từ năm 2011 trên nền tảng hỏi - đáp nhắm vào lĩnh vực giáo dục, cụ thể là học sinh phổ thông và sinh viên đại học.

Ứng dụng được thiết kế dựa trên các hiểu biết sâu sắc về đối tượng người dùng, giúp họ tìm kiếm giải đáp cho các thắc mắc của mình. Got It! đã đem lại chính xác những thứ họ muốn và thường xuyên ở trong top 10 ứng dụng giáo dục tại Apple App Store tại Mỹ, từng đứng thứ hai chỉ sau iTunesU.

Thời gian đầu khi lập ra Got It!, anh Hùng thuê một CEO người Mỹ nhưng sau một thời gian, anh quyết định tự mình học hỏi để điều hành mọi việc.

Hiện tại, dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, Got It! vẫn đang tiếp tục tăng trưởng tốt với ba trụ sở là Mỹ (Thung lũng Silicon), Ấn Độ và Việt Nam. Trong hơn 100 nhân sự, có nhiều người là lãnh đạo hay kỹ sư giỏi, từng làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Theo anh Hùng, một trong những khác biệt khi làm công nghệ ở Mỹ so với Việt Nam là mọi thứ quá đắt đỏ. Làm việc trong môi trường cạnh tranh và áp lực cao như ở Thung lũng Silicon, những yếu tố như con người, nguồn vốn và hệ sinh thái làm việc luôn được coi trọng.

Đối mặt với thách thức này, anh cho rằng Got It! đã tận dụng được lợi thế chính là nguồn nhân lực Việt Nam.

Chiến thuật "xin việc" mùa Covid

Tốt nghiệp chương trình MBA của Đại học Wisconsin tại Madison, cô gái Hailey Huyền Nguyễn đang tìm được công việc mơ ước tại Centennial Bank ở bang Arkansas. Điều cô nhận ra sau hành trình dài xin việc ở Mỹ là những người có năng lực giỏi chuyên môn chưa chắc sẽ có được việc làm, mà network (mạng lưới quan hệ) là yếu tố rất quan trọng.

Tìm kiếm việc làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng là lức tình trạng thất nghiệp ở Mỹ đang lên đến đỉnh điểm, cô gái Việt biết bản thân phải tận dụng mọi cơ hội dù nhỏ nhất.

“Tôi quyết định coi xin việc làm là việc toàn thời gian và luôn tự động viên mình “rồi mọi việc sẽ ổn”. Mở mắt ra là tôi sẽ khởi đầu ngày mới bằng cách kết nối từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Tôi cố gắng làm sao để lấp kín các cuộc gọi, cuộc phỏng vấn trong lịch trình làm việc mỗi ngày. Khi xin việc chăm chỉ, có nhiều cuộc hẹn, cuộc phỏng vấn như vậy, tôi cảm thấy như mình đang có một việc làm thật sự”.

Với những công việc rất thích, Huyền đặt ra mục tiêu phải tìm được từ 10-15 kết nối đang làm việc cho công ty đó để gửi tin nhắn Linkedin xin kết nối và hẹn gặp. Qua các cuộc hẹn điện thoại, cô cải thiện được khả năng tiếng Anh, coi đó là buổi luyện tập phỏng vấn, có thêm kiến thức về chuyên ngành đó, về công ty đó và vị trí đó.

Bài học quý mà cô gái Việt rút ra để xin việc hiệu quả và dễ dàng là cần bình tĩnh xác định đam mê nghề nghiệp của chính mình. Khi định vị được bản thân, Huyền đã “network” hiệu quả hơn và hồ sơ xin việc cũng nổi bật hơn với các công ty tài chính - nơi cô cảm thấy đam mê nhất.

Cô nói: “Nếu các bạn có niềm đam mê nghề nghiệp, tôi hy vọng các bạn sẽ vững tin vào đam mê của mình trong thử thách. Điều đó sẽ tiết kiệm cho các bạn nhiều công sức hơn”.

Hà Anh/ baoquocte.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu