A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiệp máy khâu gia truyền

Trong bếp nhà tôi ở quê Cốc bây giờ vẫn còn chiếc máy khâu Singer. Đây là kỉ vật lâu niên nhất của gia đình tôi, có trên 100 năm tuổi, chiếc máy khâu đã trải qua 5 thế hệ.

 Chiếc máy khâu Singer do cụ ông người Đức tặng tác giả

Máy khâu do ông nội tôi mua, ngày đó cụ làm máy khâu và tham gia chức "đoàn" của làng (như công an xã hiện nay). Sau này bố và chú ruột tôi nối nghiệp. Chú tôi, chú Đặng Minh Tuyết, đi bộ đội trực tiếp cầm súng đánh Mỹ, sau này ông chuyển ngành làm cán bộ cấp cao tỉnh Lâm Đồng. Kể từ ngày vào bộ đội chú tôi vĩnh viễn chia tay máy khâu; các con của chú cũng vậy, bốn đứa học đại học không biết máy khâu là gì.

Năm tôi 13 tuổi đã phải đi học cắt may bên cụ Nghệ xóm Vĩnh Khang. Sau mấy tháng học, bố tôi kiểm tra tay nghề thấy tôi không có năng khiếu nghề này nên bắt tôi đi học chữa xe đạp. Năm 17 tuổi tôi đi bộ đội, sau này sang Đức học nghề trồng rau, chế biến thực phẩm. Sau này nữa có thời gian dài làm "nghề cán bộ", phụ trách các đơn vị lao động, phụ trách công tác thanh niên toàn tỉnh, hồi đó đã được đi hầu hết các nước XHCN Đông Âu. Thời Đông Đức, loanh quanh thế nào tôi lại gắn với máy khâu. Ngày ấy ở Đông Đức gần như 100% người Việt đều biết may quần bò bán cho người Đức. Hầu hết xe máy, xe đạp, áo lông... có được đều do tiền may quần bò mà có.

Rồi tôi xây dựng gia đình, bố mẹ vợ làm nghề y, gia đình bên vợ không hề có ai làm may. Thế mà bây giờ, ở phương trời Âu nơi nước Đức xa xôi, vợ tôi tự cắt may được áo dài. Nàng đã tự may cho mình khoảng 100 áo dài các màu khác nhau. Hôm rồi, nàng may cho Ngan Le Kim ở Hamburg 3 chiếc, Ngân mặc vừa khít khìn khịt. Ngân bảo "em thích hơn cả những chiếc áo em may ở Việt Nam, mà có áo hơn 30 triệu một cái!". 

Có lẽ có "hoa tay" giống mẹ, nên cậu con thứ hai nhà tôi đang học năm thứ hai trường Technische Universität Berlin (Đại học kỹ thuật Berlin), một hôm đòi mẹ mua vải thun. Rồi cậu tự cắt cho mình và cho mấy đứa em họ áo thời trang rất đẹp, đẹp đến nỗi mà anh trai ở Hamburg cũng đòi: "Huy may cho anh một cái"!

Chỗ tôi làm việc chả hiểu ai đồn mà thỉnh thoảng các cụ người Đức vẫn đem máy khâu đến nhờ tôi chữa. Nói không phải khoe, tôi chưa đầu hàng trường hợp nào. Nếu bạn chữa cho ai cái máy nào đó, máy chạy ngon lành, không bỏ mũi khi vượt dốc, chỉ trên chỉ dưới đều như nhau, khi đó hẳn bạn vui biết nhường nào, nhất là khi trông thấy niềm vui ánh lên trong mắt của khách. Chả thế mà cách đây vài ngày, có cụ ông người Đức khoảng hơn 80 tuổi, đến gặp tôi, bảo: - Gia đình tôi có cái máy khâu đã gần trăm năm nay, tôi không sử dụng, tôi không muốn bán mà không muốn vứt đi, tôi tặng cậu! Máy khâu tôi đã chở đến đây, đang để ngoài xe...

Trong hoàn cảnh này chắc các bạn cũng như tôi hẳn sẽ gật đầu. Chiếc máy khâu Singer gần như mới cứng, trong ngăn kéo còn cả tờ hướng dẫn sử dụng.

Tôi bí mật không nói với vợ và âm thầm bày Dekorierte ở mặt tiền. Một hôm nàng phát hiện, reo lên vui mừng:

- Anh Sáng kiếm ở đâu máy khâu đẹp thế? Ngày xưa em chỉ ước bao giờ em có chiếc máy khâu này. Khi nào anh kê ở nhà, anh mua thêm chiếc đàn piano, anh đi học đánh đàn, em ngồi bên máy.

Nghe vợ nói, tôi than thầm nhưng lại thấy vui vui trong bụng “Mình nông dân 100%, lại chuẩn bị đi học đàn piano...”. Cây đàn piano “song hành” với cái máy khâu, có thể với nhiều người thì hơi… lạ. Nhưng đối với vợ chồng tôi, cây đàn bồi dưỡng đời sống tâm hồn; cái máy khâu thì “bồi dưỡng” đời sống vật chất; kết hợp lại như vợ nói, thật là trọn vẹn!

Thế Sáng (Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu