A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hy vọng con nhớ được Tết “ta”

Với “kinh nghiệm” 7 năm sống trên đất Mỹ, anh Mai Thế Ánh - 31 tuổi, ở Norman, Oklahoma - cho hay, dù không khí vào những ngày Tết “tây” (Tết dương lịch) ở nước ngoài luôn náo nhiệt và cực kỳ vui tươi, nhưng đối với những người VN xa xứ, Tết “ta” mới luôn chính là ngày tết của mình.

Mỗi dịp tết đến, anh Ánh lại viết đôi ba dòng cảm xúc cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Rồi đến năm sau, anh đọc lại những dòng chữ đó để xem cảm xúc của mình liệu vơi đi hay đầy hơn sau thêm một năm sống ở nơi “đất khách quê người”. Và anh phát hiện ra cảm xúc về cái Tết “ta” trở nên rõ nét hơn từ khi anh trở thành cha.

“Năm nay là cái tết thứ bảy trên đất Mỹ rồi. Không khí Tết “tây” ở đây vui lắm. Đường phố giăng đầy đèn hoa và những câu chúc mừng năm mới, trong khi người người tấp nập mua sắm vật dụng, thiếp mừng tặng nhau... Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, tươi cười, nhưng sao mình chẳng thấy cảm giác “hoà nhập” như hồi còn ở VN nhỉ. Trong khi đó, Tết “ta” thường trùng vào thời gian đầu học kỳ nên mình chẳng được nghỉ như ở nhà.



 Anh Mai Thế Ánh và con gái

Một, hai năm đầu, cảm giác bâng khuâng nhớ nhà, nhớ bữa cơm tất niên, nhớ đêm 30 ngồi bên gia đình, nhớ mấy ngày tết đi chơi gặp gỡ họ hàng cứ tràn ngập tâm trí. Sau rồi, dần dần cái cảm giác bâng khuâng đó biến mất. Thay vào đó, chỉ gọi điện về nhà đúng lúc giao thừa để chúc tết, sau đó đi ăn trưa và buổi chiều quay lại lớp học hay là quay lại phòng thí nghiệm để làm việc với sự trống trải trong lòng.

Hội sinh viên ở chỗ mình ở năm nào cũng tổ chức gói bánh chưng ăn tết, nhưng mình cũng chỉ cảm thấy như một party (tiệc) như bao party khác, vẫn thiếu một cái gì đó, có lẽ là thiếu không khí giao thừa với bao ước mong cho một năm mới nhiều hạnh phúc.

Nhưng rồi mình nhận ra, mình nhớ tết quê nhà hơn bao giờ hết kể từ khi có con gái. Năm nay, con đã 3 tuổi rưỡi rồi và bắt đầu biết nhiều thứ. Mọi thứ chưa thuận tiện để mình có thể đưa con gái về thăm quê hương lần nào. Mấy năm trước mình ý thức được phải dạy cho con biết Tết “ta” thế nào, song không biết mô tả sao cho cụ thể để con hiểu vì con còn bé quá.

Còn bây giờ, mình nghĩ có lẽ cách tốt nhất để con biết về tết cổ truyền VN  là gói bánh chưng. Mấy hôm nữa, mình sẽ dành thời gian để cho con gái đi tới chỗ các sinh viên VN gói bánh chưng, chỉ cho nó xem và làm cho nó một cái nho nhỏ. Sẽ giải thích cho con hiểu rằng cứ đến Tết “ta”, người VN lại làm loại bánh “nếp xanh bao đậu vàng bọc miếng thịt hồng xinh xinh” này là bởi vì người VN mong muốn sự đầm ấm, quây quần, bao bọc lẫn nhau trong gia đình mình, trong dân tộc mình.

Nghĩ đến ý nghĩa của bánh chưng, mình lại nhận ra rằng sang năm mới mình cần dành thêm thời gian với con, cùng chơi và chia sẻ với con nhiều hơn nữa. À, không thể thiếu phong bao lì xì cho con gái, để con có được cảm giác hạnh phúc mà mình từng có vào những ngày bé được ở VN. Rồi sẽ mua cho con gái một con piggy bank (lợn đất) để con gái cất tiền lì xì (trẻ con bên VN chắc giỏi mấy khoản này hơn trẻ con ở Mỹ) để con sẽ chẳng “khác” là bao trẻ em ở VN nhỉ.

Mỗi năm đầu tiên sang Mỹ là mình đi chùa xem không khí tết và ngửi mùi pháo (bên này vẫn được đốt). Nghĩ lại thấy tiếc và vô tình quá. Vì vậy, tết năm nay mình sẽ cùng cả nhà, nhất là con gái đi xem chùa xem đốt pháo, đấy cũng là nét truyền thống của người VN mà. Tết năm nay thật nhiều dự định hơn những năm vừa qua, chắc bởi vì mình muốn con gái biết được những thứ truyền thống tết VN. Hy vọng con có thể biết được về Tết “ta” phần nào. Nhưng cảm giác bâng khuâng và háo hức mỗi khi Tết “ta” về chắc khó có thể nào dạy được con trên đất Mỹ”.

(Theo Lao Động)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu