A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế và những nghiên cứu linh vật mỹ thuật cổ Việt Nam

Hơn 20 năm nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa và lịch sử dân tộc, Tiến sĩ (TS) Trần Hậu Yên Thế đã thành công với Công trình nghiên cứu về Nghê Việt. Với cách tiếp cận khoa học, dành nhiều tâm sức, anh đã đưa vị trí của Nghê Việt có chỗ đứng trong đời sống văn hóa và học thuật, giúp công chúng có cái nhìn rộng hơn về linh vật này, từ đó đưa tạo hình Nghê thành một hệ sinh thái có tính ứng dụng trong hội họa, mỹ thuật, thời trang, kiến trúc và du lịch.

 Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế và cuốn sách "Nghê Việt tinh tuyển" do mình biên soạn. Ảnh: Trần Thanh Giang

TS Trần Hậu Yên Thế có lẽ là người đầu tiên nghiên cứu về Nghê và đưa hình ảnh Nghê tạo hình trên nhiều chất liệu từ những vật dụng nhỏ trong đời sống đến đưa biểu tượng Nghê vào thương hiệu kiến trúc Nghê House, Nghê Prana Villa and Spa.

Anh cũng là người phục dựng điệu múa Nghê để giới thiệu trong các tour du lịch khám phá Việt Nam. Với sự dấn thân, trải nghiệm và dày công khảo sát các công trình nghiên cứu về Nghê do TS Trần Hậu Yên Thế công bố, giới khoa học đã công nhận và khẳng định giá trị của Nghê gắn liền với nhiều chứng tích lịch sử của dân tộc. Mới đây nhất, biểu tượng Nghê cười là một trong ba mẫu phác thảo vào chung kết biểu tượng linh vật của Seagame 31.

Từ năm 2005 đến nay, TS Trần Hậu Yên Thế đã có nhiều chuyến đi khắp Việt Nam, sưu tầm hình ảnh di tích lịch sử về Nghê. Có những chuyến đi, tiếp xúc với địa phương anh có cả niềm vui, nỗi buồn và những trăn trở đọng lại trong từng trang tư liệu ghi chép. Theo anh thì Nghê là một linh vật sống động trong đời sống tinh thần của người Việt từ nhiều thế kỷ nên càng đi nhiều, khám phá sâu anh lại càng thấy những cuốn hút thú vị. Thậm chí, có những đình, đền đến thăm, anh rất ngạc nhiên khi đếm được 28 con Nghê ở đó.

Về tạo hình của Nghê từ các nghệ sĩ dân gian, với anh là những cảm xúc đa chiều trước hình ảnh Nghê ở nhiều trạng thái như: Nghê vui đùa bắt cá, Nghê đeo hoa tai, Nghê ngậm ngọc báu, Nghê cười hả hê... Con Nghê không nằm trong bộ các con vật theo phẩm phục, nó luôn nằm ở vị trí chầu rìa, hình dạng, kích thước của Nghê không có quy chuẩn nên nó lại là yếu tố giúp các nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo. Đó cũng nét thú vị để Nghê góp phần tạo nên hồn Việt trong nghệ thuật dân gian Việt Nam.

TS Trần Hậu Yên Thế có một niềm đam mê rất khác người là thích nghiên cứu những thứ cổ xưa, đồ vật mà gần như mọi người ít để ý, thậm chí lãng quên bên lề cuộc sống. Từ các hiện vật này, anh móc xích chúng lại với nhau, tạo thành chiều sâu của câu chuyện văn hóa. Cái duyên đưa anh đến những công trình nghiên cứu, tìm lại các giá trị đích thực của Nghê cũng từ ấn tượng hình ảnh Nghê chầu ở Dinh Vua Lê. Anh cứ đăm đắm với con Nghê mà trăn trở về thân phận của nó khi chầu rìa trong chốn linh thiêng. TS Trần Hậu Yên Thế quyết tâm phải nghiên cứu về Nghê và nhận thấy có một cái thiệt thòi là nó ít được nhắc đến ở những vị trí cao sang. Tuy nhiên, có lẽ vị trí chầu rìa bên lề nó lại có cơ hội để các nghệ nhân tài hoa khắc họa nên những tác phẩm tạo hình dân gian nổi tiếng từ hàng ngàn năm nay. Con Nghê luôn đứng sau những linh vật danh giá của đình, chùa như Phượng múa Nghê chầu, Phượng múa Nghê cười…

 Du khách được xem trực tiếp một con Nghê và nghe Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ những câu chuyện lịch sử về Nghê Việt. Ảnh: Trần Thanh Giang

Những thông tin khoa học xác thực về Nghê cũng đã được TS Trần Hậu Yên Thế tập hợp, nghiên cứu công phu bằng hình ảnh và số liệu, xuất bản trong cuốn sách "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa năm 2017". Đây là cuốn sách đầu tiên khảo cứu về lai lịch, xưng danh, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của linh vật Nghê. Thông qua cuốn sách, người đọc nhận ra vẻ đẹp giản dị nhưng huyền diệu của Nghê, mộc mạc như chính tâm hồn người Việt. Đó là những thông tin khoa học và ý nghĩa văn hóa rất được trân trọng.

Năm 2020, cuốn sách "Nghê Việt tinh tuyển" được Nhà xuất bản Thế giới dịch sang tiếng Anh, giúp quảng bá tinh hoa của Văn hóa Việt Nam với bè bạn quốc tế trước thềm Seagames 31. Từ đây, người đọc có thể khám phá trọn vẹn hình ảnh con Nghê dưới góc nhìn một kiểu thức lựa chọn của văn hóa Việt. TS. Trần Hậu Yên Thế đã giúp độc giả hiểu hơn về Nghê với muôn hình vạn trạng từ khóe mắt đến nụ cười, trang nghiêm và hoan hỷ đến các câu chuyện như: Nghê vẫn quanh ta, Nghê chốn chùa chiền, Nghê chốn cung vua, phủ chúa, Nghê chốn đình làng, Nghê trong bảo tàng. Thực tế sống động hơn, Nghê đã bước ra từ trang sách với Múa Nghê cung đình được TS Trần Hậu Yên Thế phục dựng thành công, biểu tượng Nghê cũng đã được anh đưa vào trong các mẫu áo dài Việt Nam. Mới đây nhất, Nghê đã vượt ra khỏi không gian của nghiên cứu và là biểu tượng của một khách sạn mới được xây dựng có tên Nghê Villa.

TS Trần Hậu Yên Thế còn có một cái tài, cái duyên là những câu chuyện anh truyền cảm hứng say lòng người từ các thông tin khoa học, sự dấn thân trải nghiệm nhiều năm tháng mà anh khảo sát, nghiên cứu về Nghê. Nhóm CLB Những người bạn di sản Việt Nam với nhiều du khách quốc tế đã đến xem điệu múa Nghê, giới thiệu sách về Nghê và họ rất thích hình tượng con Nghê được biểu đạt bởi nhiều sắc thái phong phú, đa dạng, vừa gần gũi tình cảm lại vừa thiêng liêng oai mãnh. Chị Steala, Chủ tịch CLB Những người bạn di sản Việt Nam đã chia sẻ: "TS Trần Hậu Yên Thế kể chuyện về Nghê mang lại sự trải nghiệm thú vị, giúp người nghe hiểu thêm về ý nghĩa biểu tượng nghê, hiểu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam, vẻ đẹp giản dị mà huyền diệu của những chú Nghê cũng như nguồn gốc của Nghê Việt.".

Với tất cả tình yêu di sản văn hóa Việt, TS Trần Hậu Yên Thế đã nghiên cứu rất kỹ và công phu về Nghê mà chưa có nghiên cứu nào trước đó đã thực hiện trước đó về một linh vật của mỹ thuật cổ Việt Nam. Số lượng hình ảnh Nghê lên đến hàng nghìn bức phác thảo được so sánh, đối chiếu với nhiều vùng văn hóa khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đây là tài liệu quý cho việc khẳng định giá trị của linh vật thuần Việt nhằm đẩy lùi làn sóng “xâm thực” của những linh vật ngoại vào văn hóa Việt.

Hình ảnh con Nghê đã và đang hiện diện sinh động trong cuộc sống người Việt và sẽ tiếp tục được TS Trần Hậu Yên Thế tái tạo hình ảnh trên nhiều phương diện tạo hình khác để lan tỏa hệ sinh thái về Nghê đến cộng đồng và khẳng định chỗ đứng của Nghê trong tâm thức người dân Việt Nam. Nghê cũng chính là một biểu tượng đẹp của văn hóa lịch sử dân tộc cần được bảo tồn và tự hào./.

Giảng viên, họa sĩ, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970 và hiện làm việc tại khoa Lý luận, lịch sử và phê bình Mỹ thuật, ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách như "Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác", "Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê", "Song xưa phố cũ"... Anh cũng hai lần nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” do báo Thể thao Văn hóa, TTXVN trao tặng.

(Theo Báo Ảnh Việt Nam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm