A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Nghề diễn đã chọn tôi…”

Tôi gặp NSƯT Chí Trung tại Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi anh đang công tác và giữ chức vụ Phó giám đốc phụ trách tổ chức biểu diễn. Nhìn anh vừa làm diễn viên vừa kiêm trọng trách quản lý, làm việc với cường độ chóng mặt mà tôi thấy toát mồ hôi. Vậy mà ở anh vẫn đầy năng lượng, sôi nổi, hài hước, luôn cười sảng khoái như đúng cái chất riêng nghệ sĩ trong anh.

Nói đến Chí Trung, chắc hẳn rất nhiều thế hệ khán giả luôn dành cho anh những tình cảm mến mộ bởi tài năng của một nghệ sĩ đa tài và đặc biệt là hình ảnh “Táo Giao thông” hài hước, dí dỏm, duyên dáng trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” phát sóng đêm Giao thừa mỗi năm. Lắng nghe chia sẻ của anh về công việc, về cuộc sống mới thấy một Chí Trung hoàn toàn khác, rất đời và thẳng thắn, không văn hoa mỹ miều.

 NSƯT Chí Trung

Tính đến nay, anh đã có 39 năm gắn bó với nghề diễn viên. Với những đóng góp nổi bật cho sân khấu và điện ảnh, năm 1997, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Anh tâm sự rằng, anh sống thực tế, hết mình với nghệ thuật mà không màng danh vọng hay danh vị cao hơn. Bởi theo anh, danh vị phải đến như hương trời, tự nhiên như hơi thở và được xã hội công nhận, chứ không phải được nhận bởi một số cơ chế định lý vật chất, định lượng về con người. “Nghề diễn đã chọn tôi chứ tôi không chọn nghề. Bản thân tôi đến với nghệ thuật như một định mệnh, đã được sắp đặt. Nếu có kiếp sau có lẽ tôi sẽ chọn nghề khác thôi”, NSƯT Chí Trung tâm sự.

Vợ anh là NSƯT Ngọc Huyền. Vì đồng lương nghệ sĩ ba cọc ba đồng nên ngoài nghiệp diễn, anh phải “buôn” nhiều thứ để có tiền nuôi con. Anh hóm hỉnh ví von, tối thì làm “Romeo, Othello” nhưng ban ngày thì lại là dân “phe” thứ thiệt. Nhưng chính những năm tháng đó đã hun đúc một nghệ sĩ Chí Trung biết làm kinh tế song hành cùng làm nghệ thuật như ngày hôm nay. Anh chính là hạt nhân, "xúc tác" mạnh của Nhà hát Tuổi Trẻ trong giai đoạn xã hội hóa sân khấu. Lúc đầu nhiều người nghĩ anh là thực dụng, vì tại thời điểm mọi người vẫn còn đang mơ màng thì anh đã mạnh dạn, dũng cảm dẫn quân-cụ thể là Đoàn kịch 2-đi phát tờ rơi đến từng quầy, từng sạp chợ, biến tất cả các nhà văn hóa của các xã, huyện, tỉnh trong cả nước thành sân khấu của… Nhà hát Tuổi Trẻ!

Quan điểm của anh rất rõ ràng, dù đam mê nghệ thuật đến mấy thì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Tuy nhiên, để tồn tại trong cơ chế thị trường hiện nay, anh cùng các anh em nghệ sĩ trong nhà hát xác định rằng, cần phải có hướng đi đúng đắn, đột phá phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Nhà hát Tuổi Trẻ là một trong những nhà hát sinh sau đẻ muộn, nhưng có sức trẻ, lại không bị ràng buộc bởi định kiến của thế hệ đi trước. Các bậc lãnh đạo tiền bối đều được đào tạo ở nước ngoài nên họ đã đưa phong cách mới, phong cách diễn trẻ trung đến mức độ bản năng, nhưng dễ đi vào lòng người, tạo nên phong cách Nhà hát Tuổi Trẻ không lẫn vào đâu được.

Điều anh cảm thấy tự hào, mãn nguyện nhất, đó là Nhà hát Tuổi Trẻ sớm bắt kịp xu thế của cơ chế thị trường, đổi mới cách tiếp cận khán giả nên đã gặt hái nhiều thành công. Trong ba năm gần đây, anh cùng các diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát đã dựng các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ và phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) xây dựng thành công chương trình “Chắp cánh niềm tin” tặng hàng trăm suất diễn cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Hà Nội, các khối doanh nghiệp, trí thức, bộ đội, các khách hàng của SHB ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.

(Theo Quân đội Nhân dân Online)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm