Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải đáp những vấn đề liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con sinh ở nước ngoài

Hỏi: Tôi là người Việt hiện đang sinh sống ở Singapore với chồng là người Mỹ. Tôi sắp sinh bé trai và sẽ sinh con ở Singapore và không biết khi nào mới trở lại Việt Nam, nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn đăng ký cả hai quốc tịch - Mỹ và Việt Nam - cho con…

Xin hỏi:

  1. Tôi có thể nhập quốc tịch Việt Nam cho con tôi trên đất Singapore không?
  2. Nếu được, cháu có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi không?
  3. Nếu sau này cháu về Việt Nam và chẳng may dính vào pháp lý thì cháu sẽ phải chịu sự quản lý của cơ quan luật Việt Nam mà chính phủ Mỹ không thể can thiệp, có phải không?

* Trả lời:

1. Về việc đăng ký quốc tịch Việt Nam khi đăng ký khai sinh cho trẻ tại Singapore:

Theo Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội, đã sửa đổi bổ sung bởi Luật số 56/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 (sau đây gọi tắt là “Luật Quốc tịch Việt Nam”) quy định: “Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”.

Do đó, vợ chồng bạn phải có thoả thuận bằng văn bản về quốc tịch của trẻ tại thời điểm đăng ký khai sinh là quốc tịch Việt Nam.

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ được thực hiện tại Cơ quan Đại diện của Việt Nam tại Singapore theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/06/2016 của Bộ tư pháp và Bộ ngoại giao hướng dẫn thực hiện quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

2. Thực hiện nghĩa vụ quân sự

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam) phải thực hiện nghĩa vụ quân sự khi công dân đó đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự (khoản 2 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015)

Do đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì khi đến tuổi, cháu vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Thẩm quyền của nhà nước Việt Nam đối với người có hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài) liên quan đến việc thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Khoản 1 Điều 12 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về việc giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài như sau:

“Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế.”

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Công ước Lahay năm 1930 mà Việt Nam đã tham gia thì: Một nước không được bảo hộ ngoại giao cho công dân của mình tại một nước khác mà người này cũng có quốc tịch và hiện đang cư trú.”

Theo quy định của pháp luật Việt Nam: Nơi cư trú của công dân là nơi người đó thường trú hoặc tạm trú (Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật cư trú)

Do đó, nếu con của bạn đang tạm trú hoặc thường trú tại Việt Nam thì cháu phải tuân thủ và phải tự mình chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam khi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội


Các tin khác

Tin tiêu điểm