A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạn quan Hoàng Nhân Dũng bị nghiêm trị

Năm Nhâm Thìn (1652), triều đình vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã xử một vụ án khá lớn mà bị cáo là Trịnh Lãm. Thực ra, bị cáo người họ Hoàng, họ và tên thật là Hoàng Nhân Dũng.

Bấy giờ, Hoàng Nhân Dũng là hoạn quan, chuyên lo phục dịch trong phủ chúa Trịnh, được chúa Trịnh Tráng đặc biệt thương mến, cho đổi thành họ Trịnh và ban cho chức tước lớn. Đáp lại, Hoàng Nhân Dũng đã... âm mưu nổi loạn. Việc bị phát giác và Hoàng Nhân Dũng bị xử tử. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 42-b) viết:

"Mùa xuân, tháng Ba, Hoàng Nhân Dũng mưu nổi loạn, bị giết. Nhân Dũng vốn là một tên hoạn quan được Chúa yêu, làm đến chức Chưởng tư lễ giám, hàm Thiếu bảo, tước Quận công, được ban họ tên là Trịnh Lãm. Bởi quyền cao, lộc nhiều, (Hoàng Nhân Dũng) ngày càng kiêu căng, sống phóng túng. Hắn bí mật thông mưu với Trần Nhân Liễn, lén lút nuôi kẻ có tài yêu thuật là Tuyên Đức để hòng khởi loạn. Việc ấy bị phát giác, Hoàng Nhân Dũng bị đưa xuống để triều thần xét tội. Hắn bị chém đầu đem đi bêu, còn bọn Trần Nhân Liễn và Tuyên Đức đều bị tùng xẻo và bêu cho thiên hạ thấy".

Lời bàn:

Hẳn nhiên, nhân cách của vua Lê và chúa Trịnh là chẳng tốt đẹp gì. Cũng hẳn nhiên, nhân cách của phần lớn quan lại trong triều đình lúc ấy là chẳng tốt đẹp gì. Nhưng ở đời, không phải lúc nào người chống cái xấu cũng đều là người tốt. Ai bảo kẻ thù của kẻ thù là bạn, thì cứ để mặc họ say sưa với những ý nghĩ ngây thơ và tội nghiệp của họ. Cuộc đời không đơn giản như thế đâu.

Hoàng Nhân Dũng chấp nhận kiếp... hoạn quan để được cúc cung tận tụy phục vụ trong phủ Chúa, đáp lại, chúa Trịnh Tráng cũng đã tỏ ra rất rộng rãi với Hoàng Nhân Dũng. Võ tướng một đời vào sống ra chết, văn quan từng đỗ đại khoa và một lòng phò vua giúp nước đến tận lúc tóc bạc răng long, vẫn chưa chắc đã có quyền cao chức trọng, vậy mà Hoàng Nhân Dũng... ! Hóa ra, được lòng bề trên là được tất cả. Bằng cấp, tài năng và công lớn, chưa dễ sánh với một câu nói làm mát dạ đấng chúa tể thiên hạ. Chua xót thay!

Song le, Chúa thương vì sự đẹp lòng, thì Chúa ghét cũng bởi sự không đẹp lòng đó thôi. Một chút để mắt của Chúa, đủ để Hoàng Nhân Dũng hưởng vinh hoa phú quý một đời, và một thoáng trừng mắt của Chúa cũng đủ để Hoàng Nhân Dũng tan thây trong chốc lát. Biết nói sao cho phải bây giờ, hỡi hồn thiêng hoạn quan Hoàng Nhân Dũng. Ở đời, có ai thương kẻ phản trắc đâu!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu