A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng cồng chiêng của người Cor Trà Bồng

Truyền lại niềm đam mê cồng chiêng cho lớp trẻ là tâm huyết cả đời của những già làng người Cor ở vùng núi miền tây Quảng Ngãi. Thế hệ đi trước dẫn đường, người trẻ đi sau tiếp “lửa”, ấy thế nên thứ âm thanh của nguồn cội vẫn còn vang lên đầy sức sống qua những đôi bàn tay khéo léo của các “nghệ nhân” tuổi đôi mươi.

Điển hình là Hồ Văn Biên - dân tộc Cor, cán bộ Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) không ngại khó đã đi khắp các thôn, xóm trong huyện để dạy lớp trẻ biết đánh cồng chiêng - một loại nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Cor.



Con trẻ ở thôn 2, xã Trà Thủy quây quần bên già Thuận học đánh chiêng

Để thuyết phục cho đám trẻ say mê tập luyện, Hồ Văn Biên đã tự chơi những bản chiêng lúc du dương trầm buồn, trữ tình, lúc ngân nga hùng tráng. Từ đó, đám thanh niên xin anh Biên chỉ dạy cách chơi cồng chiêng ngày càng đông hơn. Già làng Hồ Ngọc Vừng, ở xã Trà Sơn, bộc bạch: “Bây giờ đám trẻ thanh niên biết cách đánh chiêng bằng chú, bằng bác, bằng ông, bằng cha rất mừng để giữ lại bản sắc của dân tộc mình”.

Bây giờ về khắp thôn, xóm Cor ở Trà Bồng thường bắt gặp vài ba thanh niên say sưa tập đánh cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Có những thôn thành lập một đội chiêng hẳn hoi. Trong những dịp văn nghệ do địa phương tổ chức là dịp để các đội cồng chiêng của Trà Bồng thi thố tài năng, giao lưu học hỏi. Khi trở về làng, các “tay chiêng” càng hăng say tập luyện nhiều hơn để tiếng chiêng của làng mình ngân vang và hay hơn.

Thôn 2, xã Trà Thủy có 96 hộ đồng bào thì đã có hơn 60 hộ gia đình còn lưu giữ lại bộ chiêng truyền thống. Vậy nên những lúc rảnh rỗi, những người già trong gia đình lại tập cho con cháu cách cầm dùi, đánh chiêng. Ngoài việc mỗi hộ gia đình tự tập dợt cho con cháu tại nhà, các già làng thôn 2 còn tập hợp lớp trẻ đến nhà văn hóa thôn để dạy đánh chiêng. Dưới không khí sum họp đầm ấm, các bài chiêng chào khách, chiêng tiễn khách... dần dần “thấm” vào lớp trẻ thông qua những buổi sinh hoạt như thế.

Nhạc chiêng đã đi vào cuộc sống hiện hữu, trở thành hơi thở, máu thịt và cao hơn nữa là đã trở thành đời sống tâm linh của đồng bào Cor. Trong một lễ hội cồng chiêng của người Cor Trà Bồng, tôi đã có dịp trò chuyện với nhạc sĩ Thế Truyền - người có công trình nghiên cứu về dân ca, dân nhạc của đồng bào Cor.

Anh Truyền cho biết: Văn hóa cồng chiêng là một trong những thành tố văn hóa đặc sắc và tiêu biểu gắn liền với đời sống văn hóa-xã hội của các dân tộc nằm trong văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên trong suốt quá trình lịch sử. Tiếng chiêng tự bao giờ đã gắn bó máu thịt với nhân dân Cor từ khi họ sinh ra, đến khi trưởng thành và trở về với ông bà, tổ tiên. Tiếng chiêng luôn gắn kết chặt chẽ với vòng đời của họ... nó đã trở thành dòng máu chảy trong huyết quản. Từ đó đã kết tinh thành các giá trị văn hóa mang tính bản sắc.

Cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc của người Cor. Để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đó theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Trà Bồng đã có đề án gìn giữ và phát huy vốn văn hóa của dân tộc Cor, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Có dịp lên Trà Bồng nghe tấu nhạc chiêng, cùng hòa vào điệu múa Cà-đáo, hòa vào tiếng suối, tiếng thác, tiếng gió ngàn vi vút ta sẽ có dịp cảm nhận vẻ đẹp của đất nước và con người Trà Bồng chân chất, thủy chung nhưng cũng vô cùng anh dũng.

Hiện nay, toàn huyện có 815 người biết đánh chiêng, 179 người đánh chiêng giỏi, 69 người biết chỉnh chiêng... là những con số biết nói thể hiện ý thức giữ gìn và bảo lưu nền văn hóa truyền thống của cộng đồng người Cor ở Trà Bồng. Giữa nhịp sống đương đại hối hả, tiếng cồng chiêng nhịp nhàng vẫn đều đặn vang lên bởi những người Cor luôn hướng lòng về với những giá trị muôn đời của cha ông./.

(Theo langvietonline.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu