A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháp ở Việt Nam

Tháp Bình Sơn (Tam Sơn - Lập Thạch - Vĩnh Phú). Kiến trúc Lý Trần. Tháp vuông, cao 16 m, hiện còn 11 tầng và tầng bệ. Bệ tháp mỗi cạnh gần 5m càng lên cao càng nhỏ, tầng trên cùng mỗi cạnh 1,55 m. Giữa các tầng tháp đều có gờ mái hẹp, uốn cong. Tháp rỗng lòng, bên trong xây bằng gạch nung già, bên ngoài ốp gạch có trang trí các hình rồng, phượng, rùa, hoa sen, hoa cúc, lá đề, tượng Phật đắp nổi hoặc khắc chìm. Bệ tháp trang trí phù điêu sư tử hí cầu, hoa dây. Tầng thứ nhất cao 3m đặt trên toà sen có 3 lớp cánh, mỗi mặt có một cửa hình chữ nhật phía trên vát góc. Cửa phía tây để ngỏ, ba cửa kia đóng kín. Trên mỗi khuôn cửa có đắp "lá nhĩ", có hình hoa lá và hạt ngọc viền cánh hoa. Mỗi bên cửa là một dải trang trí gồm ba khung hình chữ nhật xung quanh viền cánh hoa sen, giữa mỗi khung là ba hình rồng cuộn khúc trong vòng tròn, tổng cộng có 72 hình rồng cuộn khúc trang trí cho 4 khuôn cửa ở 4 mặt của tầng thứ nhất. Phía trên cửa là hai đợt hoa văn hình lá đề và "con sơn chồng đầu" giả đắp nổi, đỡ lấy gờ mái, nâng lớp cánh hoa sen lật ngửa ôm chân tầng thứ hai. Các tầng trên đều trổ cửa tò vò ở bốn mặt, bịt kín quanh khuôn cửa trang trí hình sen, cúc, lá đề, bảo tháp, tượng Phật... 

Tháp Chương Sơn. Trên núi Ngô Xá (Ý Yên – Nam Hà) xây dựng thời Lý Nhân Tông (1108). Kiến trúc quan trọng thời Lý. Thế kỷ XV bị quân Minh phá. Hiện nay trên đỉnh núi Ngô Xá còn bốn bức tường ghép bằng những tảng đá lớn, quây thành nền hình vuông, hai cửa có bậc lên xuống ở phía đông và phía tây, phía dưới là sân lát gạch. Vòng ngoài chân tháp hiện còn mỗi bề rộng 19m. Nhiều bộ phận bằng đá và đất nung còn nguyên vẹn. Những viên gạch lớn ghi “chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý, niên hiệu Long Phù Nguyện hoá năm thứ năm” (1105). Đá xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì (đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào) hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Phần lớn các bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cốt... đều được phủ kín bằng trang trí thời Lý: rồng, phượng, khỉ, tượng đầu người mình chim... Có những viên gạch chạm rồng rất tinh tế, đẹp như những bức phù điêu nhỏ. Nổi bật là bức thành bó bậc thềm lên xuống gồm hai tấm đá lớn ghép lại, chạm hình sóng cuộn, tay vịn là một phiến đá dài gần 2,5m cao 0,5m, dầy 0,2m chạm cả hai bên mặt, mỗi mặt có 7 hình người, trong điệu múa dâng hoa, mỗi người ở tư thế khác nhau. Khuôn mặt trái xoan, đội mũ cài hoa, tay đeo vòng, cầm hoa sen, cổ đeo chuỗi hạt, quần túm ống, chân đi hài mũi cong. 

Tháp Mỹ Sơn. (Duy Tân – Duy Xuyên, Quảng Nam – Đà Nẵng). Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60km, ở trong một thung lũng còn gọi là thành phố Thánh của người Chàm. Ngôi tháp đầu tiên xây vào thế kỷ thứ V. Thung lũng tròn đường kính 1,5km. Có khoảng 70 di tích toà thành, nền móng các lâu đài, đền tháp quây thành 5 khu. Khu chính là khu tháp chùa có 19 tháp. Mấy dẫy tháp phía ngoài xây liền nhau như toà lầu mái bằng. Cửa và cột trụ chạm khắc tinh vi. Tháp lớn nhất là tháp Chùa, vốn cao gần 30m, nền vuông, các tầng chồng lên nhau, cùng một kiểu, càng lên cao càng nhỏ; xây bằng thứ gạch đỏ sẫm, xếp chồng từng lượt, không có dấu gắn vữa. Có hai cửa: tây và đông. Cửa tây chạm trổ đẹp. Xà ngang trên cửa là một tấm đá to, dài. Xung quanh cửa, trên khắp mặt tường chạm nổi hình các thần, các vũ nữ đang múa, trổ những hình hoa lá xen giữa thiên nga, chim, voi, sư tử... Vào trong cửa, hai bên có hai trục đá đỡ một thớt đá hình bán nguyệt có chạm trổ. Bốn bức tường càng lên cao càng chụm lại và chóp là một khối đá. Ở mỗi góc tháp có một bệ nhỏ trên đặt tượng đặc biệt, ở mặt phía tây có tượng vũ nữ Apsara. Giữa tháp là bộ linga-yôni.

 

 

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu