A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức sống của làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống

Làng Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên nổi tiếng khắp vùng bởi nghề làm mặt nạ, trống cho trẻ em mỗi dịp trung thu. So với những làng nghề “bảy nổi ba chìm” trong cuộc sống hiện đại, mặt hàng truyền thống của làng Ông Hảo vẫn bền bỉ sống và ngày càng được ưa chuộng.

 Toàn cảnh nơi làm mặt nạ của nhà ông Vũ Huy Đông.
Ảnh: Hương Chi

Những “bàn tay” phù thủy

Cứ từ khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch, người dân làng Ông Hảo ngưng mùa vụ hè thu là bắt tay vào chuẩn bị làm đồ chơi trung thu. Bởi thế, nơi đây được ví von là nơi trung thu đến sớm nhất trong cả nước. Những hình ảnh quen thuộc trong mỗi đêm trăng Rằm - từ trống, mặt nạ, đầu sư tử đều đã hong nắng trong sân từ trước trung thu cả tháng trời.

Từ đường vào, khách đến làng đã có thể biết nhà nào còn giữ nghề. Những nguyên liệu tre, nứa, giấy, bìa cát-tông... chất gọn vào một góc, nơi nào cao ráo thoáng mát dành để hong khô thành phẩm. Điều đặc biệt, những món đồ chơi trung thu của làng Ông Hảo đều được làm thủ công với nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ đèn ông sao, đèn kéo quân làm bằng tre nứa, thậm chí là giấy báo phế liệu cũng có thể “phù phép” để trở thành những mặt nạ giấy bồi sống động, bắt mắt.

 Tô màu cho mặt nạ giấy bồi . Ảnh: Hương Chi

Sự khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế được thể hiện trong từng công đoạn để làm nên một chiếc trống hay mặt nạ. Công đoạn đầu tiên là tạo khuôn cơ bản cho một chiếc mặt nạ, sau đó dán giấy bồi. Người thợ sẽ bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn xi măng đúc sẵn, phết hồ lên để kết dính các lớp giấy. Điều đặc biệt là loại keo được sử dụng trong tất cả các công đoạn làm mặt nạ đều được làm từ bột sắn quấy đặc, cũng là một sản phẩm thiên nhiên thân thiện với người sử dụng. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy trắng được vẽ tay, phủ sơn lên. Công đoạn vẽ khó nhất là vẽ đầu lân, đầu sư tử, để cho ra được sản phẩm có thần thái, người vẽ phải nhấn vào các chi tiết râu, mắt… để trở thành những món đồ chơi không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.

Gia đình ông Vũ Huy Đông là một trong số ít những hộ gia đình có thâm niên mấy chục năm làm mặt nạ thủ công thương túc tắc làm cả năm, nhưng huy động cả gia đình vào vụ trước trung thu bởi nhu cầu của thị trường lớn. Theo ông Đông, làng Ông Hảo làm hơn 20 loại mặt nạ giấy bồi khác nhau, từ mặt nạ chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm, mặt các loại con vật tới đầu lân, đầu sư tử… Còn lại đa số dân làng đều làm trống, bởi mặt hàng này có thể bày bán quanh năm tại các trung tâm du lịch, thành phố hay các điểm mua sắm cho du khách.

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Trong những năm trở lại đây, cùng với xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống, thân thiện cho trẻ nhỏ, nhiều gia đình đã lựa chọn những sản phẩm mặt nạ giấy bồi, trống, đèn ông sao… của làng Ông Hảo để làm quà cho thiếu nhi. Có sự tín nhiệm, những người dân làng lại có động lực sản xuất, cải tiến mẫu mã, với nhiều nhân vật mới bước ra từ truyện tranh, phim hoạt hình, gần gũi và thân thuộc với trẻ em ngày nay hơn.

 Mặt nạ tễu . Ảnh: Hương Chi

Tiềm năng thị trường lớn nhưng không phải ai cũng mặn mà giữ nghề. Ở làng giờ còn khoảng hơn chục hộ tâm huyết với nghề cha truyền con nối này. Xòe đôi bàn tay chai sần vì lao động, ông Vũ Huy Đông, nhẩm tính, bản thân ông có lẽ đã gắn bó với nghề làm trống, mặt nạ được gần 50 năm rồi. Nhưng chủ yếu là ông bà làm, rồi thuyết phục và động viên con cháu phụ giúp. Ông chia sẻ, mặt nạ hay trống giá cả giao động từ 15.000 đồng/chiếc tới 200.000 đồng/chiếc là cao nhất, nhiều khi lấy công làm lãi nên thanh niên trong làng không tha thiết cho lắm. Chưa kể lại phải tìm nguyên liệu, tìm nguồn hàng nên rất vất vả. Nhưng ai nặng lòng với truyền thống thì đều ý thức giữ gìn, cũng là một nguồn sinh kế phụ thêm vào các công việc đồng áng, buôn bán chính.

Từ tháng 7 âm lịch trở đi, những chuyến xe chở hàng tấp nập ngược xuôi từ làng Hảo tới các vùng miền. Theo người dân trong làng, những chiếc mặt nạ được bán đi khắp muôn nơi, đặc biệt là các đầu mối như Hàng Mã (Hà Nội), Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng… Có những gia đình trung bình mỗi năm làm hơn 10.000 chiếc mặt nạ và 6.000 - 8.000 chiếc trống, mang những món đồ chơi dân gian từ làng Hảo đang được tỏa đi khắp mọi miền của đất nước, hiện hữu trong từng gia đình và ký ức của mỗi bạn nhỏ về những ngày trung thu rộn rã, tưng bừng.

Không chỉ gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc cho các thế hệ sau, người làng Ông Hảo còn tự hào giới thiệu với du khách đến thăm làng về “đặc sản” quê hương. Những thứ đồ chơi mộc mạc, dân giã, khác trong mắt du khách nước ngoài đều độc đáo và thú vị. Bà Nguyễn Thị Lành, người dân trong làng chia sẻ, vì sản phẩm làng nghề làm thủ công, chắc chắn và sáng tạo nên du khách rất ưa chuộng, thường mua làm quà khi trở về nhà. Điều đó cũng tiếp lửa cho làng nghề được sống và lan tỏa giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Bảo Châu/ langvietonline.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu