A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Miếu thờ ông - giá trị nhân văn

Miếu thờ Ông (cá voi) là một biểu tượng tâm linh, thiêng liêng đặc trưng của nghề ngư - làng chài; hiện nay là một điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách đến vùng duyên hải Thừa Thiên - Huế. Và lễ hội lăng Ông hàng năm thu thút đông đảo du khách thập phương với nhiều hoạt động phong phú, độc đáo như đua thuyền, hò đưa linh cá Ông, hát Bộ, nghinh Thần, ca Huế.

 Ngư dân làm lễ mai táng cho cá Ông chết dạt vào bờ biển

Thờ cá Ông - mỹ tục của cư dân miền biển

Trước khi ra khơi đánh cá xa bờ cả tháng trời, các ngư dân thường đến miếu thờ cá Ông làm lễ, cầu xin Ông phù trợ đi tới nơi về tới chốn, bình an vô sự và trúng đậm mẻ cá. Ở vùng Thuận Quảng (châu Ô, châu Rí), phổ biến truyền thuyết của người Chăm rằng, cá Ông (cá voi) tiền kiếp là hóa thân của thần Aih Va; vì cãi lời thầy, tự ý biến thành cá Ông, nên bị các loài thủy tộc dưới biển hành hình; sau này thần Aih Va phục sinh, đổi tên là Pôn Ri Ăk, tức là thần Sóng Biển, thường hóa thành cá Ông cứu người đi biển lâm nạn.

Trong Phật giáo lại có truyền thuyết đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn chúng sinh; ngài thấy vô vàn sinh linh phải bỏ mình trên biển cả vì giông tố, nên ngài biến hóa lấy pháp y xé thành từng mảnh nhỏ ném xuống biển, mỗi mảnh vụn pháp y của đức Bồ Tát biến thành một con cá Ông, thường đến cứu giúp người đi biển gặp nạn. Để cá Ông đủ sức mạnh đương đầu với phong ba bão táp, đức Quan Thế Âm lấy bộ xương của loài voi trên rừng cho đàn cá, vì vậy chúng rất mạnh mẽ và được gọi tên là cá voi.


Bắt nguồn từ các truyền thuyết cổ xưa, rồi trở thành niềm tin tưởng tâm linh thiêng liêng trong dân gian, mỗi khi lâm nạn trên biển, các ngư dân thường cầu nguyện để cầu cá Ông đến cứu trợ. Hầu hết các vùng duyên hải miền Trung khác (từ đèo Ngang đến Khánh Hòa), ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) có đến hai miếu thờ cá Ông, một ở thị trấn Thuận An, hai ở An Bằng (xã Vinh An), hằng năm ở cả hai nơi này, ngư dân làm nghề đánh cá biển đều cúng tế trang trọng; lễ cúng trở thành ngày lễ hội truyền thống của địa phương.

Độc đáo kiến trúc miếu Ông

Theo sách Dư địa chí làng Thai Dương thì hơn 5 thế kỷ, từ khi ngài Trương Quý Công đến khai canh, khai khẩn thành lập làng Thai Dương, dạy cho dân biết nghề đi biển, miếu thờ Ông được xây dựng bên hữu cửa khẩu Thuận An. Miếu thờ Ông ở thị trấn Thuận An tọa lạc trên khuôn viên khoảng 200 m2, quang cảnh tách biệt với xung quanh nên rất yên tĩnh, trang nghiêm. Miếu Ông gồm ba ngôi nhà thấp lợp ngói liệt, nằm nối tiếp nhau theo hình chữ đinh, tiền đường phía trước gọi là Võ ca, được sử dụng làm sân khấu hát tuồng, hát chèo đưa linh mỗi khi lễ hội; gian giữa là chánh điện, nơi thờ ngọc cốt (xương cá Ông), trên các ban thờ trong chánh điện đặt các linh vị tùy theo ngày tháng Ông “lụy” (cá Ông chết gọi là ngài “lụy”).

Lễ chánh tế ở miếu thờ Ông 

Ở làng An Bằng (thuộc xã Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) miếu Ông được xây dựng vào hậu bán thế kỷ XIX, trên lô đất rộng 2 ha gần kề bờ biển hướng Đông Nam; các tài liệu gia phổ của dân làng không ghi rõ ai là người đầu tiên đề xuất xây miếu này, nhưng các bô lão truyền khẩu rằng đây là do một người đầu tiên bắt gặp xác cá Ông; khi làm đám người này chống gậy, đầu đội mũ bện rơm, mặc đồ tang màu trắng, đóng vai đích tôn; người ấy sau này sẽ được cá Ông phù trợ trở nên giàu có. Những con cá Ông chết dạt vào bờ biển đều được chôn trong khu vực miếu thờ; sau năm 1990 thấy miếu bị xuống cấp, dân làng đã vận động mọi người đóng góp công của, nhiều lần trùng tu, sửa chữa khang trang như hiện nay.

Hàng năm, sau Tết nguyên đán, người dân ở thị trấn Thuận An tiến hành hai nghi lễ là lễ Cầu an vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch và ngày lễ Chánh (chính) tế vào ngày 15 tháng 5 âm lịch. Nghi thức cúng tế ở miếu Ông ở Thuận An tương tự với những buổi lễ cúng đình tế làng.

Rộn rã lễ hội nghinh Ông

Ở An Bằng lại khác, lễ hội miếu Ông tổ chức vào tháng 5 âm lịch ba năm một lần, kéo dài trong 2 ngày, ngày đầu tổ chức lễ thỉnh thần và lễ túc yết long trọng, linh đình ở đình làng và miếu Ông. Ngày thứ hai làm lễ chánh tế và cầu an lúc 3 giờ sáng, đến 7 giờ tổ chức đua thuyền (gọi là đua gọ) trên bờ biển trải dài 4 đến 6 km. Suốt trong 2 ngày diễn ra lễ hội, dân làng đóng góp thổi cơm chung từng khu dân cư, thuê các đoàn cổ nhạc về biểu diễn.

 Nghi thức cầu Ngư

Mục đích của lễ hội nghinh Ông được tổ chức đều đặn nhằm duy trì, bảo tồn các phong tục, tập quán tốt đẹp, giáo dục truyền thống làng nghề, gắn liền với các hoạt động văn hóa trong ngư nghiệp. Dù tên gọi lễ hội có khác nhau tùy theo mỗi địa phương như lễ rước Ông, lễ cầu ngư, lễ tế Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông nhưng bản sắc cổ truyền vẫn không dị biệt.

Vũ Hào/ langvietonline.vn

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu