A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trâu - Linh vật trong tâm thức của đồng bào Sán Chay

Với một nền nông nghiệp làm chủ đạo, trâu luôn là biểu tượng quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào Sán Chay nói riêng. Hình tượng trâu không chỉ xuất hiện trong không gian sinh hoạt mà còn hình thành những phong tục, tập quán hay những loại hình nhạc cụ độc đáo của người Sán Chay.

 Nhà trâu cái và nhà trâu đực của nguời Sán Chay

Hình tượng trâu và không gian nhà ở của người Sán Chay

Theo truyền thuyết của người Sán Chay, trâu là một hình tượng vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Bởi, trong quan niệm của họ thì miếng da trâu chính là con thuyền đưa đồng bào vượt qua sông sâu, nước xiết. Không phải ngẫu nhiên mà nhà ở của người Sán Chay huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên phân chia thành nhà trâu đực và nhà trâu cái. Người Sán Chay quan niệm ngôi nhà cũng như một con trâu thần (thủy ngưu), bốn chân trâu là bốn cây cột, rui mè giống như xương sườn, mái là sống lưng được lợp bằng da trâu và phủ vẩy rồng, đầu trâu là hướng chính của ngôi nhà, có sừng nhọn và đôi mắt tinh anh luôn cảnh giác, xua đuổi ma tà, bệnh dịch, giặc giã và vai trò quan trọng nhất với họ là đón bạn hiền, bảo vệ sự bình yên cho ngôi nhà. Bên cạnh đó, trong không gian sinh sống của người Sán Chay, thùng cám được đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào được coi là dạ dày của trâu thần, người và gia súc bám vào đây mà sống. Bởi vậy, đó là chỗ linh thiêng trong nhà, là nơi thờ thần nuôi của gia đình. Trâu mang đậm yếu tố vật linh trong tín ngưỡng của người Sán Chay.

Linh vật trâu và những kiêng kị

Người Sán Chay kiêng cúng các loại thịt: Trâu, chó, ngan, vịt (chỉ cúng vịt khi làm lễ giải hạn). Nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ đạo, sản xuất dựa vào sức kéo của trâu bò là chính nên đồng bào Sán Chay quan niệm: “Trâu ăn cỏ giả, mình ăn cỏ thật”, cỏ giả là cỏ tự nhiên, cỏ thật chính là thóc gạo do sức kéo cày của trâu mà có. Con người ăn thịt trâu có nghĩa là “phản lại nó, là có tội”. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ở một số nơi gia đình có trâu cái đẻ người ta làm mâm cơm báo cáo với tổ tiên cầu mong cho nghé con được khỏe mạnh.

Tục “cúng trâu chết” của người Sán Chay

Trong nghi lễ cổ truyền của đồng bào Sán Chay, trâu được xem như bậc thần linh nhân từ, chính vì vậy mà trong tục ma chay của họ xưa kia có thêm tục lệ cúng trâu chết. Những con trâu già qua đời ở đâu, người ta để nguyên xác trâu tại đó rồi về làng đón thầy đến tính giờ, mở lễ cúng.

Theo lệ, gia chủ phải sắm một mâm lễ để thầy mo cúng trước khi đưa trâu đến nhà mồ. Mâm lễ gồm một con gà trống thiến to đã mổ moi sạch ruột được luộc chín, bốn bát xôi đầy, trên mỗi bát đặt một quả trứng sống với ý nghĩa mỗi con trâu chết, gia chủ sẽ có thêm bốn con trâu mới. Ngoài ra lễ vật còn có vàng mã, trầu cau, rượu và giấy màu trang trí. Khi lễ cúng tiến hành xong, những thanh niên khỏe mạnh trong làng chặt những cây tre hoặc dùng những cây gỗ xếp thành kiệu đủ người khiêng rồi đưa xác trâu đi chôn, cất thành nấm mồ cao 2m, rộng 3m, dài 5m. Chủ nhân sẽ là người thắp nén hương cuối cùng lên mộ trâu trước khi ra về. Cũng theo tục lệ này, hàng năm đến ngày 30 Tết Nguyên đán, gia chủ lại thắp hương, phát mã đến hết ngày 15 tháng Giêng để mời linh hồn những con trâu chết về ăn Tết, phù hộ cho gia đình mình.

Độc đáo chiếc trống đất từ da trâu

Giống như chiếc khèn của người Mông, cây tính tẩu của người Tày, trống đất là một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chay. Trống đất có cấu tạo khá đơn giản. Các nghệ nhân đào một chiếc hố sâu với đường kính 35cm, cao 60cm, nhào nhuyễn đất đắp thành tang trống, sau đó để vài ngày cho khô cứng rồi căng da trâu làm thành trống (hiện nay mặt trống được đồng bào thay bằng gỗ của cây trẹo vì thớ gỗ chéo, khi ghim được chắc chắn và tiếng trống mới âm vang). Nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh (Phú Lương, Thái Nguyên) cho biết: Khi vung dùi đánh thẳng vào mặt trống, tiếng trống vang xa trầm hùng dội lên trời cao và lặn sâu xuống lòng đất như thông điệp của con người. Lời khẩn cầu gửi tới các vị thần linh, tổ tiên ban phúc cho dân làng có cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh hạnh phúc.

Bản sắc văn hóa tộc người

Trâu được coi là “hồn, cốt” làm nên đặc trưng trong văn hóa, không những là yếu tố vật linh trong tín ngưỡng của người Sán Chay mà trâu còn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Nó không chỉ ảnh hưởng và chi phối tập quán, lối sống của đồng bào, mà còn thể hiện sâu sắc bản sắc văn hoá tộc người. Từ trong chiều sâu ý nghĩa, nghĩ về biểu tượng “trâu” trong tâm thức đồng bào Sán Chay, chúng ta hiểu thêm nhiều đức tính quý giá về sự hy sinh, nhẫn nhục, cần cù chịu khó cũng như đức tính mạnh khoẻ, dẻo dai của “con trâu” vốn được xem là “đầu cơ nghiệp” của họ. Trước sự giao thoa văn hóa trong đời sống hiện đại, văn hóa truyền thống của đồng bào Sán Chay ít nhiều bị mai một. Đứng trước thực tế đó các cấp, ngành chức năng cần có những chủ trương, chính sách nhất định để gìn giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào.

Tố Oanh (Làng Việt)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu