A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LUZ CIAG SI NHIAV

Câu chuyện tình và cuộc gặp mỗi năm một lần ở Khâu Vai xứng đáng là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Di sản này đang bị xâm phạm, bị biến thành sản phẩm thương mại mua vui, thỏa mãn nhu cầu tò mò...



Năm 2002 trong chuyến công tác ở Hà Giang, tôi đã đến bốn huyện núi đá làm nên “Di sản công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn” là Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn. Hôm ở Mèo Vạc, sau bữa đặc sản mèn mén, biết tôi là nhà báo nên anh chị em địa phương đã chiêu đãi thêm món đặc sản - di sản tinh thần của các tộc người ở vùng núi đá tai mèo. Họ kể cho tôi nghe câu chuyện tình dang dở ở Khâu Vai với cuộc gặp mỗi năm chỉ có một lần vào ngày 27 tháng 3 Âm lịch của hai người yêu nhau. Trước khi chia tay Mèo Vạc, vượt Mã Pỳ Lèng chênh vênh trên dòng Nho Quế để sang Đồng Văn, tôi còn kịp hỏi lại nhiều chi tiết theo lời kể của từng người với ý định chuyển câu chuyện được truyền miệng lâu đời này thành một bài báo. Từ Hà Nội, tôi gửi bản thảo xin ý kiến những người đã kể chuyện. Những ghi chép trực tiếp được bổ sung bằng các thông tin cung cấp qua email với nhiều chi tiết thú vị. Bài “Luz ciag hlual gầux hluos trâus hay là Luz ciag si nhiav” gồm hai phần dài tương đương: phần 1 văn bản hóa câu chuyện truyền miệng, phần 2 giới thiệu Hà Giang kèm theo ảnh cổng nhà họ Vương ở Xà Phìn, Đồng Văn và ảnh núi Cô Tiên ở Quản Bạ của “nhiếp ảnh gia” Ngọc Khánh – một bút danh của tôi. Tôi dùng bút danh Giàng Hiếu Thiện ký dưới bài báo để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ của tôi dành cho  đất và người nơi đây. Giàng là một họ khá phổ biến ở vùng núi đá. Hiếu là đạo làm con. Thiện là nhân đức tử tế. Hai chữ Hiếu và Thiện ghép lại thành tên gọi của làng quê tôi: thôn Hiếu Thiện. QueHuong.org.vn đăng đầu tháng 12.2002, bản in đăng cùng tháng.


Anh chị em ở văn phòng UBND tỉnh đề nghị tôi chuyển câu chuyện thành kịch bản một tiểu phẩm mà họ dự định dàn dựng để tham gia hội diễn văn nghệ tỉnh Hà Giang dịp tết âm lịch. Tôi thú nhận là không biết viết kịch bản và khuyến khích họ “tùy nghi”. Sau tết, họ thông báo “Luz ciag si nhiav” tức “Chuyện tình Khâu Vai” được trao giải nhì. Cũng dịp ấy có công văn của Ủy ban Dân tộc lưu ý cách viết và cách đọc tên dân tộc H´Mông: đọc là Mông nhưng phải viết H´Mông – bài báo của tôi chỉ viết chữ Mông, viết H´Mông nhưng không đọc Hơ-Mông!

Năm 2010, gặp nhau trong một cuộc làm việc ở Hà Nội, anh chị em đoàn công tác của tỉnh Hà Giang nhắc lại chuyện 8 năm trước và vui vẻ nói: bây giờ cả nước đã biết Khâu Vai, nhiều người nước ngoài cũng biết Khâu Vai. Tôi cũng vui theo.

Mới đây, tình cờ xem sân khấu cải lương tôi thấy vở diễn “Chuyện tình Khau Vai”. Không biết Khau Vai có khác Khâu Vai hay không, nhưng tôi nhớ anh chị em Hà Giang dặn viết chữ “khâu” cho tên gọi thung lũng Khâu Vai cách thị trấn Mèo Vạc chừng 12 cây số. Vở diễn rõ ràng là cải lương Bắc, nói nhiều hơn hát. Theo vở diễn này thì sau khi chia tay, nàng Út phải lấy tộc trưởng, còn chàng Ba lấy cô gái nghèo – hai người trên cao nguyên đá đã có tên được “hạ sơn hóa”. Một năm sau, ông chồng tộc trưởng thừa nhận đã sai người giết chết cha đẻ của nàng. Khi trở lại Khau Vai theo lời hẹn, nàng biết chàng đã có con với người vợ hiền. Nàng than rằng, là phận gái nên nàng ghen với người vợ của chàng, rồi cầm dao tự đâm vào ngực. Chàng đến Khau Vai chậm hơn. Thấy nàng đã chết, chàng định đi theo nàng nhưng có ông lão mù xuất hiện và nhắc chàng còn vợ và đứa con mới đẻ ở nhà. Vở diễn kết thúc với cảnh chàng trong dáng dấp một ông già gặp hình bóng nàng do chết sớm nên vẫn còn trẻ, với lời người dẫn chuyện nói về chợ tình Khau Vai. Câu chuyện thật lạ lùng. Người chồng cô gái, vì là tộc trưởng giầu có nên phải là cường hào ác bá, là thủ phạm giết chết cha cô, làm gia đình cô tan nát; còn chàng trai nghèo, lấy vợ cũng nghèo nên gia đình hạnh phúc, đầy đủ vợ con. Cô gái bị ép phải ghen với người vợ của chàng trai, tự nhận rằng cô không muốn chia sẻ hạnh phúc. Người ta không muốn hiểu mối tình hồn nhiên, trong trắng, mãnh liệt của đôi trai gái vùng núi đá. Họ không thành vợ thành chồng của nhau chỉ vì tập quán cổ hủ: lễ vật phải có 60 chiếc bánh, 60 con gà, 6 con lợn và 60 đồng bạc trắng. May thay, cuộc đời vốn nhân từ nên dù phải chia tay, nàng và chàng đều có gia đình riêng hạnh phúc. Hạnh phúc riêng của họ lớn dần theo năm tháng. Nhưng không ai quên được mối tình đầu đời. Thế là, chàng và nàng vẫn thường gặp nhau… trong mộng. Và, họ không giấu được người bạn đời của mình. Chuyện tình dang dở của họ đã làm động lòng thương của trời, làm động lòng thương của đất, làm động lòng thương của người. Gia đình riêng của họ thông cảm và giúp họ thực hiện cuộc tái ngộ nhân ái trong mơ mỗi năm một lần vào đúng ngày họ phải chia tay nhau năm nào. Hoàn toàn không ghen tuông, không bi ai, không phẫn uất, không chết chóc. Chỉ có nỗi nhớ thương da diết. Mối tình của đôi trai gái bình dị vùng núi đá phương đông khác xa mối tình Romeo-Juliet của Shakespeare khi đôi trai gái yêu nhau phải lìa bỏ thế giới này mới làm cho hai dòng họ quý tộc phương tây giảng hòa. Chuyện tình của đôi trai gái “miền ngược” làm cho trái tim những người đã từng yêu phải thổn thức. Mấy ai không có mối tình dang dở? Vậy nên, nơi hẹn gặp của một đôi tình nhân đã trở thành nơi hẹn gặp của tất cả các đôi tình nhân. Ở đây không có người mua, không có người bán, càng không có chuyện mua tình bán tình. Tôi đã có ít dòng giải thích những chữ “luz ciag si nhiav”. Nghĩa gốc của “luz ciag” là “nơi gặp gỡ” vì lúc đầu người H´Mông gặp nhau do nhu cầu tình cảm, chỉ đến khi có trao đổi hàng hóa mới thêm nghĩa là “chợ”, nhưng tiếng phổ thông gộp lại gọi chung là chợ; “si nhiav” là tình yêu; “luz ciag si nhiav” là nơi gặp gỡ của tình yêu, hoàn toàn không phải cái “chợ tình” kích thích đầu óc tưởng tượng mua bán kiểu “tiền trao cháo múc”. Mỗi năm một lần, nhiều cặp vợ chồng cùng đến Khâu Vai để chia tay nhau chỉ trong một ngày, rồi chồng và vợ đều tìm gặp lại người tình cũ trong sự riêng tư hoàn toàn của hai người và với sự thông cảm của vợ hoặc chồng mình… Câu chuyện đầy tình người thân ái bao dung ở Khâu Vai là như vậy, không có ai chết, càng không có chuyện chàng trai muốn chết theo người tình cũ mà quên mất vợ con ở nhà. Ở đây không có hận thù, không có giành giật, không có lừa dối, cũng không có kinh tế thị trường. Dẫn câu chuyện đi theo chiều hướng căm thù, tuyệt vọng, ganh ghét, thương hại đều là cách xử sự làm tổn thương nội dung “tử tế” trong cuộc sống bình dị hồn nhiên của người miền núi. Có trường hợp còn đi xa hơn khi mô tả Khâu Vai là “chợ tình” họp vào ba ngày 25-27 tháng 3 âm lịch, nơi các chàng trai đến “cướp vợ” với cảnh kẻ kéo người đẩy giằng co thô thiển và với lời bình rằng nước ta có tới 3 chợ tình cùng loại ở Sa Pa, Mộc Châu và Khâu Vai…


Bài viết năm 2002 kết thúc bằng câu “… tôi tin rằng luz ciag hlual gầux hluos trâus – nơi gặp gỡ của con trai con gái sẽ còn mãi, vì đó là luz ciag si nhiav – nơi gặp gỡ của tình yêu hồn nhiên đầy lòng bao dung nhân ái vốn có của người Mông”.

Câu chuyện tình và cuộc gặp mỗi năm một lần ở Khâu Vai xứng đáng là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Di sản này đang bị xâm phạm, bị biến thành sản phẩm thương mại mua vui, thỏa mãn nhu cầu tò mò...

Đại sứ Hoàng Bình
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quê Hương


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu