A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trí thức kiều bào với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Từ tiềm năng đến hiện thực

Trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai, chiều 27 và sáng 28/9, Hội nghị chuyên đề: “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước - Từ tiềm năng đến hiện thực” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Ngoại giao tổ chức 150 đại biểu kiều bào và trong nước tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã nhấn mạnh vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức kiều bào. Thứ trưởng cho biết, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam luôn coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng và vai trò ngày càng lớn của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách dành cho bà con kiều bào nói chung và trí thức kiều bào nói riêng còn một số bất cập, Hội nghị này sẽ là nơi để các trí thức kiều bào đóng góp ý kiến để Nhà nước xây dựng khung chính sách tốt hơn, phù hợp hơn.

Hội nghị bắt đầu với bài tham luận của đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về “Thực trạng, giải pháp trọng dụng tiềm năng trí thức NVNONN góp phần xây dựng đất nước” và bài giới thiệu về Đề án Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020” của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ. Đan xen 4 bài tham luận trong nước về chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo đến năm 2020 là 19 tham luận của trí thức kiều bào. Các tham luận xoay quanh một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, trí thức kiều bào, cũng như đội ngũ trí thức trong nước, đó là: những thành tựu và khả năng ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, sự kết hợp giữa công nghệ cao và công nghệ thấp tại VN; cơ chế chuyển giao công nghệ; những thay đổi cấp thiết trong cải cách hệ thống giáo dục ở Việt Nam; tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học đặt trong khuôn khổ luật pháp Nhà nước; chính sách, biện pháp thu hút, trọng dụng trí thức kiều bào nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ý kiến phát biểu thẳng thắn và tâm huyết đã phản ánh thực lực và khả năng đóng góp của trí thức kiều bào ở từng nước, từng khu vực; những kinh nghiệm của các nước trong huy động tiềm lực của trí thức kiều dân; đóng góp ý kiến vào những chính sách của Nhà nước nhằm thu hút hơn nữa và sử dụng hiệu quả nguồn lực chất xám của trí thức kiều bào; gợi ý về những lĩnh vực mũi nhọn cần tập trung đầu tư phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Giáo sư Hà Tôn Vinh (kiều bào tại Mỹ) trong bài tham luận của mình đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của những trí thức kiều bào trong việc về nước đóng góp chất xám cho quê hương. Ông cho rằng cần phải rút ngắn khoảng cách giữa trí thức trong nước và ngoài nước với những điều cụ thể như: rút ngắn khoảng cách về văn hóa và phong cách tư duy, môi trường làm việc… Giáo sư Vinh nhận định: Trí thức nào cũng mong và sẵn sàng đóng góp tài năng và sức lực cho quê hương nên mong muốn Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để trí thức kiều bào về góp sức với quê hương, phát triển đất nước.

Giáo sư Đặng Lương Mô (kiều bào tại Nhật Bản) chia sẻ: Tôi đã từng tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội năm 2009 và tự hỏi mình đây mới là Hội nghị lần thứ nhất sao? Thời gian ba năm qua chưa phải là nhiều, nguồn lực trí thức là kho báu rất quý giá có thể đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước. Tôi hy vọng rằng qua Hội nghị lần hai này, những kiến nghị của trí thức kiều bào sẽ thực sự được các cấp, các ngành nghiên cứu và giải quyết dần dần từng bước.

Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu mang tính xây dựng và thực tiễn cao. Về phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, các đại biểu nhất trí cho rằng để phát triển các lĩnh vực mũi nhọn, chúng ta cần chú trọng đến đặc thù của Việt Nam, kết hợp giữa công nghệ cao và công nghệ thấp, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các hướng công nghệ ưu tiên như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ y, dược, công nghệ năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo…; tập trung đầu tư phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm và phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu và đưa các công trình nghiên cứu của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài về áp dụng trong nước. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam cần quan tâm đúng mức đến vấn đề biến đổi khí hậu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội trong nước.

Để khoa học-công nghệ thực sự trở thành động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiến dần tới nền kinh tế có nhiều hàm lượng tri thức, việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở trong nước và vai trò của trí thức kiều bào trong lĩnh vực này cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến phát biểu gợi ý các hình thức  đào tạo, nghiên cứu phải gắn liền với sản xuất kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu và sử dụng những sinh viên được cử đi học ở nước ngoài để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục-đào tạo, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần cải cách chương trình giáo dục trong nước, đặc biệt phải thành lập một số trường đại học có chất lượng giảng dạy đạt tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức đào tạo tại các trường đại học trong nước với các chương trình, giáo trình tiên tiến của nước ngoài; xây dựng môi trường đào tạo đại học cởi mở, thống nhất về cơ chế giảng dạy và nghiên cứu, tạo sự cạnh tranh giữa các sinh viên để sinh viên được phát triển tối đa tư duy phản biện nhằm phát huy sự sáng tạo, tránh tình trạng thụ động trong học tập. Để trí thức kiều bào có thể tham gia trực tiếp vào việc phát triển giáo dục, đào tạo ở Việt Nam, có ý kiến đề nghị thành lập Trung Tâm đào tạo tổng hợp của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó phương pháp giảng dạy sẽ thông qua mạng Internet, giáo sư kiều bào có thể giảng dạy, góp sức nghiên cứu từ trường đại học của họ hoặc tại những địa điểm khác với sự linh hoạt cả về hình thức và thời gian.

Nhiều trí thức kiều bào bày tỏ mong muốn tham gia đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kể cả sẵn sàng về nước làm việc để đóng góp chất xám của mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước mà không đòi hỏi đãi ngộ đặc biệt nào. Trí thức kiều bào sẵn sàng làm cầu nối để giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Mặt khác, trong nước Chính phủ nên dành ngân sách ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, đầu tư đúng mức cho giáo dục đào tạo, tập trung phát triển nhân lực trình độ cao.

Các đại biểu đều cho rằng tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng hầu như chưa có chính sách khai thác hiệu quả. Vì vậy, để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phải xây dựng được một “cơ chế đặc biệt” mang tính đột phá nhằm thu hút nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào. Cần xác định tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình sàng lọc để lựa chọn được những cá nhân xuất sắc nhất trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho họ. Đặc biệt, cần phải có chính sách ưu tiên cho giáo dục, đào tạo trí thức ở nước ngoài để trở về phục vụ cho đất nước.

Các đại biểu đề xuất: những chính sách liên quan đến kiều bào nên tham khảo ý kiến của  kiều bào; cần có những biện pháp để những chính sách đã được ban hành được thực thi có hiệu quả như tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào mua nhà ở, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết các  thủ tục hành chính với đối với kiều  bào; sửa đổi bổ sung một số quy định về tuyển dụng trí thức kiều bào vào các vị trí quản lý tại các cơ quan trong nước.

Các đại biểu tham dự  Hội nghị cũng kiến nghị cần có một tổ chức đầu mối để tập hợp thông tin và hỗ trợ trí thức ở bên ngoài về nước đóng góp. Có ý kiến đề nghị thiết lập một "Trung tâm huy động chất xám", là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu chất xám đến từ người Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng website chính thức để trí thức kiều bào và trí thức trong nước có thể giới thiệu khả năng và nhu cầu của mình sẽ là hình thức hữu hiệu giúp chuyển giao tri thức của kiều bào về trong nước. Chính phủ nên dành một phần ngân sách cho việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao nhằm thu hút các trí thức kiều bào về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ngoài ra xây dựng nhóm chuyên gia đầu ngành nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các trí thức trong và ngoài nước, đồng thời sẽ tổng hợp các khuyến nghị của Hội nghị để trình lên Chính phủ.

Sáng 29/9/2012, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ đi thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Công viên phần mềm Quang Trung./.

Thanh Thảo


Các tin khác

Tin tiêu điểm