Đoàn giáo viên kiều bào học tập thực tế tại Ninh Bình, Hà Nam
Trong khuôn khổ chương trình Khóa tập huấn tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, từ 07-08/12, các học viên đã đi tham quan, học tập thực tế tại một số danh thắng tại tỉnh Ninh Bình và Hà Nam.
Chuyến đi tạo điều kiện cung cấp cho các học viên có thêm tư liệu sinh động về lịch sử, văn hóa của đất nước nhằm tạo sự phong phú hấp dẫn cho các bài giảng tiếng Việt; đồng thời, tăng cường sự kết nối giữa các thành viên trong lớp học.
Nếu tại Ninh Bình, các giáo viên kiều bào được đi thực tế tham quan thắng cảnh di tích Tràng An, dâng hương tại Chùa Bái Đính, chiêm ngưỡng vẻ đẹp một số công trình tôn giáo đồ sộ tại Khu di tích, cũng như lênh đênh trên sông ngắm phố cổ Hoa Lư về đêm; thì về với Hà Nam các học viên lại được hòa mình trong không gian tĩnh tại, yên bình ở quần thể danh thắng rộng lớn chùa Tam Chúc - một điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Việt Nam.
Cô Hoàng Thị Lai - học viên trở về từ Thái Lan - chia sẻ, "Chuyến trở về quê hương tham dự Khóa tập huấn là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước dành cho chúng tôi. Chúng tôi vừa được học thêm kiến thức về phương pháp dạy tiếng Việt từ các thầy cô giàu kinh nghiệm, hiểu hơn về sự giàu đẹp của tiếng Việt, lại được đi thăm quan thực tế các di tích văn hóa đặc sắc của đất nước. Qua chuyến tham quan thực tế với sự giải thích của các hướng dẫn viên đã cho tôi hiểu rõ hơn ngọn nguồn về các di tích như Bái Đính, Tam Chúc… Điều này thôi thúc và là động lực thúc đẩy tôi sớm trở về Thái Lan mở lớp tiếng Việt cho các các con cháu, để các cháu không quên văn hóa cha ông".
Anh Trần Quang Hưng – học viên trở về từ Séc - cho biết phong trào dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Séc rất phát triển, nhất là tại các tỉnh thành nơi có đông bà con ta sinh sống. "Tôi rất vinh hạnh khi được tham gia Khóa tập huấn, tôi được bổ sung thêm nhiều kiến thức về tiếng Việt cũng như nghiệp vụ sư phạm, và trải nghiệm tham quan thực tế các danh lam thắng cảnh để có thể làm sinh động thêm các bài giảng về tiếng Việt cho con em. Tôi nhận thức được việc duy trì văn hóa, trong đó có tiếng Việt, là việc làm hết sức quan trọng vì đây là việc duy trì văn hóa, nguồn gốc cha ông ta cho các thế hệ sinh ra ở nước ngoài.
Chuyến thăm quan thực tế đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong các học viên, bổ sung thêm kiến thức văn hóa lịch sử đất nước cho các thầy cô giáo, đồng thời cũng bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho các thầy cô tiếp tục truyền cảm hứng và tình cảm này tới các học trò của mình nơi xứ người./.
Nhiên Linh