A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè Việt Nam 2016: Khám phá Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn

Chia tay với xứ Huế xinh đẹp, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2016 tiếp tục hành trình khám phá những di sản văn hóa của đất nước. Ngày 19/7, các bạn trẻ kiều bào đã đặt chân đến phố cổ Hội An cùng Di sản văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn.

Nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam, Hội An là một thị xã cổ của người Việt và  thuộc kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới.

Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống: gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng. Nơi đây đã thu hút được các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ của người Hoa, người Nhật, người Việt, người Chăm... cho nên mỗi công trình để lại hôm nay còn in dấu ấn văn hoá khá đa dạng, phong phú của nhiều dân tộc.

Trong khu phố cổ kéo dài chỉ hơn 1km, nhưng các bạn trẻ kiều bào đã khám phá ra được nhiều điều thú vị: có bạn chụp ảnh những bức tranh, hàng thổ cẩm; có bạn ghé vào quán tò mò xem nhưng bức tượng điêu khắc và có người thì hào hứng viết những câu ước gửi lên các vị thần ở Hội quán Phước Kiến…

Nếu Hội An có các công trình kiến trúc của người Hoa, người Nhật, thì đến với Thánh địa Mỹ Sơn, các thanh niên, sinh viên kiều bào lại có cảm nhận hoàn toàn khác biệt.

Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Mỗi vị vua, sau khi lên ngôi, đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Đến với Mỹ Sơn, các bạn trẻ sẽ hiểu hơn về những lời ngợi khen của kiến trúc sư tài ba Kazik (Kazimiers - Kwiatkowski) – người đã có nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn: “người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ -  thâm nghiêm - hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.
        
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.

Ninh Thùy Linh – cô gái đến từ nước Anh – luôn là người bám sát các anh chị hướng dẫn viên trong cuộc hành trình khám phá những địa danh nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam này. Thủy Linh cho biết: “Ở Anh, em không được nhìn thấy các kiểu kiến trúc như thế này. Bởi vậy, em rất hiếu kì về các kiểu kiến trúc châu Á. Chất liệu, kỹ thuật điêu khắc, phong cách xây dựng theo phong thủy… đều thực sự mới mẻ và thú vị đối với em. Đặc biệt là ở Thánh địa Mỹ Sơn, người xưa có bàn tay thật khéo léo. Cứ ngỡ các viên gạch chỉ xếp chồng lên nhau nhưng mà chúng có thể gắn chặt và bảo tồn hàng trăm năm”.

Thùy Linh luôn cầm sẵn chiếc máy ảnh trên tay bất cứ hành trình nào. Thùy Linh chia sẻ đến địa điểm nào em cũng chụp ảnh và sau đó gửi ngay lên facebook. Bạn bè em ở Anh hỏi về những địa điểm nơi em đi qua. Em có thể giới thiệu về các thẳng cảnh, di sản ấy cùng bè bạn. Linh nghĩ đó cũng là một cách để em quảng bá hình ảnh đất nước mình ra thế giới.

Cuộc trò chuyện với Thùy Linh đã diễn ra thú vị hơn khi tôi hỏi về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của em như thế nào bởi em sinh ra và lớn lên ở Anh, ít có cơ hội về Việt Nam. Linh tủm tỉm cười bảo: “Em thích áo dài lắm”. Cô bé đưa ngay bức ảnh em mặc bộ áo dài truyền thống của Việt Nam cùng bố mẹ. Em lại nói tiếp: “Nhưng em thích áo dài có ống tay ngắn hơn chị ạ!”. Bởi vậy tôi đã chia sẻ cùng em, hiện tại áo dài của Việt Nam được cách tân rất nhiều kiểu, đều đẹp lắm. Em vui vẻ và bảo sẽ thử và khoe cùng bè bạn trong những lần tiếp theo. “Ngày Tết cổ truyền, gia đình em cũng có truyền thống đón Tết như ở Việt Nam, có bánh chưng, lì xì mừng tuổi mới. Gia đình em chú trọng giữ gìn cội nguồn lắm chị ạ. Chuyến đi về Việt Nam lần này thực sự có ý nghĩa với em khi em được trực tiếp khám phá những di sản, danh lam thắng cảnh và cả con người Việt Nam”, Thùy Linh tâm sự.

Một ngày thú vị và bổ ích lại trôi qua, hành trình khám phá di sản văn hóa của đất nước đã đi qua 2/3. Những hoạt động tiếp theo hứa hẹn tiếp tục mang lại những kỷ niệm khó quên cho các bạn trẻ kiều bào. Ngày mai (20/7), Đoàn Trại hè Việt Nam sẽ có chuyến đi đầy ý nghĩa tới tỉnh Quảng Ngãi.

Thủy Nguyên

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm