A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa và nhà giàn DK-I: Hành trình đong đầy cảm xúc

Đây là hành trình ý nghĩa, kết nối trái tim của những người con Việt từ khắp năm châu về với cội nguồn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Các thành viên đoàn công tác số 11 năm 2024 thăm Trường Sa và nhà giàn DK-I/14 chụp ảnh lưu niệm trên tàu 561

Chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I những ngày cuối tháng tư năm 2024 đã để lại trong sâu thẳm mỗi kiều bào về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Tổ quốc sâu sắc.

Sau ba hồi còi dài chào cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 24/4, tàu 561 chính thức nhổ neo, bắt đầu hải trình đưa Đoàn công tác số 11 ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I/14. Tham gia đoàn có Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, làm trưởng đoàn; ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Trưởng đoàn; ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Trưởng đoàn cùng hơn 200 đại biểu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Biển Việt Nam cùng các văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí.

Trong 7 ngày của hải trình, bà con kiều bào và các đại biểu trong đoàn đến thăm, giao lưu, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ của 05 đảo và một nhà giàn, mang những lời ca, tiếng hát nối liền từ đất liền đến biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Ai cũng xúc động khi được hòa nhịp với những người lính đang ngày đêm giữ gìn từng tấc đất, từng mét vuông mặt biển của Tổ quốc. Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam, nghẹn ngào: "Sau hai ngày, chúng tôi đã đến được đảo đầu tiên là đảo Sinh Tồn Đông. Giao lưu với các chiến sĩ biển đảo, tôi thực sự xúc động và cảm thấy mình rất vinh hạnh được cùng với Đoàn công tác số 11 đi thăm huyện đảo Trường Sa. Tham gia buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác 11 với các chiến sĩ biển đảo, thực sự tôi xúc động nhiều lắm. Tôi cảm thấy tình cảm của chiến sĩ dành cho đồng bào và kiều bào rất gần gũi. Và với bản thân chúng tôi cũng vậy, tôi cảm thấy tình cảm rất gắn bó. Thực sự rất cảm động và rất vui".

Tới các đảo tiền tiêu nằm giữa Biển Đông, bà con kiều bào được tận mắt nhìn thấy làn da rám nắng của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, những tà áo dài thướt tha đủ màu sắc của cư dân, tiếng cười trong veo của các công dân nhí trên đảo. Bà con vui mừng khi thấy những âu tàu, khu dịch vụ kỹ thuật - hậu cần, trường học, trạm xá hay những khu vực hành chính khang trang, sạch, đẹp.

Kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tụ hội trên một chuyến tàu để ra với Trường Sa

Lần thứ hai ra thăm Trường Sa, bà Cao Hồng Vinh, kiều bào Ba Lan, Trưởng Ban Liên lạc người Việt ở châu Âu "Vì biển đảo Việt Nam”, cảm nhận rõ sự đổi thay của quần đảo. Trường Sa đang phát triển đủ đầy hơn, tiện nghi hơn, cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú hơn, phục vụ tốt hơn cho sản xuất, cho cuộc sống của những con người đang ngày đêm bám biển, giữ đảo. Bà Cao Hồng Vinh cho biết đoàn kiều bào Ba Lan nói riêng và người Việt tại châu Âu yêu biển đảo nói chung đã mang những món quà thiết thực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, nhà giàn: "Năm nay, trước khi đi, chúng tôi có tham khảo và cũng đã nhận được những thông tin tư vấn từ Ủy ban Nhà nước về người VIệt Nam ở nước ngoài và Quân chủng Hải quân. Đoàn Ba Lan năm nay đã chuẩn bị những chiếc quạt tích điện để gửi đến các điểm đảo. Mục đích là giúp cho giấc ngủ của các chiến sĩ được ngon hơn, khỏe hơn để phục vụ những ngày làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã chuẩn bị được 32 chiếc quạt với tổng số tiền là 60 triệu đồng. Câu lạc bộ Hoàng Sa Trường Sa tại Ba Lan ủng hộ 20 triệu đồng cho chương trình “Cả nước vì Trường Sa” trong chuyến đi lần này".

Đoàn kiều bào tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây A

Tổng giá trị quà tặng mà đoàn công tác số 11 đóng góp trong chuyến hải trình lần này là gần 1,6 tỷ đồng (khoảng 65.000 USD). Trong đó, bà con kiều bào từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ủng hộ nhiều quà tặng, như: công trình, khu vui chơi trên đảo và các vật phẩm phục vụ đời sống cán bộ, chiến sĩ trên đảo và nhà giàn DK-I như: đàn ghi ta, quạt tích điện, sơn nano, phân bón,… Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, bày tỏ sự trân trọng trước sự ủng hộ của kiều bào dành tặng cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là tình cảm của bà con với Trường Sa thông qua các hành động thiết thực. Điều này khẳng định tình cảm, trách nhiệm của bà con đối với quân dân Trường Sa và nhà giàn DK-I.

Đến Trường Sa vào những ngày đặc biệt của đất nước, tại thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), những người Việt trở về từ nhiều nước trên thế giới tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa, 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân và dân thị trấn Trường Sa tiến hành diễu binh, diễu hành biểu dương lực lượng, khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.

Việc giải phóng quần đảo Trường Sa vào ngày 29/4/1975 thể hiện rõ ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam góp phần quan trọng của chiến thắng vĩ đại của dân tộc “Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước”. Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ: "Trường Sa, Hoàng Sa là nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi, là tình yêu luôn nằm trong sâu thẳm trái tim của kiều bào. Được đến với quần đảo Trường Sa không chỉ là mong muốn khát khao mà còn là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt sinh sống ở bất cứ nơi đâu".

Dưới lá cờ Tổ quốc bay phần phật trên cột mốc chủ quyền ở mỗi điểm đảo, những người Việt xa xứ càng cảm nhận rõ hơn quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chị Trần Lệ Hằng, kiều bào Pakistan đầu tiên được tham gia hải trình Trường Sa, cho biết: “Đây là hành trình ý nghĩa, kết nối trái tim của những người con Việt từ khắp năm châu về với cội nguồn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi thực sự hạnh phúc trở thành một phần của hành trình đó”.

Trong chuyến đi, đoàn đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại thị trấn Trường Sa; thắp hương tại các chùa. Đặc biệt, đoàn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, quần đảo Trường Sa.

Các đại biểu nghiêm trang làm lễ dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên quần đảo Trường Sa.

Trong tiếng nhạc trầm hùng, các thành viên trong đoàn dâng hương, thả hoa cúc, hạc giấy xuống biển xanh thiêng liêng của Tổ quốc, tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ hải quân, những người con của đất mẹ anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Để bà con kiều bào hiểu thêm về vùng lãnh hải thân yêu của Tổ quốc, ban tổ chức hành trình còn thực hiện các hoạt động, như: Cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo; hội thi văn nghệ với chủ đề “Biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân”. Ngoài ra, còn có các cuộc thi viết cảm nghĩ chuyến đi; thi đấu cờ tướng; thi cắm hoa vải “Chuyển tải yêu thương”, giao lưu văn nghệ; tổ chức sinh nhật tập thể... Những hoạt động này không những nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà còn tạo sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong đoàn công tác.

Với nhiều kiều bào, chỉ khi tham gia vào hành trình này mới cảm thấu hai chữ “Tổ quốc” thiêng liêng, tình dân tộc, tình quân dân và nhận thức sâu sắc về chủ quyền và trách nhiệm với đất nước. Với họ, đây là chuyến đi để đời bởi tất cả cùng chung một chí hướng, cùng chung một nhịp đập với biển đảo quê hương.

Lan Phương/ VOV5


Tin liên quan

Tin tiêu điểm