A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa: Những cảm xúc khó phai

Là một trong số ít những người may mắn được đặt chân đến Trường Sa, tận mắt chứng kiến sự kiên cường của các chiến sĩ để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ cuộc sống ấm yên của người dân... trong tôi vẫn đang trào dâng những cảm xúc vô cùng đặc biệt.

Đoàn kiều bào chụp ảnh lưu niệm trên tàu. Ảnh: Quang Đào

Có thể nói, với những người Việt, luôn tâm niệm “Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Việt Nam”, cơ hội được một lần đặt chân tới thăm Trường Sa, tận mắt chứng kiến khung cảnh, cuộc sống của con người nơi đây là điều họ luôn muốn được thực hiện.

Còn với bản thân tôi, một nhà báo trẻ, việc được đặt chân đến Trường Sa là điều tôi cho rằng mình bắt buộc phải làm, vừa để mở rộng trải nghiệm cá nhân, khám phá từng địa điểm của đất nước hình chữ S tươi đẹp, vừa để có thêm tư liệu, và hiểu rõ hơn về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Khi được giao nhiệm vụ tham gia vào chuyến công tác Trường Sa của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), thuộc Đoàn công tác số 8 năm 2022, tôi đã không ngần ngại mà đồng ý ngay tắp lự. Bởi ai cũng có thể đi du lịch đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng để đến được với Trường Sa thì không phải người nào cũng có cơ hội.

Chuyến đi đặc biệt

Ngày 17/5, lúc 13h30, Đoàn công tác số 8 do Phó Tư lệnh Hải quân, Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân làm trưởng đoàn chính thức đặt chân lên tàu hướng về Trường Sa sau khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Khác với những chuyến công tác Trường Sa của các đoàn trước đó, Đoàn công tác số 8 có sự tham dự của 41 kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới, do Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN dẫn đầu.

Chuyến đi của các kiều bào lần này rất đặc biệt. Đây là hải trình đầu tiên của các kiều bào đến với quần đảo Trường Sa sau hai năm 2020-2021 không tổ chức được do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, năm 2022 còn là kỷ niệm 10 năm chuyến thăm đầu tiên của đoàn kiều bào tới Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Ngay khi bước chân lên tàu, nhìn một lượt qua những gương mặt hưng phấn, sục sôi nhiệt huyết hứa hẹn một hành trình đầy ý nghĩa, có thể thấy rằng mỗi một đại biểu kiều bào đều mang theo trái tim nồng ấm của những người con xa xứ về với các chiến sĩ và đồng bào ta tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Với tâm thế tự hào, tinh thần vui vẻ, sau khi chào tạm biệt các chiến sĩ trên đất liền, đoàn nhổ neo đúng 15h05. Khi đó, các thành viên trên tàu còn đang rất hào hứng chụp ảnh lưu niệm. Ai ai cũng háo hức về chuyến đi.

Tuy nhiên, có một điều các thành viên chưa được lưu ý trước và cũng chưa ai chuẩn bị tinh thần, đó là hầu như kiều bào đi trên tàu phần lớn chưa đi tàu biển bao giờ, chưa bao giờ cảm nhận được cảm giác say sóng biển. Chỉ khoảng chưa đầy một giờ sau khi tàu rời bến, tất cả các thành viên đoàn đã về lại phòng, người ôm chăn, kẻ ôm gối. Chuyến đi được chào đón bởi những đợt sóng tuy không quá dữ dội, nhưng cũng đủ để quật ngã những người to khỏe nhất. Thử thách đầu tiên đã đến!

Đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2022 chụp ảnh lưu niệm trước chuyến đi. (Ảnh: Duy Quang)
Đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2022 chụp ảnh lưu niệm trước chuyến đi.
Ảnh: Duy Quang
 

Dạt dào những cảm xúc

Chuyến đi của đoàn công tác số 8 kéo dài chín ngày, đặt chân lên các đảo trong hải trình gồm: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn A, Sinh Tồn, Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Tây C và Trường Sa.

Tại mỗi điểm đảo, việc đầu tiên mà các đại biểu, trong đó có cả tôi đều làm, đó là chụp những bức ảnh lưu niệm tại các cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Đối với mỗi người, việc chụp ảnh không chỉ là để lưu lại các kỷ niệm, mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền biển đảo của đất nước, lòng tiếc thương đối với bao lớp lớp thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh mới có được...

Trong chuyến đi, bà con kiều bào đã nghe thông tin về tình hình công tác, đời sống của cán bộ, chiến sĩ; thăm hỏi, động viên và tặng quà quân dân tại các điểm đảo; thăm trường học, nhà dân, chùa tại các đảo nổi; tham dự lễ chào cờ, dâng hương tại đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thăm các âu tàu, làng chài, trạm xá… theo điều kiện thực tế tại từng điểm đảo.

Trước khi chia tay bất kỳ điểm đảo nào, các kiều bào cũng đều tập hợp lại và hô thật dõng dạc: “Kiều bào yêu Trường Sa, Kiều bào yêu Trường Sa…”. Câu khẩu hiệu tuy chỉ ngắn gọn với năm chữ nhưng đong đầy tình cảm của những người con xa xứ gửi tặng những người con xa nhà trong khi thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền của đất nước.

Chia sẻ với quân và dân đảo Trường Sa, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết, trong suốt chặng đường 10 năm ý nghĩa vừa qua, bà con kiều bào từ nhiều nước trên thế giới luôn tích cực ủng hộ nguồn lực vật chất và tinh thần cho Trường Sa. Tại đây, đoàn Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng đã trao tặng quân và dân đảo Trường Sa số tiền ủng hộ 2,099 tỷ đồng từ các kiều bào trên khắp thế giới.

Có lẽ, giây phút xúc động nhất trên tàu rơi vào ngày công tác thứ tám, khi toàn tàu cùng làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh vì biển đảo. Trong không khí trang nghiêm và xúc động, diễn văn của đoàn tưởng niệm kể về câu chuyện anh dũng của các chiến sĩ đã khiến phần lớn các đại biểu không thể kìm được nước mắt. Sau buổi lễ, mỗi đại biểu đã cầm một con hạc giấy và một bông hoa, đồng lòng thả xuống biển mong các chiến sĩ đã hy sinh vì biển đảo được an nghỉ.

Ngày hôm đó, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tới thăm Nhà giàn DK1/2 (Phúc Tần). Tuy nhiên, do sóng to gió lớn, việc lên nhà giàn vô cùng nguy hiểm, chỉ huy quyết định ngừng đưa đoàn lên nhà giàn, dù khi đó chúng tôi chỉ cách Phúc Tần khoảng vài trăm mét. Thay vì giao lưu trực tiếp giống như các điểm đảo khác, đoàn công tác và Nhà giàn DK1/2 đành phải trao đổi những lời chúc, bài ca tràn đầy cảm xúc thông qua bộ đàm và loa phóng thanh trên tàu.

 

Đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2022
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quyên góp tặng quân dân Trường Sa xuồng chủ quyền, số tiền ủng hộ là 2,099 tỷ đồng. Ảnh: Duy Quang
 

Trường Sa trong tim ta

Mỗi một kiều bào trong chuyến hải trình lần này đều mang theo những câu chuyện, những cảm xúc khác nhau để chia sẻ. Nhưng người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là ông Nguyễn Trọng Đức, kiều bào tại Mỹ, “bạn chung phòng” C10 với tôi.

Đức “đầu bạc”, hay còn được biết đến với cái tên ở Mỹ là David Nguyễn, là nhân vật khá đặc biệt. Ông sinh 1954 tại Nam Định, là con trai Đổng lý Văn phòng thời Việt Nam Cộng hòa. Bản thân ông khi ở Mỹ cũng từng là một trong những nhân vật đi đầu trong phong trào biểu tình chống Nhà nước.

Ông cho tôi biết rằng, ngày trước, do bất đồng quan điểm cũng như thiếu thông tin về Việt Nam nên những năm sau khi chiến tranh kết thúc, ông đi theo đoàn người biểu tình, trở thành một trong những người cực đoan, chống đối kịch liệt.

Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Sau chuyến đi Trường Sa lần đầu vào năm 2014, ông Đức đã chứng kiến được sự thật về đất nước Việt Nam. Ông kể rằng: “Các em trẻ đáng tuổi con cháu tôi, hy sinh tất cả để ra tuyến đầu, một người như tôi không làm được điều đó mà còn chống lại, nên tôi xấu hổ và suy nghĩ lại”. Sau đó, việc ông David Nguyễn tuyên bố “rửa tay, gác kiếm” đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Ông tâm sự rằng, những năm qua ông luôn muốn được quay lại thăm Trường Sa để làm những điều đặc biệt. Trong chuyến đi lần này, ông đã làm được điều đó. Suốt hải trình, mỗi lần xuống một điểm đảo, ông Đức đều khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng và in dòng chữ “Trường Sa trong tim tôi” trên ngực.

Đây cũng là lần đầu tiên ông làm được điều này: “Được mặc, được khoác trên mình lá cờ đỏ sao vàng, được đứng trên đất mẹ, tôi thấy rất hạnh phúc. Có những lằn ranh chỉ có thể vượt qua khi nhìn vào sự thật. Đó là thứ mà tôi đã vượt qua, đã xóa bỏ được”.

“Không chỉ riêng tôi, mà bất cứ ai đều cho rằng “Chưa đi Trường Sa thấy thật là xa, đến Trường Sa rồi sẽ thấy thật gần, vì Trường Sa ở ngay trong tim mỗi chúng ta”. Trước sự đổi thay lớn của Trường Sa trong lần trở lại này, tôi rất cảm động trước sự tươi đẹp của biển đảo, quê hương Việt Nam”, ông Đức chia sẻ. Đó cũng là lý do vì sao, trong chuyến đi này, ông Đức luôn kêu gọi mọi người gọi ông bằng cái tên tiếng Việt mới là “Hùng Quốc Việt”, tức nước Việt Nam hùng mạnh.

Chuyến đi Trường Sa của Đoàn công tác số 8 kết thúc vào ngày 25/5. Trải qua chín ngày lênh đênh trên biển đầy cảm xúc, các đại biểu kiều bào đều bày tỏ niềm vinh dự, xúc động khi được tham gia chuyến thăm Trường Sa. Giữa biển đảo quê hương, các đại biểu cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ và người dân tại Trường Sa, được lắng nghe những câu chuyện của những chiến sĩ tại Trường Sa để thấy rõ sự đồng lòng, chung sức, quân với dân cùng một ý chí, cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ biển đảo quê hương...

Quang Đào/ baoquocte.vn


Các tin khác

Tin tiêu điểm