A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng Việt là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc

Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ, đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trên thế giới, như tại Hoa Kỳ có khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt.

Giới thiệu bộ sách Chào tiếng Việt (tập 1,2) do Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh biên soạn, tại Lễ ra mắt Tủ sách tiếng Việt trực tuyến với Fukuoka của Nhật Bản. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai mọi mặt công tác, tạo chuyển biến trên nhiều mặt.

Trong đó có công tác bảo tồn, lan tỏa và trao truyền tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của dân tộc đang được triển khai mạnh mẽ nhằm khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước và nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ kiều bào trẻ.

Đa dạng hoạt động gìn giữ tiếng Việt

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Tiếng Việt là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Với những chủ trương, chính sách thiết thực, toàn diện và kịp thời, công tác tổ chức dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được triển khai mạnh mẽ, tích cực nhằm khuyến khích, cổ vũ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, học tập, giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt.

Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ, đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trên thế giới. Điển hình như Hoa Kỳ có khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt; Thái Lan tổ chức 39 lớp học; Campuchia thành lập 33 điểm trường, lớp; Lào với 13 trường, trung tâm dạy tiếng Việt…

Để đảm bảo hiệu quả thực chất của công tác dạy và lưu giữ tiếng Việt trong cộng đồng, tiêu biểu, từ ngày 16-30/8 vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, đến nay, khóa tập huấn đã thu hút hơn 800 giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia.

Khóa tập huấn là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, sư phạm của giáo viên trong việc giảng dạy tiếng Việt theo giáo trình dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

Lần thứ 2 tham gia Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, chị Đào Lê Quỳnh Phan, kiều bào Thái Lan, cho biết nhu cầu học tiếng Việt của kiều bào sinh sống học tập và làm việc tại vùng Đông Bắc (nơi có đông người Việt Nam sinh sống đông thứ 3 tại Thái Lan) rất lớn.

Chị Quỳnh Phan mong muốn sau khóa học này, chị sẽ học thêm được cách thức truyền đạt kiến thức từ các thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm; từ đó, tìm được phương pháp giảng dạy tiếng Việt hiệu quả, phù hợp với các kiều bào, đặc biệt thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở Thái Lan.

"Điều quan trọng nhất với giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho kiều bào là sự nhiệt huyết, yêu và hiểu ý nghĩa của công việc đang làm và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc trong lòng mỗi người con lạc, cháu hồng", chị Đào Lê Quỳnh Phan nói.

Cùng với đó, năm nay, Ban Tổ chức Trại hè Việt Nam tích cực thúc đẩy tình yêu tiếng Việt và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt trong thế hệ trẻ kiều bào thông qua Cuộc thi "Tài năng tiếng Việt".

Tại đây, các bạn không chỉ kể chuyện tiếng Việt mà còn có dịp thể hiện nhiều tài năng như hát, đọc rap, ngâm thơ, đánh đàn bầu… Việc đa dạng hóa loại hình biểu diễn giúp các bạn trẻ có thể luyện tập cách sử dụng tiếng Việt linh hoạt, thể hiện tình yêu với tiếng Việt qua nhiều cách thức và cảm nhận được sự phong phú và hấp dẫn của tiếng mẹ đẻ.

Em Lê Thanh Trang, kiều bào Nga, cho biết cuộc thi là chất xúc tác giúp em có thêm tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ. Tham dự cuộc thi giúp em tự tin và say mê hơn trong trau dồi tiếng Việt, góp phần gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc. "Mặc dù em không sinh ra và lớn lên ở quê hương Việt Nam nhưng nhờ có tiếng Việt, em cảm nhận được những nét đẹp văn hóa của đất nước trong trái tim mình", Lê Thanh Trang nói.

Tạo động lực giữ gìn tiếng Việt

Cụ thể hóa Kết luận 12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030." Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài hướng tới xây dựng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trở thành dấu mốc quan trọng hàng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng; tạo động lực giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng; thông qua việc tôn vinh tiếng Việt góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, không ngừng hướng về quê hương, nguồn cội.

Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực huy động các nguồn lực, chủ trì và phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.  Nguồn: TTXVN

Từ đầu năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phát động Cuộc thi tìm kiếm "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023", với mong muốn những "sứ giả" này sẽ là người quảng bá văn hóa, truyền cảm hứng và tạo động lực học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Các hoạt động trong ngày 8/9 sắp tới sẽ gồm có chuỗi hoạt động như hội thảo Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Lễ Tổng kết "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023" và trao tặng danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023" và Chương trình Gala "Tiếng Việt thân thương".

Từ nay đến cuối năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao sẽ triển khai xây dựng Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại một số nước như Nhật Bản, Slovakia, Áo, Hungary… Cùng với đó là các hoạt động thường niên như Khóa Tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ tài liệu dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng tại một số nước.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng phối hợp, hỗ trợ cho các hoạt động như: Xây dựng website dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân; Chương trình "Chào Tiếng Việt" và "Dấu ấn Việt Nam" của VTV4…

Các chương trình này đều nhằm khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh trí tuệ Việt, bản sắc Việt qua các thời đại; nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ và đồng hành với các đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài như Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài (Ba Lan); khai giảng Lớp tiếng Việt và hội thảo về tiếng Việt (Nhật Bản); khai giảng Lớp tiếng Việt và khai trương Tủ sách tiếng Việt (Lào)…

Với vai trò là cơ quan chủ trì Đề án, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục cùng các cơ quan liên quan nỗ lực thiết kế, triển khai những chương trình, hoạt động nhằm đưa Ngày Tôn vinh tiếng Việt thực sự trở thành một dấu ấn trong đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng mong rằng hoạt động tôn vinh ngôn ngữ và văn hóa dân tộc sẽ ngày càng được xã hội, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước quan tâm và tham gia rộng rãi để cùng chung tay gìn giữ và phát huy văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt cho muôn đời sau./.

Diệp Trương / TTXVN/Vietnam+


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm