A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồi ký: Việt kiều Gặp Gỡ Xuân Quê hương Mậu Tý

Chiều 31/01/2008, gần 1000 bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đã về tụ họp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội dự buổi Gặp mặt thân mật mừng Xuân mới với bà con kiều bào về quê hương đón Tết cổ truyền dân tộc do Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ ngoại giao tổ chức. Cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp tình quê hương này đã để lại trong lòng những kiều bào tham dự nhiều cảm xúc thật đặc biệt. Chúng tôi xin giới thiệu hồi ký của bà Phạm Châu Loan (Việt kiều Italia) sau buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này.

Bà Phạm Châu Loan (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
tại buổi Gặp mặt Xuân Quê hương 2008

Hà Nội, 31/01/2008

Chỉ còn năm ngày nữa là tới Tết. Buổi sáng. Tôi chuẩn bị trang phục, đầu tóc để 2 giờ chiều nay sẽ đi dự buổi gặp mặt “ Xuân Quê hương 2008” với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức. Hà Nội đang rét đậm, nhiệt độ hạ tới 8°C. Người của khách sạn gọi hộ tắc xi, gọi đến mấy lần mà chẳng thấy xe nào tới- những ngày cận Tết bị… “cháy tắc xi”- xe bao nhiêu cũng không đủ để phục vụ theo nhu cầu của khách.

Đành ra đầu phố chờ xe nào chạy qua thì vẫy, vô ích, xe nào cũng có khách rồi, đành quay lại khách sạn, sốt ruột, trễ mất thôi, may sao một xe không có khách đi tới. Anh tài xế này chẳng biết Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở đâu, chở tôi đi tít tận lên Mai Dịch rồi quay lại, hỏi đường, cuối cùng thì cũng tìm ra, nhưng làm tôi bị trễ mất dự Lễ khai mạc Triển lãm hình ảnh Bác Hồ với Kiều bào.

Các khách dự đều xuất trình giấy mời trước khi vào và đưa túi xách qua máy soi để kiểm tra, như vậy là an toàn an ninh an tâm rồi. Sân khấu trang hoàng đẹp đẽ, hài hòa giữa hiện đại và dân tộc, chỉ nhìn thôi đã đủ gây cho tôi một cảm xúc tự hào, thân thiết…

Bốn giờ chiều - đoàn đại biểu lãnh đạo nhà nước do Chủ tịch Nguyễn Minh Triết dẫn đầu tiến vào trong tiếng vỗ tay chào mừng của các Việt kiều. Chủ tịch đọc diễn văn, chúc mừng, động viên tình đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước… Chủ tịch hỏi thăm ông Nguyễn Cao Kỳ cũng tham dự buổi lễ đó và tới tận nơi bắt tay trong không khí thân mật. Điều đó chứng tỏ lời kêu gọi của Nhà nước thật xác  đáng - Chúng ta hãy xóa bỏ mọi hận thù cũ, cùng đoàn kết xây dựng nước nhà hòa bình, tự do, hạnh phúc…

Một chương trình ca múa nhạc hoành tráng do Nhà hát Nhạc vũ kịch và Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam thực hiện, Tổng đạo diễn là chị Thúy Quỳnh, nghệ sỹ nhân dân, người đã từng phụ trách đội múa chúng tôi bao năm trước đây. Các diễn viên múa trẻ tuổi duyên dáng trong những điệu múa dân gian truyền thống đã được cải biên nâng cao kỹ thuật rất hay, rất độc đáo. Tôi ngạc nhiên trước điệu múa với quạt lụa, quá đẹp, quá mới mẻ - đó là kết quả của một sự tìm tòi, khám phá đột cách, hiện đại mà dân tộc.

Có ca sĩ Trung Đức biểu diễn, cao lớn, trịnh trọng trong bộ complê màu trắng, anh đã là nghệ sĩ nhân dân. Tôi vẫn còn nhớ giọng hát êm ái, ngọt ngào, âm vang của Trung Đức trong những bài ca quan họ, những bài ca cách mạng hào hùng… Giờ đây anh đã đứng tuổi, giọng hát có vẻ rắn rỏi hơn nhiều với năm tháng. Thật tiếc là sau buổi biểu diễn đã không gặp lại được anh để có một cái bắt tay chào hỏi của người “cùng Nhà hát” năm xưa, anh vội đi chắc còn phải diễn ở nơi khác nữa, anh đã chờ “Châu Loan” qua lời “đánh tiếng” của Hiển - Chánh Văn phòng hội Múa, bạn cũ học sinh trường múa với tôi- nhưng đã không chờ được, vì… lúc đó tôi còn mải mê trên sân khấu chụp ảnh chung với… có biết không? Thật vinh hạnh, chụp ảnh chung với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các bạn Việt kiều như tôi.

Chủ tịch cười thật tươi tắn với tất cả mọi người, và ai cũng muốn được đứng gần Người để có được tấm hình đáng giá làm kỉ niệm. Mấy vị phóng viên nhiếp ảnh bận rộn chụp lia lịa. Những nụ cười vui, nụ cười xuân trên quê hương của những người con Việt nay trở về đón Tết.

Và tôi cũng có được vài tấm ảnh đó, trong những bức ảnh này, người có mái tóc vàng là tôi, tuy không giữ mái tóc đen thuần Việt, nhưng hãy tin tôi- đó chỉ là thời trang- còn trái tim tôi, dòng máu tôi thì không gì nhuộm nổi, nó mãi là dòng máu Việt Nam.

Buổi gặp mặt kết thúc bằng bữa tiệc tự chọn do Ban tổ chức mời: nem, nộm, bánh chưng, những món ăn dân tộc không thể thiếu được… mọi người tưng bừng trò chuyện tưởng chừng không dứt.

Và, trong lúc ra về, một đám đông đã thu hút sự tò mò của tôi, tiến lại gần, tôi nhận thấy ông Cao Kỳ đang ngồi viết cảm tưởng trong một quyển sổ lưu niệm, nhiều người vây quanh ông. Tôi thấy mọi người có vẻ ngưỡng mộ ông, vì lý do gì? Tôi tự hỏi? Riêng tôi, tôi quí trọng ông vì ông đã biết quên đi quá khứ, quay trở về quê hương cùng bắt tay góp phần xây dựng nước nhà, và rồi, những quan điểm dân tộc của ông đã có từ thời còn đánh nhau ác liệt - tôi biết được điều này qua bài phỏng vấn ông Kỳ (vào năm 1968) của nhà báo nữ Ý nổi tiếng Oriana Fallaci. Phần này tôi đã dịch ra tiếng Việt và sẽ đưa lên mạng “Những người yêu Việt Nam” để bạn bè cùng đọc.

VTV4 đã tới phỏng vấn ông Kỳ, tôi thật sự quan tâm và cũng quay video bằng máy ảnh nhỏ, sau đó nghe lại và chép lại, ông Kỳ nói: “ … Đặc biệt thì tôi là người của Hà Nội, lần đầu tiên tôi trở lại cũng có ra ăn Tết ở Hà Nội một, hai lần, nhưng mà những lần đó tiết trời không được lạnh, ấm quá, nóng quá, nó không phải là cái giá lạnh của mưa phùn của Tết khi tôi còn trẻ. Năm nay đặc biệt có cái lạnh của Hà Nội, cái Tết của Hà Nội cách đây hơn năm, sáu chục năm… Đối với tôi cái Tết năm nay có lẽ là vui hơn. Như chúng ta và cả thế giới đều thấy, Việt Nam bỗng trong một, hai năm vừa rồi được thế giới chú ý tới rất nhiều, đặc biệt là giới đầu tư. Khi mà họ đã mang tiền vào đầu tư nhiều như vậy có nghĩa là họ đã nhìn nhận đất nước chúng ta có một cái gì đó. Bởi vì những người có tiền đi đầu tư là người ta tìm những nơi tốt đẹp, không ai tới đầu tư hàng tỉ đô la ở một cái nơi xấu được. Thế thì trong năm vừa rồi chúng ta cũng thấy trên phương diện phát triển kinh tế, trên phương diện đầu tư của người ngoại quốc và ngay cả trên phương diện về ngoại giao và chính trị, cái tên Việt Nam cũng được hoan nghênh, không bị coi thường đánh giá thấp. Trong Nam cũng như ngoài Bắc, về địa ốc rồi chứng khoán... có thể nói có rất nhiều người Việt Nam đã làm ra tiền trong mấy tháng vừa qua. Và theo ý tôi đó mới chỉ là một sự khởi đầu và sự phát triển, hưng thịnh của đất nước sẽ kéo dài ít nhất trong vòng hai mươi năm nữa. Và nếu được đúng như vậy, thì đó là sự đền bù lại tất cả những cái không may mà đất nước này, dân tộc này đã hứng chịu trong một trăm năm trước... Từ giờ trở đi chúng ta sẽ thấy rất nhiều sự may mắn đến với đất nước và theo vận chuyển của tạo hóa nếu vận nước được hưng thịnh thì tất nhiên sẽ mang theo vận tốt cho người dân sống trên mảnh đất này, tức là ai nghèo sẽ bớt nghèo, dốt bớt dốt, bởi vì nếu có tiền sẽ có ăn có học, thành ra vận nước lên, cái người ngu tự nhiên trở thành sáng, người dân sẽ có học có hành sẽ được thông minh, và những người lãnh tụ lãnh đạo... sẽ nhìn thấy nhu cầu của người dân và nhìn thấy con đường của đất nước theo chiều hướng tốt… Đó là cái tôi nhìn thấy nhận thấy như vậy và đó là sự sắp đặt của Trời Đất…”!

Còn vài câu khó nghe tôi không hiểu hết được, nhưng như vậy cũng là tương đối hoàn chỉnh lời lẽ của “Tướng Kỳ” trước đây và của ông Kỳ “Thiện Chí” ngày nay. Có vài người lúc đó nói đùa gọi ông là thầy tướng Kỳ vì ông nói nhiều đến cái Vận của một đất nước và ông tin vào điều đó, ông tin vào sự sắp đặt của trời đất. Chợt tôi liên tưởng đến một câu trong một bài hát cách mạng rất nổi tiếng, bài Giải Phóng Miền Nam: “…Vận nước đã đến rồi…” vậy thì ông Kỳ cũng có lý đấy nhỉ.

Xét cho cùng thì tôi cũng thích cách nói này của ông Kỳ, đó là Vận nước, đã phải thế rồi, phải chấp nhận thôi, đừng căng cứng làm chi, cái Vận đang tới thì đẹp, thì may mắn, nên đón nhận nó để thay đổi đất nước tốt đẹp hơn lên.

Kết thúc cuộc phỏng vấn mọi người được cười một cách lý thú khi ông trả lời câu hỏi cuối cùng của cô phóng viên, cô này cứ cố hỏi ông lý do tại vì sao ông về Việt Nam ăn Tết, ông đã trả lời rằng cần gì phải lý do, thích về ăn Tết thì về, vớ vẩn, câu hỏi ngớ ngẩn, về Việt Nam phải hỏi lý do…

(Không biết cô phóng viên này cố ý hay không biết hỏi?)

Ra về, tôi rất hài lòng về buổi gặp gỡ đầy thú vị này, chỉ nửa tiếng sau, mấy phóng viên nhiếp ảnh đã tới tận khách sạn giao ảnh chụp, cái nào cũng to cỡ 20 x 30. Hai cái chụp chung cùng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tôi rất thích, một bà dì tôi đã xin tôi một tấm ấy và nói rằng, nếu ông Nguyễn Minh Triết mà biết Loan là cháu chú Vũ Quang thì ông ấy quí lắm đấy, vì ông ấy rất quí trọng chú Vũ Quang khi chú còn sống và cả khi chú mất ông ấy tới viếng hai lần trong ngày (chú Vũ Quang lấy em gái mẹ tôi, khi còn sống chú đã từng là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng).

Và có mấy cái tôi chụp chung cùng “Thầy Tướng Kỳ”, tự nhiên, tươi tắn, ai xem cũng khen trông tôi đẹp (hèn nào khi mọi người xúm đến cùng chụp ảnh, vừa nhìn thấy tôi, ông Kỳ đã nói: “Từ bấy đến giờ mới thấy cô này đẹp”, làm tôi lúng túng không biết trả lời ra sao đành lặng im). Hèn nào nhà báo Ý Oriana cũng đã viết rằng ông thời trẻ rất ga lăng. Trong thâm tâm lúc đó tôi đã định nói với ông rằng, ông ơi, có lẽ đúng là trời đất xui khiến, tuần trước tôi vừa gặp và chụp ảnh chung với cô con gái yêu của ông, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, thì tuần này tôi đã được gặp và chụp ảnh chung với ông là bố cô, và còn nữa, tôi đã được biết hơn về ông vào năm 1968 qua bài phỏng vấn ông của nhà báo Ý như đã nói ở trên…! Nghĩ vậy nhưng tôi đã không nói với ông, có lẽ không phải lúc.

Có thể hồi ký này của tôi sẽ là minh chứng cho lời truyền của ông chăng? Hãy nhìn trong hai mươi năm tới, ai chẳng muốn cho Đất Nước mình giầu có, văn minh, độc lập, tự do, hạnh phúc! 

 Hồi ký của Phạm Châu Loan - TPHCM. 28/02/2008


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm